Chứng khoán đua tăng vốn
Quy mô vốn điều lệ của các công ty chứng khoán nhóm đầu được nâng lên gần 20.000 tỉ đồng, với sự bám đuổi giữa những doanh nghiệp giữ thị phần lớn. Ảnh: Trọng Hiếu, nhadautu.vn
Khi nhận được tin Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) được tăng vốn thêm gần 3.000 tỉ đồng, một giám đốc môi giới tại Công ty Chứng khoán Mirae Asset đã nhận định: “Chợ ngày một đông...”.
Theo tìm hiểu của NCĐT, 2 công ty chứng khoán hàng đầu thị trường khác là VNDIRECT, SSI cũng có kế hoạch phát hành thêm hàng trăm triệu cổ phiếu để tăng vốn. Danh sách các công ty chứng khoán tăng vốn còn có Kafi, Phú Hưng, Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS), Chứng khoán MB (MBS)...
Động thái này tiếp tục làm tăng nhiệt cuộc đua tăng vốn của các công ty chứng khoán, vốn đã sôi động ngay từ đầu năm 2024. Việc tăng vốn còn nhằm chuẩn bị cho khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi, đón đầu dòng tiền lớn từ khối nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2025.
Quả thực, nhu cầu tăng vốn của các công ty chứng khoán ngày càng trở nên cấp thiết. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam cần rất nhiều vốn cho hoạt động đầu tư với các dự án về hạ tầng lớn và cải thiện nền tảng kỹ thuật của quốc gia, các công ty chứng khoán ngày càng chứng minh vai trò trong hệ thống tài chính, bên cạnh các ngân hàng.
Trong báo cáo cập nhật mới nhất về ngành chứng khoán, Bộ phận Phân tích của MBS đã nêu rất rõ lý do các công ty chứng khoán liên tục tăng vốn là để duy trì tỉ lệ cho vay ký quỹ dưới ngưỡng quy định. Hoạt động cho vay margin đã phát triển rất mạnh thời gian qua, khi các doanh nghiệp ngày càng khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng hơn. Cách tốt nhất là tìm đến các công ty chứng khoán để vay cầm cố bằng cổ phiếu, trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng lớn mạnh, thanh khoản liên tục tăng.
Điều đó lý giải được vì sao ngân hàng ngày càng bơm nhiều vốn vào các công ty chứng khoán hàng đầu thị trường dưới hình thức cho vay. Thị trường vốn Việt Nam đang trong giai đoạn tái cấu trúc, mặc dù ngân hàng vẫn đóng vai trò cốt lõi trong nền kinh tế, nhưng nhiệm vụ luân chuyển vốn đang dần chuyển sang cho các công ty chứng khoán, với những công cụ như trái phiếu và cổ phiếu của doanh nghiệp.
Dư nợ cho vay margin đã lên đến hơn 232.000 tỉ đồng vào cuối quý III, trong đó chủ yếu từ các doanh nghiệp chứ không phải nhà đầu tư cá nhân. Điều này xuất phát từ việc khó tiếp cận vốn từ ngân hàng, các doanh nghiệp trên sàn đang đua đi vay bằng repo (cầm cố) cổ phiếu tại các công ty chứng khoán. Bởi vì, theo như bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VNDIRECT, từng chia sẻ, các ngân hàng Việt Nam chủ yếu phát triển mạnh mảng ngân hàng bán lẻ và các công ty chứng khoán đang trở thành những tổ chức cung cấp dịch vụ ngân hàng đầu tư.
Quy mô vốn điều lệ của các công ty chứng khoán nhóm đầu được nâng lên gần 20.000 tỉ đồng, với sự bám đuổi giữa những doanh nghiệp giữ thị phần lớn. Vốn hóa của công ty chứng khoán đầu ngành như SSI đã lên đến 50.000 tỉ đồng, gần tiệm cận vốn hóa của một ngân hàng tầm trung như Sacombank (64.000 tỉ đồng).
Theo MBS, hơn 1/2 trong số 25 công ty chứng khoán hàng đầu Việt Nam được dự báo hoàn thành lợi nhuận năm 2024. Điều này thuận lợi cho các đợt tăng vốn. Có nhiều ý kiến cho rằng hoạt động cho vay ký quỹ (cho vay theo deal) của các công ty chứng khoán đang lên quá mức, hiện lên đến gần 10 tỉ USD vào cuối quý III/2024, có thể tạo ra nhiều rủi ro. Nhưng một chuyên gia lâu năm trong ngành tín dụng ngân hàng lại có quan điểm khác, cho rằng đây là việc cho vay ít rủi ro, bởi vì khi cần có thể bán ra cổ phiếu để thu nợ.
Còn ông Trịnh Hoài Giang, CEO của HSC, thì nhận định: ”Tôi cho rằng sắp tới thanh khoản thị trường sẽ thấp, vì nhà đầu tư nước ngoài bán ròng nhiều trong năm 2023 và 2024. Chúng tôi kỳ vọng sau đó thanh khoản thị trường đạt trung bình 15.000 tỉ đồng trong suốt năm 2025 và nhu cầu vay ký quỹ yếu hơn năm 2024 nhưng vẫn mạnh”.
Bên cạnh việc cho vay repo, các công ty chứng khoán cũng là trung gian nhận vốn rồi đầu tư, như đầu tư vào trái phiếu, cổ phiếu. Bên cạnh lợi nhuận ngày một tăng, cũng có nhiều rủi ro gặp phải như trường hợp của VNDIRECT với trái phiếu Trung Nam. Dù vậy, đó là một hướng đi ít lựa chọn khác, bởi vì hiện tại, một nguồn thu chủ yếu của các công ty chứng khoán là doanh thu từ phí môi giới đang giảm dần do làn sóng hạ phí giao dịch để thu hút khách hàng.
Với nguồn vốn mới, HSC cho biết Công ty có thể mở rộng hoạt động cho vay ký quỹ, nâng hạn mức cấp Non Pre-funding (NPF, giao dịch không phải ký quỹ tiền) cho nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, cũng như tham gia nhiều hơn vào hoạt động thu xếp vốn trong các thương vụ ngân hàng đầu tư.
Như một chiếc xe có chân ga và chân phanh, việc đặt những dấu hỏi hay nêu lên rủi ro về tình trạng cho vay repo quá mức (và các hoạt động đầu tư khác) là một việc làm cần thiết. Nhưng với điều kiện nền kinh tế còn cần nhiều vốn như hiện nay, hoạt động repo chắc chắn sẽ còn tăng nhiệt, trong bối cảnh các kênh huy động vốn khác không còn nhiều dư địa.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư