Hủy
Sự kiện - Doanh nghiệp

Thúc đẩy ngành sản xuất bao bì giấy phát triển theo hướng bền vững

Thiên Lộc Thứ Năm | 13/08/2020 14:00

 
 
Ngành sản xuất bao bì giấy đang đứng trước yêu cầu phải giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường, tiết kiệm năng lượng, nhằm hướng tới phát triển bền vững.

Ngành giấy và bao bì đã tạo được sự bứt phá mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 15% trong 4 năm gần đây. Với nhu cầu bao bì giấy đóng gói trong nước và tiềm năng xuất khẩu ngày càng lớn, đưa ngành sản xuất bao bì giấy trở thành “sân chơi” hấp dẫn, thu hút các tên tuổi FDI lớn trên thế giới và các doanh nghiệp trong nước.

Tuy vậy, ngành sản xuất bao bì giấy đang đứng trước yêu cầu phải giảm thiểu những tác động tiêu cực lên môi trường, tiết kiệm năng lượng, nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Tiềm năng và thách thức phát triển xanh

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA), tiêu dùng bao bì giấy trong nước ước tính đạt sản 4,2 triệu tấn, xuất khẩu đạt 0,8 triệu tấn trong năm 2019. Trong 3 năm gần đây, xuất khẩu giấy của Việt Nam luôn đạt mức tăng trưởng ấn tượng trên 200%/năm. Bên cạnh đó, các Hiệp định thương mại tự do, như Việt Nam - EU (EVFTA), Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được cho rằng, sẽ mang lại cơ hội xuất khẩu lớn cho ngành giấy và bao bì của Việt Nam.

Tiềm năng là rất lớn, nhưng ngành giấy trong nước đang phải đối mặt với thách thức về cải tiến công nghệ sản xuất hiện đại, tiết kiệm năng lượng, nguồn nước, giảm sử dụng hóa chất, đáp ứng các quy định về môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Hiện nay, ngành sản xuất giấy và giấy bao bì Việt Nam có khoảng gần 300 doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng phần lớn là các doanh nghiệp có công suất sản xuất thấp, công nghệ hạn chế và chưa gắn liền đầu tư sản xuất với giảm tác động xấu lên môi trường.Song song với tiềm năng xuất khẩu lớn, nhu cầu bao bì giấy thực phẩm trong nước cũng gia tăng mạnh do sự dịch chuyển sang xu hướng tiêu dùng xanh, thay thế từ vỏ hộp nhựa dùng một lần gây ô nhiễm sang vỏ hộp giấy thân thiện với môi trường. Theo dự đoán của VPPA, trong 5-10 năm tới, nhu cầu tiêu dùng bao bì giấy dự báo tăng trưởng 14-18%/ năm.

Nhà máy Tetra Pak Bình Dương là một trong số ít những nhà máy tại Việt Nam được Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ trao chứng chỉ LEED Vàng.
Nhà máy Tetra Pak Bình Dương là một trong số ít những nhà máy tại Việt Nam được Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ trao chứng chỉ LEED Vàng.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng Việt Nam cho biết, phát triển đô thị xanh và công trình xanh là một nội dung trong Chương trình quốc gia về tăng trưởng xanh. Đầu tư vào công trình xanh sẽ góp phần bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, thân thiện với môi trường, chi phí sử dụng thấp, đảm bảo sức khỏe người sử dụng, tuổi thọ công trình cao (giảm khoảng 30-35% lượng khí thải carbon, tiết kiệm từ 30-50% lượng nước sử dụng).

 

Theo Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC), tính đến tháng 4.2020, Việt Nam chỉ có số lượng khiêm tốn 76 công trình xanh đạt chứng nhận LEED, trong đó 60% trong lĩnh vực công nghiệp.

Trong ngành sản xuất giấy, cho đến cuối năm 2019, mới chỉ có Công ty Giấy CP (CP Paper) là doanh nghiệp đầu tiên đạt chứng nhận LEED cho văn phòng và nhà xưởng. Bước sang năm nay, nhà máy sản xuất hộp giấy vô trùng đầu tiên của Việt Nam - Tetra Pak Bình Dương đã được trao Chứng chỉ LEED Vàng - Phiên bản 4, là phiên bản mới nhất với những tiêu chuẩn khắt khe nhất của Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ quản lý.

Nỗ lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành

Chia sẻ công trình xanh thứ 2 của ngành giấy Việt Nam và cũng là công trình duy nhất đạt chứng nhận LEED cấp độ cao là Vàng, một chuyên gia đầu ngành cho rằng, đây được xem là một bước tiến mới của lĩnh vực sản xuất giấy Việt Nam trong hành trình hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp sản xuất giấy, trong đó ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, dự án xanh, hàm lượng giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Nhà máy tại Bình Dương có tổng vốn đầu tư 120 triệu euro, được xây dựng trên diện tích 100.000 m2, chuyên sản xuất hộp giấy aseptic cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu sang các thị trường ASEAN và châu Đại Dương.Có mặt tại Việt Nam từ năm 1994 nhưng đến năm 2016, nhà cung cấp giải pháp đóng gói và chế biến thực phẩm hàng đầu thế giới Tetra Pak đến từ Thụy Điển mới quyết định đặt nhà máy sản xuất bao bì giấy tại Việt Nam.

Là một trong những nhà máy có công suất lớn nhất của ngành giấy Việt Nam, Tetra Pak Bình Dương sản xuất khoảng 12 tỉ hộp giấy/năm và khả năng mở rộng đến 20 tỉ hộp giấy/năm.

 

Được xây dựng theo tiêu chuẩn LEED Vàng cho cả 4 công trình, gồm tòa nhà sản xuất, văn phòng, tòa nhà hỗ trợ và nhà kho, đã giúp nhà máy tiết kiệm 17.6 triệu lít nước và năng lượng điện tới 8,565 MWh/năm, tái sử dụng và tái chế 65% chất thải. Đặc biệt, nhà máy này có thể giảm phát thải 4.000 tấn CO2 ra môi trường mỗi năm.

70% sản phẩm trong nhà máy đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt về phát thải hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, và đạt được tiêu chuẩn chất lượng không khí nghiêm ngặt đối với 37 hợp chất. Riêng nồng độ formaldehyd thấp hơn tới 66% so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới, đảm bảo môi trường làm việc xanh sạch cho người lao động.

Bên trong nhà máy Tetra Pak Bình Dương với công nghệ sản xuất hiện đại, tiết kiệm năng lượng, nguồn nước, giảm sử dụng hóa chất, đáp ứng các quy định về môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Bên trong nhà máy Tetra Pak Bình Dương với công nghệ sản xuất hiện đại, tiết kiệm năng lượng, nguồn nước, giảm sử dụng hóa chất, đáp ứng các quy định về môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Được xem như cha đẻ của ngành sản xuất hộp giấy carton đựng sữa, nước uống và thực phẩm trên thế giới, Tetra Pak lấy mục tiêu phát triển bền vững làm nền tảng cho mọi chiến lược kinh doanh. Trong hành trình hơn 2 thập kỷ tại Việt Nam, doanh nghiệp đến từ Thụy Điển nằm trong Top 10 doanh nghiệp bền vững ngành sản xuất trong năm 2019, đã có nhiều sáng kiến quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành bao bì giấy trong nước.

 


Đứng trước yêu cầu thúc đẩy ngành giấy Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, chuyên gia trong ngành kỳ vọng rằng, những doanh nghiệp đi đầu như Tetra Pak sẽ góp phần lan tỏa văn hóa phát triển bền vững tới cộng đồng doanh nghiệp, để trong những năm tới, số lượng công trình xanh trong ngành giấy sẽ tiếp tục gia tăng. Một trong những sáng kiến nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng, đó là Công ty đã liên kết với các doanh nghiệp thực phẩm, đồ uống và đóng gói hàng đầu khác để thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO), nhằm thúc đẩy quá trình thu gom và tái chế bao bì. Doanh nghiệp này cũng đặt ra mục tiêu, vào năm 2030, sẽ thu gom để tái chế tất cả các nguyên liệu đóng gói mà Tetra Pak đưa vào Việt Nam.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới