Giảm phát thải carbon trong bất động sản công nghiệp: Cần đảm bảo tính khả thi
Dự án BW Phú Nghĩa tại Hà Nội đạt chứng chỉ LEED.
Khi tác động của biến đổi khí hậu và cuộc đua hướng tới trung hòa carbon, các doanh nghiệp chú trọng hơn trong việc giảm lượng khí thải carbon. Vào tháng 7/2022, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu của Việt Nam đến năm 2050 đã được phê duyệt với mục tiêu giảm 43,5% lượng phát so với kịch bản phát triển thông thường vào năm 2030, đạt đỉnh phát thải vào năm 2035 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Theo báo cáo của Cushman & Wakefield, khoảng 40% lượng khí thải đến từ sự gia tăng nhanh chóng về tài sản công nghiệp như đất đai, nhà máy và kho bãi phục vụ cho sự bùng nổ của hoạt động thương mại điện tử, logistics và bán lẻ. Các chủ đầu tư bất động sản công nghiệp ở Việt Nam đang chú ý hơn đến quá trình quy hoạch nhằm giảm phát thải. Trong đó, dự án phát triển năng lượng mặt trời của nhà phát triển hạ tầng công nghiệp DEEP C đã được khởi động vào năm ngoái với việc lắp đặt các tấm pin mặt trời trên mái nhà xưởng rộng 20.000 m2 tại DEEP C Hải Phòng I.
Công ty Cổ phần Phát triển Công nghiệp BW, nền tảng bất động sản logistics & công nghiệp cho thuê hàng đầu Việt Nam, tích cực thúc đẩy sáng kiến phát triển cơ sở hạ tầng bền vững và sử dụng năng lượng xanh. Hệ thống điện mặt trời áp mái đang được lắp đặt cho tất cả các dự án đang triển khai tại BW, thúc đẩy quá trình giảm phát thải carbon.
Ngoài ra, BW đạt được nhiều Chứng chỉ LEED cho các dự án đã đi vào vận hành và dự án đang xây dựng như Xuyên Á, Vĩnh Lộc và VSIP Bắc Ninh cũng đang chờ được chứng nhận Chứng chỉ LEED. Nhà phát triển bất động sản này lắp đặt hệ thống đèn đường LED năng lượng mặt trời chịu được thời tiết khắc nghiệt, chịu nước và có tuổi thọ cao hơn hệ thống đèn thông thường.
Ông Lance Li, CEO của BW, cho biết: “Việc đảm bảo sản phẩm bất động sản công nghiệp có tích hợp ESG như điện mặt trời áp mái, đèn LED hay xe điện đang được chú trọng hơn bao giờ hết. Chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ sớm tích hợp các yêu cầu về ESG vào khung pháp lý. Khi làm việc với nhiều đối tác đa quốc gia, chúng tôi cũng nhận ra rằng họ ưu tiên lựa chọn các sản phẩm bất động sản có thể đáp ứng tiêu chuẩn ESG theo yêu cầu từ công ty mẹ. Đối với nhà phát triển dẫn đầu như BW, thì việc áp dụng ESG vào quy chuẩn sản phẩm là việc bắt buộc phải làm, trong khi vẫn phải đảm bảo tính khả thi cũng như mục tiêu kinh doanh của các bên.”
Trên thực tế, từ ngày 1/10/2023, công cụ mang tính bước ngoặt của EU nhằm chống rò rỉ carbon mang tên “Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon” (CBAM) đã được đưa vào áp dụng.
Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất như xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón, điện sẽ phải chứng minh rằng hoạt động sản xuất của mình hướng đến việc giảm lượng khí thải carbon khi đưa sản phẩm của mình vào thị trường EU. Sự kiện này giúp cho các nhà phát triển bất động sản theo tiêu chuẩn ESG tại Việt Nam như BW trở thành lựa chọn ngày càng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tìm đến thị trường này.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Thái Huệ