Hủy
Sách hay

Nhà văn Vĩnh Quyền đạt giải Văn Học ASEAN 2021

Phạm Phú Phong Chủ Nhật | 27/08/2023 08:54

Bìa quyển sách do NXB Trẻ ấn hành. Ảnh: NXB Trẻ

 
 
Sau hai năm gián đoạn vì Covid, giải thưởng vừa được trao vào tháng 8/2023.

Đây là sự kiện văn học do Hoàng gia Thái Lan tổ chức, được trao hàng năm cho các nhà thơ, nhà văn khu vực Đông Nam Á. Năm nay, Công chúa thứ hai của Quốc vương Thái Lan - Sirivannavari Nariratana Rajakanya thay mặt Hoàng gia chủ trì lễ trao giải và trực tiếp tặng thưởng cho các nhà văn thuộc 10 nước Đông Nam Á. Nhà văn Vĩnh Quyền đạt giải với tiểu thuyến Trong Vô Tận.

Câu chuyện xoay quanh một thanh niên Việt Nam sống nhiều năm trên đất Mỹ, bỗng một người được tin có người cha sống một mình ở Huế và đang hôn mê. Hành trình nhân vật tự hàn gắn đứt gãy để kết nối quá khứ là chủ đề của tiểu thuyết.

Chia sẻ tại buổi lễ nhận giải, Vĩnh Quyền bày tỏ lòng biết ơn đến ban tổ chức giải và khẳng định: “Văn học là phương tiện giao lưu văn hóa tuyệt vời. Điều này nhằm góp phần làm thay đổi một thực trạng đã tồn tại hàng thế kỷ: Người Đông Nam Á am hiểu lịch sử, văn hóa và thời sự của các nước phương Tây hơn là các nước láng giềng gần gũi nhất của họ trong khu vực”. Anh bày tỏ mong mỏi “các nhà sáng lập cần tiếp tục phát huy sáng kiến khởi đầu quý giá này”.

“Nhà văn mười nước Đông Nam Á đã ngồi lại bên nhau, tại đây. Vui và cảm động kết giao. Nhưng hầu hết họ chưa có điều kiện đọc tác phẩm của nhau, thậm chí chưa từng nghe đến tên nhau. Ngoại trừ Philippines và Singapore đã có truyền thống sáng tác và xuất bản Anh ngữ, ở các nước còn lại, số lượng tác phẩm được chuyển ngữ rất khiêm tốn. Các dịch giả, nhà xuất bản Đông Nam Á cho rằng văn học các nước trong khu vực của họ chưa đáng để dịch và giới thiệu, lại thêm thực tế thị phần này còn rất nhỏ trong thị trường sách. Điều đó khiến các nhà văn, nhà nghiên cứu văn học, và những bạn đọc Đông Nam Á, nếu muốn tìm hiểu văn học của nhau cũng không dễ” - Vĩnh Quyền chia sẻ thực trạng của văn học Đông Nam Á hiện nay.

Anh ao ước các tác phẩm được trao giải từ 1979 đến nay sẽ được tổ chức thành một Tủ sách Văn chương Đông Nam Á, tuyển dịch sang tiếng Anh, xuất bản và giới thiệu trong khu vực cũng như thế giới ngoài.

Trước giải thưởng này, Vĩnh Quyền từng gây tiếng vang với tác phẩm Debris of Debris (Mảnh vỡ của mảnh vỡ), tiểu thuyết về thời hậu chiến Việt Nam, xuất bản tại Mỹ năm 2009 ( Đại học Saint Benedict, bang Minnesota) và tại Anh năm 2014 ( NXB Austin Macauley, London), lưu trữ tại Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ. Bản tiếng Việt đoạt Giải Nhì ( không có Giải Nhất ) Cuộc thi tiểu thuyết 2011-2015 của Hội nhà văn Việt Nam.

Nhà văn Vĩnh Quyền tại buổi trao giải năm 2023
Nhà văn Vĩnh Quyền tại buổi trao giải năm 2023

Trong dịp này, NCĐT giới thiệu bài viết Vĩnh Quyền – Ngước Nhìn Trong Vô Tận – của tác giả Phạm Phú Phong để độc giả hiểu thêm về quyển tiểu thuyết này cũng như phong cách nghệ thuật độc đáo của Vĩnh Quyền.

***

Trong Vô Tận (NXB Trẻ, 2019) là cuốn sách thứ 13 và là tiểu thuyết thứ tư của Vĩnh Quyền. Không phải là tiểu thuyết lịch sử, nhưng cảm hứng về lịch sử, về ý thức tự cường, về biên giới biển đảo... chi phối tâm thức sáng tạo của tác giả.

Ý thức tự tôn dân tộc

Cảm quan hiện thực dẫn dắt cái nhìn của người viết từ một ngôi nhà, một khu vườn, một gia đình, một gia tộc soi chiếu quang rộng ra lịch sử của cả đất nước xuyên suốt gần trọn cả thế kỷ (1916 - 2014). Đây là lối dựng truyện không có truyện, không kể được. Có thể nói gọn trong một câu: một đứa con ngoài giá thú, nghe tin cha đau nặng sắp mất, tìm về thăm. Hết! Nhưng nếu chỉ có vậy thì làm gì có tiểu thuyết, thậm chí không đủ dung lượng để viết một cái tin vắn trên báo. Từ cái cốt truyện giản đơn đó, người viết lồng thêm bao nhiêu chuyện về những mối tình của người cha xuất thân từ hoàng tộc, trong bối cảnh lịch sử của một dòng họ mấy đời gắn bó với đất nước, lồng trong câu chuyện lịch sử về cuộc khởi nghĩa của các sĩ phu xứ Quảng là Thái Phiên và Trần Cao Vân, trong đó có cả một “trời nhan sắc” tạo nên một vòng sinh quyển kiêm ái đa đoan của nhà yêu nước họ Thái.

Vì vậy, trong ngổn ngang của những sự kiện, nhằm nêu bật cái “chủ đề lớn của thời đại: kết nối quá khứ để hoàn thiện bản thân” (Zac Herman), còn có một chủ đề nằm ẩn sâu đằng sau câu chữ, như một dòng chảy ngầm xuyên thấm qua đất đai cây trái ruộng vườn, đó là tấm lòng yêu quê hương đất nước, là ý thức tự tôn dân tộc và bảo vệ chủ quyền về biển đảo, đề cao nguyên khí quốc gia: “Với một đất nước như Việt Nam, nếu được cho là cường quốc vào một thời kỳ nào đó, thì xuất phát điểm không hoàn toàn thuộc về thành tựu khoa học, kinh tế, quân sự mà chính là sự hưng thịnh của nguyên khí quốc gia. Nói cách khác, tùy thuộc vào việc đào tạo hiền tài và sử dụng hiền tài. Nguyên khí quốc gia còn là sức mạnh mở đường cho đất nước thoát khỏi cảnh lạc hậu và phiên thuộc nước lớn. Như trong bối cảnh đen tối cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, sĩ phu Việt Nam đã dấy lên một phong trào thức tỉnh vô tiền khoáng hậu khi thực hiện chương trình đào tạo cách tân với mạng lưới trường học “phi chính phủ”, thầy ăn cơm nhà đến lớp, trò đi học để làm người nước Nam mới, tân - nam - tử, chứ không để làm quan, và với nguồn tài trợ đến từ nhân dân, trong đó chủ lực là doanh nhân trí thức yêu nước” [tr.222-223].

Ở chiều ngược lại, người viết lên án thực trạng về một bộ phận không nhỏ những người đang làm việc trong bộ máy nhà nước, nhưng thờ ơ với truyền thống lịch sử dân tộc: “Nhiều người Việt đang quên dần mình là ai, từ đâu đến, nếu làm một khảo sát không báo trước, tại một cơ quan nhà nước cấp trung ương cho chuẩn luôn, từ lãnh đạo đến văn phòng, mỗi người chỉ cần điền đầy đủ và theo thứ tự tên các triều đại trong lịch sử nước nhà vào một mẫu liệt kê, kẻ nào không khai được “lý lịch dân tộc” thì đuổi, tao bảo nhé, sẽ không còn một mống” [tr.16].

Bằng khen ghi nhận
Bằng khen ghi nhận

Điệp trùng thân phận

Cứ thế, những trầm tư về dân tộc cứ đan cài, xuyên thấm mọi ngóc ngách không/thời gian, chi phối cái nhìn và tâm thức sáng tạo. Cái nhìn chuyển dịch một cách năng động, làm thay đổi không gian địa lý, định hình một kiểu không gian nghệ thuật chuyển dịch theo hành động và tâm tưởng của nhân vật, có thể từ cửa sổ máy bay nhìn thấy cái vô tận của đất trời, nhưng cũng có thể định vị từ một khu vườn nhỏ, một phủ đệ ở Vỹ Dạ, đã trở nên hoang vắng cả trăm năm qua, nhìn sâu vào cái vô tận của lòng người, để rồi dẫn dắt thời gian “ngược xuôi” xoay chiều, đảo ngược giữa dòng chảy của lịch sử, gắn bó với những mảnh vỡ của đời người phận mỏng.

Đặc điểm nổi bật trong thế giới nhân vật tiểu thuyết của Vĩnh Quyền là không có nhân vật xấu. Họ chỉ có cá tính khác nhau, dẫn đến lối sống khác nhau, chấp nhận và tôn trọng nhau, nhưng vẫn không loại trừ hoàn toàn xung đột tiểu thuyết. Đó là những mâu thuẫn, xung đột giữa hoàn cảnh và tính cách, hoặc xung đột ngay trong thế giới nội tâm của riêng mỗi người, khi đưa ra những phép ứng xử trong từng hoàn cảnh cụ thể. Mỗi nhân vật một cá tính, một lối sống và đều có bản lĩnh, biết chịu trách nhiệm về hành vi ứng xử của mình trong đời sống. Hoàng từng là sinh viên học viện ngoại giao, trở thành đại ca trong giới giang hồ, đã tự vẫn vì biết mình không thể vượt qua mặc cảm đồng tính. Tùng làm báo, có lối sống phóng khoáng tự do, chuyên viết về các “chân dài” trong làng giải trí, nhưng cuối cùng cũng có mặt trong vùng biển nóng của đất nước “cùng các nhà báo trong nước và quốc tế nói trước camera như gào, cố át âm thanh ầm ào của sóng gió, của vòi rồng và tiếng gầm rú bạo liệt của động cơ hàng chục tàu biển quần nhau với tốc độ cực đại” [tr.235].

Rồi các nhân vật cùng thế hệ như Luân, Biên, Linh, dì Nhàn, hoặc các nhân vật thuộc các thế hệ trước như người ông, người cha, người cha nuôi, người mẹ Diệu Lành, vú Hạnh, hoặc các nhân vật có thật trong lịch sử được tác giả điểm xuyết từ thuở các vua Hùng dựng nước đến cuối triều Nguyễn và dừng lại đặc tả cuộc khởi nghĩa của Thái Phiên và Trần Cao Vân phò vua Duy Tân khởi nghiệp bị thất bại... Ngay cả cô gái “tóc vàng” người Mỹ tình cờ gặp trên máy bay tên là Fiona, tìm đến Việt Nam để chụp lại những bức ảnh nơi cha cô trước đây là lính Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam từng gây tội ác có lưu lại hình ảnh, cũng góp phần tô đậm cái chủ đề soi tìm ký ức, bởi “ký ức giúp con người hoàn thiện nhưng có thứ ký ức quá ngưỡng chịu đựng của một số người, trở thành nơi giam hãm. Với bộ ảnh ghi nhận cuộc hồi sinh nơi chiến trường xưa, tôi hy vọng sẽ đưa được cha tôi ra khỏi vùng ký ức thương tổn” [tr.232-233].

Nghệ thuật tiểu thuyết là nghệ thuật kể chuyện. Người dẫn truyện trung tâm vẫn là nhân vật tôi - người con đang làm tiến sĩ sử học ở Mỹ về thăm người cha ốm sắp chết. Nhưng người dẫn chuyện còn là nhân vật tôi - người cha, người ông hay vú Hạnh, hoặc có khi tác giả trao cây bút cho chính nhân vật tự kể về cuộc đời.

Đọc Vĩnh Quyền không chỉ là tiếp cận một thế giới hình tượng sống động đa chiều kích, bằng một nghệ thuật ngôn từ có sức cuốn hút, mà còn có sự nặng đầy về tri thức văn hóa lịch sử của dân tộc. Điều quan trọng hơn, khi bắt nhịp cùng hơi thở nồng nàn của văn chương anh, những tri thức ấy như được người viết thổi hồn mình vào trong đó, tạo nên những sinh thể, trở nên sống động, quẫy đạp, đòi hỏi phải có sự đồng cảm, sẻ chia. Văn chương không chỉ là tư tưởng mà còn là văn hóa. Nhà văn không chỉ là nhà tư tưởng, mà trước hết, họ là những nhà văn hóa.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới