Hủy

TP HCM đìu hiu trong dịch nCoV

Thứ Tư | 12/02/2020 08:26

Khách làm thủ tục check-in của hãng Vietnam Airlines khá vắng khách. Ảnh: Hà An.

 
 
Sân bay, bến xe lác đác khách; du lịch sụt giảm, nhiều chương trình lễ hội bị hủy do ảnh hưởng của dịch cúm nCoV.

Chiều 11/2, đường vào khu vực đón taxi trước nhà ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất thỉnh thoảng mới có xe, không còn cảnh người và ôtô ùn ứ như ngày thường. Không gian tĩnh lặng kéo dài vào tận trong nhà ga. Khu vực check-in của hãng Vietnam Airlines chỉ có 2 bàn hoạt động trong tổng số 6 bàn. Cách đó không xa, 3 trong tổng số 7 bàn của hãng Jetstar là phục vụ khách. Các dãy ghế chờ chỉ có vài ba người.

Có chuyến bay ra Hà Nội lúc 18h, chị Hồ Thu Lan (32 tuổi) cho biết, dịch nCoV đang hoành hành nên chỉ quanh quẩn từ chỗ làm về nhà. Hôm nay công ty có việc quan trọng, chị được sếp giao đi gặp đối tác nên bất đắc dĩ lắm mới phải đi. Những lần trước khi bay ra Hà Nội chị đều tranh thủ có mặt trước 2 tiếng vì ở đây luôn quá tải, song lần này sát giờ bay mới đến.

"Mấy ngày này đi đâu cũng vắng vẻ, kể cả siêu thị, chợ, các quán ăn... và cả công ty của tôi, đa số nhân viên chỉ làm nửa ngày rồi về nhà. Các công ty của bạn bè và ông xã tôi cũng vậy. Nhất là trong tuần qua, khi học sinh phải nghỉ học tránh dịch thì các ông bố bà mẹ bỉm sữa cũng xin được làm việc từ xa để có thời gian trông con", chị Lan nói.

Theo ông Nguyễn Đức Tiến (Phó giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất), hàng chục năm qua thời điểm sau Tết luôn là cao điểm đi lại của người dân, có lúc sân bay đón đến 144.300 hành khách. Tuy nhiên, dịch bệnh viêm phổi cấp khởi phát mạnh đã khiến lượng khách sụt giảm rất nhiều so với dự kiến. Chỉ riêng đến và đi Trung Quốc với 18 điểm bay, 40 chuyến bay mỗi ngày, phải ngừng khai thác.

Dịch nCoV khiến đời sống người dân đảo lộn. Ngoài việc huy động mọi nguồn lực, đưa ra những biện pháp ứng phó dịch, ổn định đời sống người dân, chính quyền TP HCM cũng có những động thái mạnh mẽ chưa từng có như cho gần 2 triệu học sinh nghỉ học 2 tuần; phong tỏa những nơi có nguy cơ dịch, lập hai bệnh viện dã chiến, cách ly hơn 1.000 người Trung Quốc hoặc người từ vùng dịch trở về.

Không chỉ hàng không bị ảnh hưởng, các đầu mối giao thông khác như ga Sài Gòn, bến xe Miền Đông, Miền Tây... cũng trong tình trạng đìu hiu. Trưa 11/2, khu vực bán vé của ga Sài Gòn chỉ có 2 người đến giao dịch, dãy ghế nhà chờ lác đác vài ba khách ngồi đợi chuyến đi.

Mất gần 5 tiếng từ Bình Thuận vào TP HCM, chị Nguyễn Thị Minh Hiếu (31 tuổi) nói: "Chưa bao giờ thấy ga Sài Gòn vắng thế này. Đúng là ai cũng ngại ra ngoài, đến nơi đông người trong những ngày dịch bệnh".

Chưa có con số thống kế cụ thể, song ông Lê Quốc Trung (Phó tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn) cho biết, ảnh hưởng của dịch nCoV khiến lượng hành khách đi tàu giảm nhiều. Nguyên nhân là sinh viên được nghỉ học dài ngày sau Tết, ở lại quê nhà tránh dịch; nhiều người không muốn đi du lịch...

Tương tự, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao TP HCM Huỳnh Thanh Nhân cho hay, những ngày qua lượng khách đến tham quan các bảo tàng, di tích giảm 50% so với trước. Để phòng tránh dịch, Sở đã hoãn tất cả chương trình, hoạt động tại các nhà hát, sân khấu công lập cũng như các sự kiện thể thao.

Hàng ghế phòng chờ ga Sài Gòn chỉ lác đác vài khách ngồi chờ. Ảnh: Hà An.

Hàng ghế phòng chờ ga Sài Gòn chỉ có vài khách ngồi chờ. Ảnh: Hà An.

Du lịch là ngành ảnh hưởng rõ nhất trong mùa dịch nCoV. Thống kê trong 9 ngày Tết lượng khách đến thành phố giảm 12%. Đặc biệt, du khách đến các điểm tham quan trong thành phố giảm 30-50% trong những ngày gần đây. Dù không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nhưng toàn bộ tour doanh nghiệp khai thác tới thị trường này phải hủy bỏ. Để ngăn chặn sự sụt giảm, ngoài việc tuân thủ biện pháp mà ngành y tế đưa ra, Sở đã tăng cường đưa thông tin để tránh gây hoang mang cho du khách.

Trong tuần qua, UBND thành phố liên tục tổ chức nhiều cuộc họp triển khai các giải pháp phòng chống, kiểm soát dịch bệnh do nCoV. Mỗi cơ quan, đơn vị đều được yêu cầu xây dựng kế hoạch đối phó với mục tiêu không để xảy ra trường hợp tử vong vì nCoV.

"Bằng mọi giá thành phố phải ngăn chặn được dịch bệnh dù phải chấp nhận thiệt hại kinh tế. Điều quan trọng nhất trong công tác phòng chống dịch, sức khỏe người dân phải được đặt lên hàng đầu", Chủ tịch TP HCM Nguyễn Thành Phong nói trong cuộc họp khẩn với lãnh đạo các sở ngành, địa phương.

Trong khi đó, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu toàn thành phố ngăn chặn dịch bệnh bằng mọi biện pháp, không để xảy ra tình trạng mất kiểm soát khiến cuộc sống người dân đảo lộn.

Nguồn Theo Hữu Nguyên - Hà An/VnExpress


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới