Hủy
Tài Chính

Chứng khoán chờ lực đẩy "nâng hạng"

Hằng Nguyễn Thứ Hai | 08/07/2024 14:43

Việc nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Ảnh: shutterstock.com

 
 
Có thể thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ một lần nữa lỗi hẹn với FTSE vào kỳ đánh giá tháng 9 năm nay.

“Động lực lớn nhất cho thị trường là việc thăng hạng của FTSE. Điều này tạo tiền đề cho việc thăng hạng tiếp theo do MSCI đánh giá, đồng thời giúp tăng nhận thức về thị trường chứng khoán Việt Nam, là điểm đến hấp dẫn trong khu vực Đông Nam Á”, bà Lê Thị Lệ Hằng, Giám đốc Chiến lược của Công ty Chứng khoán SSI, bình luận về thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm 2024.

Trong suốt 6 năm, câu chuyện nâng hạng thị trường được đào đi xới lại nhiều lần, với những kỳ vọng cải thiện dòng tiền khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng. Thế nhưng, việc nâng hạng có phải cây đũa thần như mong đợi của nhiều người?

Trả lời NCĐT, đại diện Trung tâm Phân tích của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng: “Dòng vốn ngoại chắc chắn sẽ đổ vào Việt Nam khi được chấp thuận nâng hạng. Điều này đồng nghĩa thanh khoản thị trường sẽ được cải thiện”. Theo BSC, tối thiểu 700 triệu USD đến 1,5 tỉ USD sẽ được đổ vào nếu FTSE nâng hạng. Còn nếu MSCI, với các điều kiện ngặt nghèo hơn, chấp thuận nâng hạng thì sẽ có thể thu hút một lượng vốn lớn hơn, từ 1,2-2 tỉ USD.

Tuy nhiên, để thị trường chứng khoán thực sự vận hành ổn định và thông suốt, rất cần một hệ thống hạ tầng công nghệ, đồng thời sớm giải quyết các nút thắt cho nhà đầu tư nước ngoài. Việc này là tiền đề để triển khai các sản phẩm mới, tương xứng với quy mô và tiềm năng của thị trường vốn Việt Nam.

Khi xem xét một số thị trường đã được nâng hạng sau những khoảng thời gian chờ khác nhau, BSC nhận thấy thị trường chứng khoán thường sẽ diễn biến tích cực trước khi có thông tin chính thức nâng hạng thị trường với thanh khoản cải thiện rõ rệt, điển hình là thị trường chứng khoán Trung Quốc. Tuy nhiên, năm 2018 cũng là giai đoạn Trung Quốc bắt đầu bước vào cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ khiến thị trường chứng khoán ghi nhận mức sụt giảm, sau đó thị trường chứng khoán nước này tiếp tục tăng trưởng ấn tượng.

Sau khi thông tin chấp thuận nâng hạng được công bố, thanh khoản và điểm số có dấu hiệu sụt giảm ở các nước Qatar, UAE. Đối với Ả Rập Saudi, quốc gia có thời gian chuyển đổi kéo dài với 6 chặng, ghi nhận thanh khoản sụt giảm và chỉ số chứng khoán tăng nhẹ sau khi có thông tin chính thức chấp thuận nâng hạng.

Trong 5 quốc gia BSC đã thực hiện nghiên cứu, có 4 quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ (Qatar, Kuwait, Ả Rập Saudi, UAE), còn lại là Trung Quốc đại lục, nền kinh tế có quy mô lớn hơn Việt Nam rất nhiều. “Do đó, cần lưu ý là diễn biến thị trường chứng khoán còn phụ thuộc vào bối cảnh kinh tế - xã hội, tình hình địa chính trị tại mỗi quốc gia ở từng thời điểm. Yếu tố nâng hạng không phải là điều kiện chính tác động đến diễn biến của thị trường chứng khoán”, BSC nhấn mạnh.

Tại khu vực Đông Nam Á, thanh khoản và diễn biến của chỉ số chứng khoán tại Thái Lan, Malaysia đều cho thấy xu hướng tích cực trước thời điểm được FTSE chấp thuận nâng hạng từ thị trường mới nổi sơ cấp (secondary) lên thị trường mới nổi tiên tiến (advanced).

Kể từ năm 2018, những người tham gia thị trường chứng khoán đặt nhiều kỳ vọng vào việc 2 tổ chức lớn là MSCI và FTSE Russell nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên (frontier market) lên thị trường mới nổi (emerging market). Trong số các tiêu chí định tính mà tổ chức xếp hạng FTSE Russell và MSCI đưa ra, các yêu cầu từ FTSE Russell đơn giản hơn khá nhiều, chủ yếu là do FTSE Russell có phân chia thị trường mới nổi thành 2 mức độ tùy theo cấp độ phát triển của thị trường như thị trường mới nổi sơ cấp và tiên tiến.

Việc nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Các công ty trong nước sẽ dễ dàng tiếp cận vốn hơn, hỗ trợ hoạt động mở rộng và đổi mới sáng tạo. Nhà đầu tư cá nhân cũng được hưởng lợi từ tiềm năng tăng giá của cổ phiếu. Bên cạnh đó, dòng vốn ngoại vào thị trường dự kiến gia tăng đáng kể, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo thêm việc làm.

Dựa trên nghiên cứu và quan sát của BSC tại các quốc gia khu vực châu Á trong quá khứ đã được FTSE chấp thuận nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, thời điểm tháng 9 hằng năm là đợt đánh giá rất quan trọng đối với FTSE và thông thường đây là khoảng thời gian các nước sẽ được chấp thuận nâng hạng. Tuy nhiên, với diễn biến hiện tại, nhiều khả năng thời điểm chấp thuận nâng hạng vào tháng 3 (tương tự như Ả Rập Saudi) sẽ khả thi hơn đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. “Nhà đầu tư cần quan sát kỹ lưỡng nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc giải quyết nút thắt nâng hạng, đặc biệt là vấn đề pre-funding”, BSC nhấn mạnh.

“Việc nâng hạng phụ thuộc một phần vào KRX, vì hệ thống này cho phép bán chứng khoán chờ về”, ông Nguyễn Hoàng Phương, Giám đốc Huấn luyện và Hỗ trợ Kinh doanh, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), cho biết. Với tin đồn râm ran về việc thử nghiệm KRX thất bại, có thể thị trường chứng khoán sẽ một lần nữa lỗi hẹn với FTSE vào kỳ đánh giá tháng 9 năm nay.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới