Hủy
Phong Cách Sống

Y tế tại nhà tránh xa virus

Kim Thùy Thứ Bảy | 05/09/2020 07:30

Ảnh: Thiên Ân

Tăng cường ý thức tự chăm sóc sức khỏe bản thân góp phần giảm thiểu áp lực cho hệ thống y tế toàn dân.
 

Thông tin Tổ chức Y tế Thế giới cập nhật đến ngày 25.8 cho thấy, thế giới đã vượt qua mốc 23,5 triệu ca nhiễm COVID-19, với 810.492 người tử vong, trong đó có 15.904.288 người khỏi bệnh. Đặc biệt, trên 50% ca nhiễm không có triệu chứng lâm sàng và tự phục hồi sau thời gian cách ly và nghỉ dưỡng.

Thạc sĩ - Bác sĩ Vũ Trường Sơn, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện FV, giải thích: “Bản thân virus hoặc các tác nhân gây bệnh khi xâm nhập vào cơ thể sẽ có hệ thống miễn dịch giống như quân đội bảo vệ cơ thể. Hệ thống này khởi động chu trình kháng viêm bằng cách các tế bào sẽ đi tìm và khoanh vùng virus đó lại rồi tiêu diệt chúng. Với những người khỏe mạnh, không có bệnh lý nền, đa số hệ miễn dịch sẽ chiến thắng được virus”.

COVID-19 cũng là một virus, khi nhiễm vào cơ thể sẽ hoạt hóa hệ thống miễn dịch chống lại nó. Số liệu thống kê về các ca tử vong gần đây do nhiễm COVID-19 cho thấy, đa phần họ là những người lớn tuổi và có bệnh lý nền kèm theo, thường là trên 60 tuổi. Ở độ tuổi này, hệ thống “quân đội” không còn đủ mạnh nữa, hoặc những bệnh lý như tiểu đường, suy thận... sẽ làm khả năng miễn dịch của cơ thể kém đi và khi đó họ không đủ mạnh để chống virus, bác sĩ Vũ Trường Sơn chia sẻ thêm.

Phó Giáo sư Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cũng cho rằng hệ thống miễn dịch, sức đề kháng vốn đã suy yếu, nếu bệnh nhân bị mắc thêm COVID-19 khiến các bệnh mạn tính tăng lên, trở thành những bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng và rất nặng.

Trong Hội nghị trực tuyến về “Sức mạnh của việc tự chăm sóc sức khỏe với nỗ lực hướng đến mục tiêu bao phủ sức khỏe toàn dân” do KPMG và Sanofi Việt Nam tổ chức vào ngày 21.8 vừa qua, Tiến sĩ - Bác sĩ Mason L. Cobb, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare, cho rằng: “Đại dịch COVID-19 là một thảm họa toàn cầu. Tuy nhiên, trong nguy cũng có cơ, mọi người đã chủ động hơn rất nhiều để tìm hiểu về sức khỏe và sẵn sàng đầu tư nhiều hơn để tự chăm sóc bản thân”.


Theo thống kê của Bộ Y tế, tổng chi toàn xã hội cho chăm sóc sức khỏe (ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế, người dân) so với GDP ngày càng tăng. Từ năm 2008 đến nay, tốc độ tăng chi từ ngân sách nhà nước cho y tế đã cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách nhà nước và đạt khoảng 7-8% tổng chi ngân sách. Dù ngân sách nhà nước cho y tế và bảo hiểm y tế ngày càng tăng nhưng tổng chi chăm sóc sức khỏe bình quân theo đầu người vẫn rất thấp, chưa đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức y tế. Đó là tốc độ già hóa dân số, gánh nặng chi trả cho dịch vụ y tế đối với tài chính của từng cá nhân, hộ gia đình cũng như tổng chi tiêu y tế quốc gia, sự gia tăng các bệnh mãn tính không lây như tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường... gây ra bởi lối sống, môi trường.

Vì vậy, khi người dân Việt Nam tích cực hơn trong thói quen tự chăm sóc bản thân, hệ thống chăm sóc sức khỏe của đất nước có thể tạo ra từ 3,62 tỉ USD (với tỉ lệ tự chăm sóc toàn dân áp dụng là 61%) đến 5,94 tỉ USD (với tỉ lệ tự chăm sóc trên mức áp dụng) vào năm 2025 (nguồn KPMG Việt Nam).

Ảnh: Thiên Ân
Ảnh: Thiên Ân

Theo Liên đoàn Chăm sóc Bản thân Toàn cầu, chăm sóc bản thân là việc mỗi cá nhân vận dụng những thông tin và kiến thức sẵn về y học và dinh dưỡng để cải thiện và nâng cao sức khỏe của chính họ. Bên cạnh đó, cũng cần có sự phối hợp với các chuyên gia y tế khi cần thiết.

“Đi tới bệnh viện là chăm sóc bệnh chứ không phải tự chăm sóc sức khỏe. Nếu chúng ta chăm sóc sức khỏe tốt thì sẽ giảm tải được gánh nặng cho hệ thống y tế và giúp ngành y tế có nhiều điều kiện để tập trung vào các ca bệnh nặng cũng như có nhiều năng lực để giải quyết các vấn đề y tế quan trọng hơn”, ông Chris Hardesty, Giám đốc Bộ phận Tư vấn ngành y tế và khoa học đời sống, KPMG Singapore, nhận xét.

Đến thời điểm hiện tại, dù ngành y tế Việt Nam đã triển khai các biện pháp phòng chống dịch rất nhanh chóng, nhưng tình hình lây nhiễm trong cộng đồng vẫn rất phức tạp. Việc bảo vệ và tự nâng cao sức khỏe ngày càng thể hiện tầm quan trọng, khi dịch bệnh khả năng sẽ còn tái phát nhiều lần và theo mùa.  Hành trình tăng cường nhận thức về tự chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam cần thời gian và sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Chính phủ và các công ty.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới