Hủy
Tài Chính

3 kịch bản thuế quan có thể xảy ra với Việt Nam

Thứ Hai | 28/04/2025 17:40

Các lĩnh vực chủ lực về nông nghiệp và dịch vụ giá rẻ được xem là hưởng lợi cho Việt Nam. Ảnh: TL.

 
 
Kịch bản tích cực, Việt Nam có thể hưởng lợi từ dòng vốn FDI, nhất là từ các công ty Trung Quốc tìm nơi đặt nhà máy "né thuế".

Việt Nam trong thương chiến Mỹ - Trung 

Trong tuần qua, IMF đã công bố về báo cáo dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, theo đó nền kinh tế Trung Quốc được đánh giá chịu ảnh hưởng hơn so với Mỹ. Trung Quốc sẽ “tốn đạn” nhiều hơn để chống chọi trước các cuộc tấn công thương mại của Mỹ. Trong khi đó, Mỹ vẫn chưa dùng các biện pháp kích thích kinh tế nào đáng kể, đặc biệt FED vẫn đang neo mức lãi suất cao. Nhìn chung, có thể thấy Mỹ có thể đối mặt lạm phát nhưng dễ xử lý hơn so với việc Trung Quốc sẽ khó khăn trong việc xử lý giảm phát.

Một điểm đáng chú ý là IMF cũng cho rằng là sẽ không có suy thoái ở cả Mỹ và Trung Quốc. Như vậy, rất có khả năng sẽ không có nền kinh tế nào chịu tổn thất trong cuộc chiến này. Ngược lại, cuộc chiến này có thể tác động đến 1 số nền kinh tế mới nổi phụ thuộc vào xuất khẩu. 

 

“IMF không đề cập cụ thể, nhưng chúng ta thừa hiểu đó có thể là ASEAN và Việt Nam. Do đó, ASEAN và Việt Nam đã phải nhanh chóng thương lượng với Mỹ. Trong khi đó, có lẽ Trung Quốc đã bắt đầu chuyển đổi cấu trúc nền kinh tế từ sản xuất xuất khẩu sang nền kinh tế tiêu dùng nội địa”, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá. 

Chi tiết hơn, chuyên gia của Yuanta Việt Nam cho rằng người Trung Quốc sẽ tăng chi tiêu tiêu dùng nhiều hơn thay vì tập trung vào sản xuất như chu kỳ trước đó. Như vậy, Việt Nam có thể được xem là hưởng lợi nếu tận dụng xu hướng này, nhưng khối ASEAN đều muốn nhảy vào miếng bánh khổng lồ này cho nên mức độ cạnh tranh nội khối cũng gia tăng.

Các lĩnh vực chủ lực về nông nghiệp và dịch vụ giá rẻ được xem là hưởng lợi cho Việt Nam. Thứ hai là lĩnh vực du lịch khi người Trung Quốc được kích chi tiêu nhiều hơn và giàu có hơn. Thứ ba là nguồn nhân lực công nghệ chất lượng khi Trung Quốc đang dần đối mặt với tình trạng dân số già và khi Mỹ siết chặt tình trạng nhập cư.

 

Kịch bản thuế quan của Việt Nam có thể xảy ra

Ông Nguyễn Thế Minh của Chứng khoán Yuanta đã đưa ra 3 kịch bản thuế quan có thể xảy ra đối với Việt Nam. 

Đầu tiên, trong kịch bản tích cực, Việt Nam có thể hưởng lợi từ làn sóng chuyển dịch. Mỹ tập trung áp thuế vào Trung Quốc, các quốc gia khác được trì hoãn hoặc miễn trừ khi đạt được thỏa thuận. Việt Nam không bị áp thuế đối ứng hoặc hạn chế thương mại, nhờ uy tín FTA, vị thế trung lập.

Ngoài ra, cơ hội tăng xuất khẩu các mặt hàng mà Mỹ từng nhập nhiều từ Trung Quốc như dệt may, đồ gỗ, điện tử tiêu dùng, máy tính, nhựa, cao su, sản phẩm kim loại gia công. Cùng với đó, Việt Nam cũng có thể hưởng lợi từ dòng vốn FDI, nhất là từ các công ty Trung Quốc tìm nơi đặt nhà máy "né thuế".

Ở kịch bản trung lập, ông Minh cho rằng Việt Nam vẫn được hưởng lợi nhưng có rủi ro giám sát. Cụ thể, Mỹ hoãn thuế với nhiều quốc gia, nhưng tiếp tục giám sát các nước có nguy cơ "lách xuất xứ Trung Quốc". Trong đó, Việt Nam bị giám sát về quy tắc xuất xứ, yêu cầu nâng tỉ lệ nội địa hóa.

Một số mặt hàng có thể bị điều tra nếu tăng trưởng xuất khẩu đột biến. FDI tăng nhưng chất lượng sẽ bị kiểm soát, tránh bị gắn mác "gia công hộ Trung Quốc".

Kịch bản bất lợi, Việt Nam có thể bị cuốn vào thuế đối ứng. Mỹ mở rộng áp dụng thuế đối ứng (Reciprocal Tariffs) lên các nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Theo đó, Việt Nam có nguy cơ bị đưa vào danh sách nếu không chứng minh được độc lập sản xuất.

Một số ngành như dệt may, điện tử, gỗ có thể chịu thuế cao (do mức phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc trong các ngành này). Ở kịch bản này, chuyên gia của Yuanta Việt Nam cho rằng xuất khẩu chững lại, FDI có thể rút khỏi Việt Nam nếu không thấy lợi thế thuế.

“Theo logic, chúng tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ đạt được kịch bản thuận lợi do lúc này Trung Quốc vẫn chưa tỏ ra nhượng bộ Mỹ trước các đàm phán và Mỹ sẽ phải tìm nguồn cung ứng thay thế từ các quốc gia khác. Tuy nhiên, “vỏ bên ngoài” thì kịch bản trung lập vẫn có khả năng xảy ra vì Mỹ lo ngại Trung Quốc tìm cách né thuế”, ông Minh nhận định. 

Có thể bạn quan tâm 

Thuế quan trở lại dưới “Trump 2.0”: Biến số toàn cầu, cơ hội nào cho Việt Nam?

Nguồn Theo Yuanta Việt Nam


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới