Trò chuyện điện ảnh cùng Di sản Kết nối
Tiếp nối các tọa đàm về lưu trữ phim và phim di sản diễn ra trong tháng 8, dự án Di sản Kết nối (DSKN) của Hội đồng Anh tại Việt Nam tiếp tục khai thác một yếu tố điện ảnh khác cho tháng 9: Yếu tố hài hước trong phim – Thời cười của điện ảnh.
“Tiếng cười, là đặc quyền của con người dễ khiến các giống loài khác ganh tỵ”, ông Vũ Ánh Dương, giảng viên Khoa Thiết kế và Nghệ thuật, Đại học Hoa Sen (TP HCM) nói. Vượt lên ý nghĩa của chức năng tâm sinh lý ấy, tiếng cười trở thành một phạm trù mỹ học bởi nó có khả năng dựng lên chân dung kẻ bị cười và kẻ cười, cách thức tổ chức thế giới trong tác phẩm nghệ thuật.
Trò chuyện về hài tính và phim hài trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, là cuộc thăm dò tiếng cười và cách cười ở ba giai đoạn chính yếu: Điện ảnh Cách Mạng Việt Nam, Điện ảnh Việt Nam sau Đổi Mới, và Điện ảnh đương đại, thời điểm mà phim hài được coi là sự lựa chọn chính yếu, an toàn của các nhà làm phim hướng đến thị trường của mình.
Buổi toạ đàm nhận được sự quan tâm của nhiều người trẻ, trong đó có những người có ý định làm phim hài. Vì vậy, trong tâm chia sẻ được đặt vào các thủ pháp nghệ thuật trong việc viết kịch bản và dàn dựng phim hài trên thế giới và tại Việt Nam.
Đánh dấu sự kiện đầu tiên tại TP.HCM trong chuỗi tọa đàm của DSKN, buổi nói chuyện cũng đã cung cấp thêm thông tin về Quỹ FAMLAB (Phim, Nhạc và Lưu trữ) của Hội đồng Anh nhằm hỗ trợ các dự án tương tác với di sản âm nhạc và phim của Việt Nam.
Có kinh phí khoảng 3 tỉ đồng, Quỹ FAMLAB hướng tới việc hỗ trợ các dự án làm việc với di sản âm nhạc và phim của Việt Nam thông qua các thực hành đương đại, khuyến khích những nhà thực hành nghệ thuật và văn hóa khai thác những phương thức sáng tạo mới để tương tác với khán giả cũng như tạo ra các nhóm khán giả mới cho di sản phim và âm nhạc Việt Nam.
Quỹ FAMLAB tạo cơ hội cho các cá nhân, các nhóm thực hành nghệ thuật và các tổ chức tại Việt Nam hoặc Vương quốc Anh, hoặc hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Anh, có hoạt động dưới bất kỳ hình thức biểu đạt nghệ thuật hoặc sáng tạo nào. Mỗi gói hỗ trợ có giá trị từ £3,000 – £10,000 (khoảng 90 triệu đến 300 triệu đồng)
Di sản Kết nối là dự án trong khuôn khổ Chương trình Văn hóa và Phát triển của Hội đồng Anh tại Việt Nam, kéo dài trong hai năm, nhằm tìm hiểu việc sử dụng di sản văn hóa để phát triển và mang lại lợi ích cho toàn xã hội. Dự án này sẽ làm việc với di sản nhạc và phim của Việt Nam, đặc biệt chú trọng đến các giá trị không được nhiều người biết đến và có nguy cơ mai một.
Dự án bao gồm hai hợp phần có liên kết chặt chẽ: Hoạt động văn hóa cộng đồng, và Lab Phim, Nhạc và Lưu trữ (FAMLAB – Film, Archive and Music Lab). Khởi động vào tháng 4 năm 2018, dự án nhằm kiến tạo các cơ hội mới để các cộng đồng trên khắp cả nước có thể đóng góp vào quá trình bảo tồn và phát triển các giá trị di sản văn hóa của họ, cũng như hưởng lợi từ chính quá trình đó.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư