Động vật hoang dã cạn kiệt và tận diệt
Tại Việt Nam, hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã ở quy mô thương mại đã xuất hiện từ những năm cuối thập niên 1980
Việc buôn bán trái pháp luật các loài hoang dã có giá trị từ 7-19 tỉ USD mỗi năm trở thành 1 trong 5 ngành buôn bán trái phép có lợi nhuận cao nhất trên thế giới sau ma túy, vũ khí, hàng giả và buôn người. Là một điểm nóng về săn bắt, khai thác, buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã, Việt Nam đã có cam kết về chống buôn bán trái phép động vật hoang dã tại Hội nghị London 2018 vừa qua. Trong bối cảnh đó, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã tập trung vào chủ đề “Động vật hoang dã Việt Nam: Cạn kiệt và bị tận diệt” cho bản tin chính sách mới nhất của họ.
Tại Việt Nam, hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã ở quy mô thương mại đã xuất hiện từ những năm cuối thập niên 1980, khi đất nước mở cửa. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, Việt Nam chuyển mình từ một nước chủ yếu xuất khẩu và trung chuyển hàng hóa động vật hoang dã trái phép sang đích đến phục vụ nhu cầu hưởng thụ của tầng lớp người giàu mới. Không chỉ là nguyên nhân gây cạn kiệt nguồn tài nguyên đa dạng sinh học trong nước, ngày nay nhu cầu tiêu dùng động vật hoang dã của người Việt còn gây tác động tiêu cực lên thiên nhiên của các quốc gia khác, từ khu vực tiểu vùng Mê Kông cho đến châu Phi.
Mặc dù Việt Nam vẫn được xếp hạng 16 về chỉ số đo mức độ đa dạng sinh học nhưng số lượng các loài hoang dã đã giảm từ nhóm 10 xuống vị trí 32. Năm 1992, có 365 loài động vật bị xếp loại là Loài nguy cấp (EN) trong Sách Đỏ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) thì đến năm 2004 con số này là 407 loài và chỉ 3 năm sau đó tăng lên 418 loài. Nhiều loài động vật đã bị tuyệt chủng và nhiều loài khác đang trên bờ vực tuyệt chủng tại Việt Nam. Loài tê giác một sừng bị tuyệt chủng năm 2010 khi cá thể cuối cùng bị bắn hạ tại Vườn Quốc gia Cát Tiên, loài bò xám từ năm 1995 không có thêm thông tin, hay loài rùa Batagur được xác định đã tuyệt chủng trong tự nhiên.
PanNature cũng xem xét đến hành động gây nuôi động vật hoang dã vì mục đích bảo tồn. Mặc dù vườn thú được xem là nơi có những điều kiện, tiêu chuẩn phù hợp để gây nuôi bảo tồn, song việc xuất hiện ngày càng nhiều mô hình vườn thú tư nhân vì mục đích thương mại đã đẩy tình trạng nguy cấp của các loài động vật hoang dã lên cao.
Những người hoạt động trong mô hình này cho rằng, gây nuôi động vật hoang dã không chỉ đáp ứng một phần nhu cầu trong nước và xuất khẩu mà còn góp phần bảo tồn nguồn gene, là công cụ hữu hiệu giúp xóa đói giảm nghèo, giảm bớt áp lực săn bắt trong tự nhiên. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, gây nuôi không làm giảm sức ép lên động vật hoang dã trong tự nhiên, khi động vật bị săn bắt trái phép từ tự nhiên được hợp pháp hóa trong các trang trại gây nuôi. Trang trại gây nuôi còn có thể là nơi tiềm ẩn nguy cơ vật nuôi sổng chuồng và có thể truyền bệnh cho các cá thể loài trong tự nhiên.
Hợp pháp hóa thương mại các sản phẩm động vật hoang dã đôi khi được quảng bá như một chiến lược bảo tồn. Về lý thuyết, cung cấp cho thị trường các sản phẩm chất lượng rẻ hơn hoặc tốt hơn sẽ làm giảm lợi nhuận của người săn trộm, từ đó giảm áp lực lên loài hoang dã. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới cho kết quả ngược lại. Qua khảo sát các trại gấu ở Việt Nam, nghiên cứu kết luận các trang trại nuôi gấu không mang lại ý nghĩa bảo tồn loài gấu trong tự nhiên. Thậm chí, sự tồn tại của các trang trại này còn tạo ra thách thức đáng kể cho việc thực thi pháp luật.
Mặc dù trong 10 năm qua đã có rất nhiều chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng, buôn bán và trao đổi các sản phẩm từ động vật hoang dã ở Việt Nam, nhưng kết quả khảo sát trên mạng cho thấy các sản phẩm từ ngà voi vẫn được rao bán một cách công khai. Do đó, cách tiếp cận đối với vấn đề cũng thay đổi từ việc tập trung vào nâng cao nhận thức, sinh kế của người dân tại các điểm nóng đa dạng sinh học sang chú trọng đến hành vi người tiêu dùng. Gần đây hơn là những sáng kiến chính sách, đầu tư nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, hướng đến các nhóm thu nhập cao và khu vực doanh nghiệp. Tuy nhiên, kết quả vẫn còn rất hạn chế và nạn buôn bán vẫn không có chiều hướng giảm nhiệt.
Theo một số ý kiến, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, cần có những thay đổi trong văn hóa ứng xử với thiên nhiên của người Việt. Chỉ khi thay đổi lối sống văn minh hơn, nhân bản hơn, trân trọng những giá trị thiên nhiên mang lại, khi đó các loài động vật hoang dã mới có cơ hội tồn tại!
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Tuấn Thịnh
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Minh Đức
-
Nguyễn Hoàng
-
Hải Đăng