Hủy
Startup

Startup trên sàn đấu triệu USD

Kim Thùy Thứ Tư | 20/11/2019 10:00

Ảnh: TL

Startup Việt Nam đang chứng tỏ khả năng gọi được các dòng vốn lớn.
 

Lượng vốn đổ vào các startup Việt đã tăng 3 lần trong giai đoạn 2016-2018, từ 205 triệu USD lên gần 900 triệu USD. Theo Topica Founder Institute (TFI), 2019 là năm các giải thưởng lớn liên tục tiếp cận startup Việt khiến nhịp độ của các sân chơi triệu USD ngày một nóng. Tình thế đảo ngược khi không chỉ startup đi tìm nhà đầu tư, mà quỹ đầu tư và các giải thưởng triệu USD lại đang đỏ mắt tìm startup phù hợp.

Gần đây nhất vào ngày 31.10.2019, Chương trình Hult Prize khu vực Đông Nam Á 2019-2020 với chủ đề “Xây dựng một mô hình khởi nghiệp tác động tích cực đến hành tinh của chúng ta trên từng đồng doanh thu” đã chính thức khởi động. Đây là giải thưởng được mệnh danh là “Giải Nobel khởi nghiệp xã hội” dành cho sinh viên toàn thế giới do Đại học Hult phối hợp với các đối tác toàn cầu và cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton tổ chức. Giải thưởng 1 triệu USD sẽ được trao cho các sinh viên có ý tưởng xuất sắc nhất về khởi nghiệp giải quyết các vấn đề xã hội.

Trước đó, vượt qua đại diện của hơn 40 quốc gia trên thế giới, Abivin - startup cung cấp phần mềm quản lý chuỗi cung ứng tối ưu vận tải của Việt Nam đã trở thành quán quân Startup World Cup 2019 với giải thưởng 1 triệu USD từ quỹ đầu tư. Hay cộng đồng khởi nghiệp Việt tại Thung lũng Silicon (Mỹ) đón tin vui với việc ứng dụng dạy nói tiếng Anh ELSA của Văn Đinh Hồng Vũ đã gọi vốn thành công 7 triệu USD.

Qua các giải thưởng và các khoản gọi vốn lớn, startup Việt Nam đang  chứng tỏ tiềm năng của mình. Được thúc đẩy bởi lực lượng dân số trẻ và am hiểu công nghệ, khi Đông Nam Á đang trở thành thị trường internet phát triển nhanh nhất thế giới thì cùng với đà phát triển chung của khu vực, Việt Nam cũng sở hữu những con số tăng trưởng rất ấn tượng. Báo cáo từ Temasek Holdings của Google và Singapore cũng đánh giá cao tiềm năng của nền kinh tế internet ở quốc gia có gần 100 triệu dân như Việt Nam.

Theo đó, các dự án về du lịch, truyền thông, đặt xe và thương mại trực tuyến đạt trị giá 9 tỉ USD vào năm 2018, dự kiến sẽ đạt 33 tỉ USD năm 2025. Trước sức hút này, lần đầu tiên, hơn 100 quỹ đầu tư quốc tế đã có mặt tại Vietnam Ventures Summit 2019 - Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam. Sự kiện quy tụ những tên tuổi lớn như SoftBank Vision Fund; Sequoia, SK, Temasek, Insignia, Golden Gate Ventures, Hanwha, đều là các quỹ hàng đầu đến từ Thung lũng Silicon, Nhật, Singapore, Hàn Quốc...

Tổng cộng, 18 quỹ đầu tư cam kết rót 10.000 tỉ đồng cho cộng đồng startup Việt trong 3 năm tới. Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam chia sẻ thông tin về quỹ mới nhất của EU trị giá 3 tỉ euro dành cho các startup Việt Nam.

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Saigon Innovation Hub, nhấn mạnh xu thế toàn cầu hiện nay rất thuận lợi cho việc đầu tư khởi nghiệp. “Các bạn trẻ khởi nghiệp hãy dám đương đầu, phải nghĩ xa hơn. Khởi nghiệp đã quan trọng, nhưng đổi mới, sáng tạo mới quan trọng hơn”, ông Tước đưa ra lời khuyên.

“Việc chúng ta có tầm nhìn quốc tế ngay từ đầu sẽ giúp ích cho startup với sản phẩm sáng tạo có được năng lực cạnh tranh quốc tế cao”, anh Phạm Nam Long, sáng lập viên của Abivin, cho biết. Abivin là đại diện của Việt Nam giành vị trí quán quân cuộc thi về khởi nghiệp Startup World Cup 2019 do Fenox Venture tổ chức tại San Francisco (Mỹ) với giải thưởng 1 triệu USD chia sẻ. “Chúng tôi muốn giảm chi phí hậu cần vốn đang ảnh hưởng đến rất nhiều quốc gia ở Đông Nam Á. Con số đó dao động từ 15-20% GDP, mục tiêu của chúng tôi là tạo ra tác động lớn đến điều đó”, anh Phạm Nam Long nói với Nikkei. “Một trong những ước mơ cho mọi startup là trở thành một startup kỳ lân ở Đông Nam Á”, nhà đồng sáng lập Abivin - Cassie Nguyễn nói và cho biết thêm mục tiêu tham vọng này chính là động lực cho công ty của họ.

 Đứng trước dòng vốn lớn, các startup cần phải nhanh chóng nắm lấy cơ hội. Tuy nhiên, giải thưởng lớn, vốn đầu tư lớn, cùng cách tuyển chọn và tiêu chí đánh giá rất khắt khe vẫn luôn đặt ra rất nhiều thách thức tưởng chừng không mới nhưng vẫn chưa khắc phục được của startup Việt Nam.

Đó là các yêu cầu về kỹ năng ngoại ngữ, tư duy đột phá, kiên trì, uy tín và khả năng quản trị dòng tiền. Nhiều startup Việt đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm quản lý cấp trung, lẫn việc quản lý các hoạt động hành chính - nhân sự. Bên cạnh đó là lĩnh vực chọn khởi nghiệp chưa có một tiềm năng thị trường đủ lớn để thuyết phục được các nhà đầu tư.

“Với nhiều hình thức hỗ trợ cả về đào tạo, tài chính nhưng các bạn trẻ Việt Nam lại thiếu kiên nhẫn để tiếp tục vào các vòng trong”, Shark Việt, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổ hợp Y tế Phương Đông, nhận định. Trong khi đó, theo ông Don Lam, CEO VinaCapital, startup Việt còn tồn tại nhiều điểm yếu cần khắc phục. Ví dụ như khả năng tìm kiếm và kêu gọi vốn đầu tư vẫn còn nhiều hạn chế; thiếu môi trường thực hành thực tiễn trước khi đưa ra thị trường.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới