Rác thải nhựa & tương lai của ngành khách sạn
Ảnh: T.L
Silk Sense Hoi An River Resort là doanh nghiệp tiên phong tại Quảng Nam công bố là khu nghỉ dưỡng không rác thải nhựa ra môi trường và không còn đồ nhựa dùng một lần.
Nói không với nhựa dùng một lần
Chủ của doanh nghiệp này đã đặt ra những tiêu chí và giải pháp cụ thể cho từng vấn đề của rác thải và áp dụng một cách đồng bộ, đảm bảo hoàn toàn loại bỏ rác thải nhựa. Mô hình này còn được Hiệp hội Du lịch Việt Nam tham khảo để áp dụng đánh giá cho các khách sạn là thành viên, tiến tới kỳ vọng áp dụng trong toàn ngành du lịch.
Đứng trước nạn rác thải nhựa, ngành du lịch tại nhiều địa phương cũng đang hưởng ứng xu hướng nói không với đồ nhựa dùng một lần. Chẳng hạn, sau một năm thử nghiệm và mang lại nhiều kết quả tích cực cho hệ sinh thái, huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu du khách không mang theo túi nylon và các vật dụng nhựa sử dụng một lần. Hay gần đây du khách khi đến bến tàu để đi du lịch biển đảo trong vịnh Nha Trang cũng không được mang các sản phẩm nhựa dùng một lần. Ban quản lý vịnh Nha Trang cho biết đây là một trong những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học vịnh Nha Trang.
Thực tế, đây là xu hướng đang diễn ra tại nhiều nước trên thế giới nhằm đẩy lui nạn rác thải nhựa đang hủy hoại môi trường. Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa. Theo đó, từ ngày 1/1/2026, Việt Nam sẽ không sản xuất và nhập khẩu túi nylon khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50x50 cm. Sau ngày 31/12/2030, Chính phủ yêu cầu dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa...
Ngành du lịch của Việt Nam đang rất nỗ lực thúc đẩy các cam kết này thành hiện thực vì Việt Nam là quốc gia có nguồn phát sinh rác thải nhựa lớn trên thế giới (khoảng 3,1 triệu tấn/năm, trong đó lượng rác thải đổ ra đại dương khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm). Ngành du lịch cũng là nguồn phát sinh rác thải nhựa lớn và có chỉ số bền vững về môi trường khá thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực.
Việt Nam chào đón 8,9 triệu lượt khách quốc tế trong 9 tháng đầu năm nay. Dù ngành du lịch đang hồi phục từ suy thoái sau đại dịch nhưng cũng đối mặt với rủi ro: khách du lịch nước ngoài thường lo ngại về chất lượng dịch vụ và trải nghiệm kém mà họ nhận được suốt chuyến thăm Việt Nam, khiến cho tỉ lệ giữ chân du khách thấp. Ngày càng nhiều du khách chọn điểm đến tiếp theo là nơi họ có thể tận hưởng trải nghiệm xanh - các sự kiện hay cảm xúc được định hình từ các hoạt động thân thiện với môi trường.
Du lịch xanh lên ngôi
Theo thông tin từ Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc, mỗi năm có tới 13 triệu tấn nhựa trôi dạt ra đại dương. Những du khách văn minh đều cảm thấy mình phải có trách nhiệm trong vấn đề này và họ sẽ nói không với những điểm đến, khách sạn... dung túng cho các hành vi hủy hoại môi trường. Trên khắp thế giới, du lịch xanh đang lên ngôi khi cổ xúy cho một hình thái của du lịch thiên nhiên, thân thiện với môi trường và hầu như không tạo ra tác động về sinh thái tại điểm đến du lịch.
Theo báo cáo của Ủy ban châu Âu về hành vi tiêu dùng của du khách được thực hiện năm 2020, có tới 82% số dân Liên minh châu Âu (EU) cho biết có thể thay đổi thói quen để bảo đảm tính bền vững của du lịch; 48% sẵn sàng giảm rác thải khi du lịch; thậm chí chấp nhận trả thêm phí để bảo vệ môi trường thiên nhiên (35%) hoặc để mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương (33%).
“Với việc ngày càng nhiều du khách nước ngoài quan tâm đến bền vững, trải nghiệm xanh họ có được tại Việt Nam có thể ảnh hưởng đến tương lai của ngành khách sạn Việt Nam” là nhận định của Tiến sĩ Jung Woo Han, Chủ nhiệm bộ môn cấp cao Khoa Kinh doanh, RMIT Việt Nam. Nhóm nghiên cứu từ Đại học RMIT tại Việt Nam đã chỉ ra những lợi ích to lớn của trải nghiệm du lịch bền vững. Ngành khách sạn là một mô hình kinh doanh độc đáo, nơi cả khách du lịch (khách) và nhân viên khách sạn (chủ nhà) đều cùng chia sẻ không gian và trải nghiệm chung. Một khi trải nghiệm xanh được hình thành trong khách sạn, điều đó sẽ tác động tích cực đến trải nghiệm của cả khách lẫn chủ nhà, nhờ đó cải thiện năng suất và sự hài lòng của khách hàng.
Các chuyên gia của RMIT cho rằng xanh hóa lĩnh vực khách sạn ở Việt Nam không chỉ là quyết định chiến lược trong các quyết định kinh doanh và vĩ mô, mà còn là điều bắt buộc liên quan tới việc liệu chúng ta có thể cứu thế hệ tương lai khỏi lũ lụt thảm khốc và biến đổi khí hậu hay không. Đóng góp tới 5% lượng khí thải CO2, ngành khách sạn phải chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp thích hợp để ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu.
Hiện đã có yêu cầu pháp lý để trở nên xanh hơn trong kinh doanh và để trở thành ngành khách sạn mang lại những thay đổi tích cực thì vẫn còn quãng đường dài phía trước. Hiện nay, nhiều lãnh đạo khách sạn đã chú ý đến việc định hình trải nghiệm xanh tốt hơn, đi trước đối thủ và xây dựng hình ảnh thương hiệu tốt hơn với khách hàng và nhân viên. Việc nói không với đồ nhựa dùng một lần đang trở nên phổ biến hơn là tín hiệu tích cực của xu hướng này.
Ngoài ra, ngành còn ghi nhận nhiều sáng kiến để thân thiện hơn với môi trường như bỏ muỗng, chai, ống hút nhựa; sử dụng các sản phẩm từ chất liệu tái chế, khăn tắm và ga trải giường thân thiện với môi trường; sử dụng nguồn năng lượng xanh, tái sử dụng nước mưa.
“Chúng tôi tin rằng sự thay đổi lớn luôn bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất. Chúng tôi kêu gọi mọi người cùng góp phần bảo vệ môi trường, hy vọng sẽ đến lúc họ không cần dùng đến đồ nhựa tiện lợi trong những buổi liên hoan ăn uống cùng người thân, bạn bè”, ông Guillermo Pantoja, Tổng Giám đốc của Meliá Hà Nội, chia sẻ.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Thái Huệ
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Thái Huệ