Chờ cú hích thanh khoản

Ảnh: Quý Hòa.
Trái ngược với sự sôi động ở giai đoạn trước, thị trường chứng khoán đang chứng kiến thanh khoản giảm sâu trên cả 3 sàn.
Hơn 30% thanh khoản mất hút
Thị trường chứng khoán Việt Nam trụ vững trong 3 tháng đầu năm 2022 trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu đi xuống. Nhưng sau đó, sự sụt giảm mạnh trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua đã khiến Việt Nam nằm trong số các thị trường chứng khoán diễn biến kém nhất.
Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5/2022, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.292 điểm, giảm hơn 5,4% so với đầu tháng 5 và giảm hơn 15,3% từ vùng đỉnh tháng 4.
Thanh khoản cũng sụt giảm mạnh. Theo số liệu từ Công ty Chứng khoán VNDirect, giá trị giao dịch trung bình trên 3 sàn giảm 33,2% trong tháng 5, xuống còn hơn 17.587 tỉ đồng toàn thị trường. Trong đó, sàn HOSE ghi nhận mức giảm hơn 32% trong tháng 5, chỉ còn 15.167 tỉ đồng. Đây là mức thanh khoản thấp nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam kể từ tháng 3/2021. Trước đó, giai đoạn từ tháng 5/2021-4/2022, giá trị giao dịch bình quân mỗi tháng ở sàn HOSE đều đạt trên 20.000 tỉ đồng, với nhiều phiên giao dịch lên tới hàng tỉ USD.
![]() |
Theo đánh giá của VNDirect, VN-Index duy trì đà giảm trong tháng 5 do tâm lý tiêu cực bao trùm thị trường khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt hơn nhằm kiểm soát lạm phát. Cùng với đó là những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại do lạm phát cao, gián đoạn chuỗi cung ứng và thắt chặt các điều kiện trên thị trường tài chính toàn cầu, cũng như diễn biến bất lợi của thị trường chứng khoán thế giới.
Trong bối cảnh này, tâm lý nhà đầu tư cũng bị tác động, dẫn đến thanh khoản trên thị trường sụt giảm mạnh. Một yếu tố khác ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư là bức tranh tăng trưởng ảm đạm của nền kinh tế Trung Quốc do duy trì chính sách Zero Covid.
Chờ nâng hạng
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P mới đây nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ với triển vọng ổn định. Trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp và tác động sâu sắc từ đại dịch dẫn đến 30 lượt hạ bậc tín nhiệm trên thế giới, Việt Nam là 1 trong 2 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương được nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã chỉ đạo khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Việc nâng hạng được giới tài chính kỳ vọng sẽ thúc đẩy dòng tiền mạnh mẽ hơn, bền vững hơn vào thị trường chứng khoán. Chia sẻ tại Talkshow Phố Tài Chính, ông Trần Hải Hà, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán MB (MBS), cho rằng: “Việc nâng hạng hay không phụ thuộc vào ý chí của chúng ta”. Đứng ở quan điểm của người làm nghề chứng khoán, ông Hà cho rằng thị trường sẽ có thể được nâng hạng sau hơn 2 năm nữa và khi đó, quy mô sẽ tăng ít nhất gấp đôi so với mức thanh khoản hiện tại. Ông Hà tin rằng khi nâng hạng, thị trường Việt Nam có thể đứng trong top đầu, ít nhất là trong 3 nước đứng đầu của khối ASEAN.
![]() |
“Tôi nghĩ rằng câu chuyện nâng hạng thị trường là tất yếu và sẽ xảy ra ở thì tương lai. Trong ngắn hạn, chúng ta thấy sức khỏe của nền kinh tế đã tốt hơn so với giai đoạn 10 năm và 5 năm trước đây. Triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2022 này cũng đã cao hơn ít nhất khoảng 18% so với năm 2021. Về mặt thị trường trong ngắn hạn, kể cả thời gian nâng hạng kéo dài thì tôi cho rằng nó vẫn tốt và rất nhiều cơ hội đầu tư”, ông Hà nói.
![]() |
Triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2022 này cũng đã cao hơn ít nhất khoảng 18% so với năm 2021. |
Cũng tại Talkshow Phố Tài Chính, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc FiinGroup, đánh giá việc nâng chuẩn không chỉ để phục vụ nhà đầu tư nước ngoài mà chủ yếu phục vụ cho chính thị trường nội địa, cụ thể là 5,2 triệu tài khoản của nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam.
“Nếu nhìn vào Qatar và Pakistan, mặt bằng định giá sau khi nâng hạng thường đến gấp rưỡi hoặc gấp đôi, kể cả về mặt chỉ số, thanh khoản lẫn định giá, tức là tính theo P/E. Thế nhưng, nó còn tùy thuộc vào câu chuyện của Việt Nam”, ông Thuân nói thêm.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư

Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Văn Kim