Vì sao cổ phiếu MSN của Masan được tổ chức tài chính định giá 102.800 đồng?
Cửa hàng WIN hiện đại với đa dạng chủng loại hàng hóa được trưng bày dựa trên cơ sở dữ liệu lớn (1)
Kết phiên giao dịch ngày 10/6, VN-Index duy trì đà tăng trong gần hết phiên giao dịch trước khi gặp áp lực chốt lời về cuối phiên. Chỉ số đóng cửa phiên 10/6 với mức tăng 3,09 điểm tại 1.290,67 điểm. Dòng tiền duy trì với thanh khoản trên HOSE đạt trên 21.600 tỉ đồng. Đáng chú ý, cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan là tâm điểm mua ròng của khối ngoại trong 8 phiên gần đây với tổng giá trị hơn 320 tỉ đồng.
Vào ngày 30/5 vừa qua, Tập đoàn Masan công bố thông tin về việc ký kết Hợp đồng mua bán giữa Mitsubishi Materials Corporation Group và Masan High - Tech Materials (Công ty con của Tập đoàn Masan).
“Chốt lãi” khoản đầu tư, dồn lực cho mảng tiêu dùng bán lẻ
Theo nội dung công bố, Tập đoàn Masan dự kiến ghi nhận khoản lợi nhuận một lần khoảng 40 triệu USD (khoảng 1.108 tỉ đồng theo tỉ giá ngày 30/5) từ giao dịch bán HCS và hưởng lợi từ việc tăng lợi nhuận thuần sau thuế thêm 20-30 triệu USD (khoảng 509-764 tỉ đồng) trong dài hạn.
Ông Danny Le, Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan kiêm Chủ tịch MHT, chia sẻ: “Tập trung vào cốt lõi và tối đa hóa giá trị, chúng tôi sẽ tái cấu trúc MHT thành nhà sản xuất vonfram có chi phí tối ưu nhất giúp tối đa hóa dòng tiền. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm các giải pháp chiến lược để Tập đoàn Masan tập trung vào phát triển các mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ cốt lõi”.
Giao dịch dưới giá trị
Cùng chung một lĩnh vực tiêu dùng bán lẻ, trong khi những mã chứng khoán như MWG, FRT đã bứt phá mạnh từ đầu năm, thì cổ phiếu MSN tăng trưởng không đáng kể.
Tuy nhiên, với những thông tin tích cực gần đây kết hợp với vùng giá hiện tại, cổ phiếu MSN được đánh giá chưa thể hiện hết giá trị nội tại của doanh nghiệp.
Cụ thể, tại ngày 7/6, vốn hóa Masan đạt 116.821 tỉ đồng và tổng giá trị vốn hóa phần sở hữu tại Masan Consumer và Techcombank là 118.508 tỉ đồng (đã trừ nợ ròng trên BCTC riêng). Những con số này phản ánh rằng giá trị vốn hóa của chỉ riêng công ty thành viên, công ty liên kết của Masan là Masan Consumer và Techcombank đã bằng thậm chí vượt giá trị vốn hóa của Masan. Điều này cũng hàm ý rằng, cổ đông sở hữu cổ phiếu MSN với vùng giá hiện tại được “tặng miễn phí” các tài sản giá trị khác của Masan như Masan MEATLife, Masan High-Tech Materials, WinCommerce, Phúc Long Heritage...
Thông tin vốn hóa Masan và các công ty thành viên, liên kết. |
Nắm giữ “viên kim cương gia bảo” Masan Consumer
Tại Đại hội đồng cổ đông Tập đoàn Masan diễn ra sáng ngày 25/4, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, ông Nguyễn Đăng Quang chia sẻ: “Masan Consumer là "viên kim cương gia bảo", là niềm tự hào trong sứ mệnh phụng sự người tiêu dùng”. Chỉ chưa đầy nửa đầu năm 2024, cổ phiếu MCH của Masan Consumer đã tăng điểm ấn tượng từ mức 89.200 đồng/cổ phiếu lên mức 222.80 đồng/cổ phiếu (giá đóng cửa ngày 10/6). Mức tăng phi mã này đã giúp Masan Consumer (MCH) vào top công ty có vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán.
Tuy niêm yết trên sàn UPCoM, nhưng mức vốn hóa này đã giúp MCH bước chân vào top những doanh nghiệp trên sàn chứng khoán có vốn hóa lớn nhất. Mức vốn hóa hiện tại của MCH cao hơn không ít “big cap” trên sàn HOSE như Vinamilk (VNM), Sabeco (SAB), Ngân hàng Quân Đội (MBB) Thế Giới Di Động (MWG), Vincom Retail (VRE).
Nguyên nhân dẫn đến việc tăng giá của MCH có thể đến từ những thông tin tích cực gần đây, bao gồm kết quả kinh doanh và chiến lược tăng trưởng mà lãnh đạo doanh nghiệp này vừa công bố tại Đại hội đồng cổ đông 2024.
Thực tế cho thấy, với tỉ trọng sở hữu chủ chốt tại MCH, giá cổ phiếu MSN đang phản ánh thực tế rằng giá trị nội tại của doanh nghiệp chưa phản ánh đầy đủ. MCH cũng chưa dừng lại tại đây, doanh nghiệp này sở hữu nhiều tiềm năng để tiếp tục bứt phá, từ đó mở rộng tiềm năng tăng giá của cổ phiếu. Theo đó, MCH hiện sở hữu 5 “big brands” hàng tiêu dùng có mức doanh số khoảng 150-250 triệu USD với “độ phủ” lớn. Đó là những thương hiệu đã trở nên quen thuộc với hàng triệu người dân Việt Nam như CHIN-SU, Nam Ngư, Omachi, Kokomi và Wake-Up 247, chiếm 80% doanh thu của MCH tại thị trường trong nước trong 7 năm qua. Với tốc độ tăng trưởng gấp 2,2 lần tốc độ thị trường chung từ năm 2017 đến 2023, hơn 98% hộ gia đình Việt Nam đang sở hữu ít nhất một sản phẩm của MCH.
Nhiều tổ chức tài chính khuyến nghị MUA
Trong cập nhật mới nhất, Tập đoàn tài chính quốc tế HSBC cũng đã nâng mức giá mục tiêu của cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan lên mức 98.000 đồng/cổ phiếu. Kết thúc ngày 10/6, thị giá cổ phiếu MSN đạt 77.100 đồng/cổ phiếu. Như vậy với mức định giá của HSBC, cổ phiếu MSN có triển vọng tăng giá lên đến gần 27,1%.
Bên cạnh đó, trong báo cáo gần đây, Vietcap duy trì quan điểm lạc quan về triển vọng của mảng tiêu dùng hàng đầu với phạm vi hoạt động rộng khắp của Tập đoàn Masan. Theo đó, doanh nghiệp này sẽ hưởng lợi từ tăng trưởng tiêu dùng tại Việt Nam trong dài hạn. Vietcap tăng định giá và khuyến nghị MUA cổ phiếu MSN với giá mục tiêu là 102.800 đồng/cổ phiếu.
“Chúng tôi tin rằng mảng kinh doanh tiêu dùng đa dạng của Tập đoàn Masan có vị thế tốt cho tăng trưởng tiêu dùng của Việt Nam. Chúng tôi dự báo tỉ lệ tăng trưởng kép hàng năm của lợi nhuận hoạt động (CAGR EBIT) là 18% trong giai đoạn 2023-28F cho mảng bán lẻ tiêu dùng của Masan”, báo cáo nêu rõ. Bên cạnh đó, các nhà phân tích của Vietcap cũng chỉ ra nguyên nhân khiến họ nâng định giá cổ phiếu MSN rằng:” Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi là do chúng tôi tăng định giá cho Masan Consumer Holdings thêm 17%, chủ yếu nhờ mức tăng 9% trong tổng dự báo EBIT từ năm 2024F-28F của công ty con Masan Consumer (UpCOM: MCH). Ngoài ra, chúng tôi sẽ triển khai tầm nhìn giá mục tiêu của mình cho đến giữa năm 2025”.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư