Hủy
Sách hay

Siêu tập trung

Quỳnh Anh Thứ Bảy | 05/10/2019 15:48

Hướng dẫn cho bạn cách tập trung như thế nào và đưa ra một cái nhìn toàn diện về cách mà tâm trí chúng ta mất tập trung.
 

Theo tác giả, việc chúng ta khó tập trung chẳng có gì là bất thường. Các nghiên cứu cho thấy tâm trí của chúng ta xao lãng trong 47% thời gian sống. Đó là hệ quả của ADN, khi tổ tiên của chúng ta phải hết sức cảnh giác và để ý đến môi trường sống xung quanh để có thể tồn tại.

Nhưng ngày nay đã khác, môi trường sống của con người ít các mối đe dọa hơn, đồng thời lại có quá nhiều thứ khiến trí óc của chúng ta xao lãng hơn xưa. Các nghiên cứu cho thấy chúng ta chỉ có thể làm việc khoảng 40 giây trước màn hình máy tính trước khi bị ngắt quãng hay chen ngang.

Thường thì ta mất tập trung do căng thẳng buồn chán, môi trường xung quanh lộn xộn, có quá nhiều vấn đề cá nhân, lo lắng về hiệu quả làm việc của bản thân, không có việc gì đủ sức choáng hết tâm trí. Bên cạnh đó, thói quen suy nghĩ, cách cảm nhận và cả thức ăn, tâm trạng, cũng ảnh hưởng đến sự tập trung của chúng ta.

Hơn nữa, mỗi khi mất tập trung, bạn sẽ cần trung bình 22 phút mới có thể quay lại được với công việc.

Trong khi đó, mất tập trung khiến bạn khó có thể hoàn thành công việc của mình, khó lưu giữ những bài học quan trọng đã từng trải nghiệm. Điều này dẫn đến bạn sẽ “kiếm sống” khó khăn. Hơn thế nữa, sự mất tập trung khiến bạn mất năng lượng và cảm thấy cuộc sống ít ý nghĩa.

Chris Bailey cũng chỉ rõ cơ chế hoạt động của sự tập trung, cách đo lường nó, cách thực hành để đạt được siêu tập trung, và cách để đối phó những tác động gây mất tập trung hiện nay của con người hiện đại như điện thoại di động, thư điện tử, ti-vi, các chương trình trên Internet, họp hành,...

Công thức bắt đầu với việc bạn phân loại công việc và các đối tượng trong cuộc sống của bạn để chọn được đúng mục tiêu cần tập trung. Sau đó, bạn cần tạo môi trường tốt cho sự tập trung như tắt các thiết bị gây xao nhãng, tránh nơi quá đông người, đeo phone, và rèn luyện cho tâm trí bạn sự tập trung như thực hành thiền và chánh niệm.

Bạn đọc cũng sẽ được thực hành những cách thức để có thể làm việc đa nhiệm nhưng hiệu quả. Bên cạnh đó cuốn sách cũng chỉ rõ giới hạn của đa nhiệm để bạn không quá ảo tưởng vào việc làm mọi thứ cùng một lúc.

Và khi biết sử dụng sự chú ý ít ỏi của mình một cách thông minh và có chủ đích, bạn sẽ tập trung tốt hơn và suy nghĩ sáng suốt hơn. Đây là kỹ năng thiết yếu trong thế giới hiện nay, khi công việc đòi hỏi phải vận dụng trí óc cao độ trong môi trường thường xuyên gây xao lãng.

Khía cạnh quan trọng nhất của siêu tập trung là chỉ có duy nhất một công việc có lợi hay có ý nghĩa được chiếm lĩnh không gian chú ý của bạn.

Nửa còn lại của cuốn sách lại đi sâu vào lợi ích của việc mất tập trung. Phân tán sự tập trung cũng có vai trò quan trọng như tập trung. Nó là mặt trái, nhưng cũng là mặt cộng sinh của siêu tập trung, giúp một người cân bằng trong cuộc sống.

Phân tán sự tập trung thường xảy ra khi năng lượng của bạn giảm sút. Nhưng nếu sử dụng nó một cách có chủ đích, sự phân tán này có thể giúp bạn hồi phục năng lượng, trở nên sáng tạo hơn, có tầm nhìn hơn về tương lai, suy nghĩ sâu sắc, nuôi dưỡng tình cảm như lòng nhân ái và cảm thấy cuộc sống có thêm ý nghĩa. Tuy nhiên, nếu bạn phân tán sự tập trung không có chủ đích thì dễ hóa thành lan man.

Siêu tập trung không chỉ phân tích rõ cách thức bạn nên phân tán sự tập trung mà còn hướng dẫn cho bạn cách củng cố điều đó một cách cụ thể, dễ hiểu như hãy chăm sóc giấc ngủ và chú trọng vào giờ giải lao.

Chris Bailey đã thực hiện cuốn sách một cách có kế hoạch và chuyên nghiệp. Đầu tiên tác giả tìm đọc tất cả các tài liệu sách báo có thể với tới được, sau đó lật tung các nghiên cứu khoa học chuyên ngành, kế tiếp là trao đổi với mọi chuyên gia hàng đầu trong mối quan hệ hay có thể tiếp cận và cuối cùng là thực nghiệm trên chính mình để nghiền ngẫm và suy luận.

Với mục tiêu làm sáng tỏ vì sao chúng ta lại dễ dàng bị xao lãng đến thế, đồng thời cũng tìm hiểu cách thức để bắt cái đầu bướng bỉnh của mình tập trung trong thế giới đầy cám dỗ này. Và hướng tới nhằm khám phá ra cách tốt nhất để ứng phó với những điều gây xao lãng quanh mình; cố gắng làm tốt nhất nhiều công việc cùng lúc nếu có thể; vượt qua sự trì hoãn; đồng thời hướng dẫn bạn phân tán sự tập trung để có thể thoải mái thư giãn và phục hồi. Siêu tập trung mang đến thông tin dễ tiếp nhận cho người đọc.

Và nếu bạn quyết định đọc cuốn sách này thì đây là bảy bước hướng dẫn hữu ích mà tác giả gợi ý để bạn có thể đọc hiệu quả:

-           Bỏ điện thoại ra xa.

-           Chọn nơi bạn ít bị xao nhãng nhất để đọc sách.

-           Điểm danh những điều làm bạn xao nhãng cả trong tâm trí lẫn ngoại cảnh và xếp đặt chúng vào vùng an toàn.

-           Đặt ra mục tiêu cần đạt được khi đọc cuốn sách.

-           Uống chút cà phê hoặc trà trước khi đọc.

-           Chuẩn bị sẵn bút hoặc bút đánh dấu.

-           Nghỉ ngơi đôi chút khi thấy mình xao lãng.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới