Cổ phiếu ngân hàng, dầu khí và thép “sáng giá”?
Hình ảnh nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ảnh: TL.
Chia sẻ với NCĐT về những cơ hội đầu tư tốt trong nửa cuối năm 2024, các chuyên viên phân tích của Mirae Asset đánh giá tích cực đối với ngành ngân hàng, dầu khí và thép.
Đối với ngành ngân hàng, ông Nguyễn Dương Công Nguyên, Chuyên viên phân tích cao cấp, Mirae Asset Việt Nam đánh giá mặc dù triển vọng ngành ngân hàng vẫn còn nhiều ẩn số, nhưng vẫn có nhiều cơ hội đầu tư đối với nhóm ngành này. Những thay đổi mới trong Luật đất đai cho thấy rào cản tham gia thị trường bất động sản đối với các doanh nghiệp mới dần trở nên khó khăn hơn. Do đó, các ngân hàng có quan hệ đối tác chặt chẽ với các nhà phát triển bất động sản có lợi thế hơn trong tăng trưởng tín dụng đối với mảng khách hàng cá nhân (cho vay mua nhà) cả ngắn hạn và trung hạn như TCB, HDB, MBB và VPB.
Ngoài ra, ông Nguyên cho rằng khả năng tăng lãi suất dự kiến dẫn đến chi phí tín dụng cao hơn trong các quý tới, trong khi các ngân hàng vốn đã làm quen với chi phí tín dụng cao trong giai đoạn từ năm 2020, được kỳ vọng sẽ không có quá nhiều biến động như VPB và VIB. Hai ngân hàng này còn có thêm lợi thế từ nền lợi nhuận thấp và định giá tương đối hấp dẫn, cũng là một cơ hội đầu tư đáng xem xét.
Trong khi đó, với ngành dầu khí ông Nguyễn Khánh Duy, Chuyên viên phân tích, Mirae Asset Việt Nam cho rằng PVN dự kiến vốn đầu tư cho hoạt động E&P (thăm dò và khai thác) là 1,1 tỉ USD trong 2024, tăng gấp đôi so với cùng kỳ và vốn dự kiến sẽ tăng mạnh hơn nữa khi các dự án tiến triển. Nhiều dự án mới gần đây có chuyển biến đáng kể như Lạc Đà Vàng, Lô B, mở rộng mỏ Bạch Hổ. Sự phát triển này là tín hiệu tích cực cho các nhà cung cấp dịch vụ thượng nguồn, bao gồm các nhà thầu EPCI, giàn khoan và các đơn vị dịch vụ khác. Bên cạnh đó, việc phát triển năng lượng LNG và điện gió ngoài khơi cũng đang thể hiện bức tranh tươi sáng cho các nhà cung cấp dịch vụ thượng nguồn tham gia xây dựng. Về trung nguồn, PVGAS là công ty chiếm ưu thế trong mảng LNG với vốn đầu tư dự kiến cho trung tâm LNG là 50.000 tỉ đồng đến 2030.
Đối với ngành thép, ông Nguyễn Huỳnh Bình Nguyên, Chuyên viên phân tích, Mirae Asset Việt Nam cho rằng con đường phía trước không quá suôn sẻ đối với tất cả doanh nghiệp vì vẫn còn những thách thức về nhu cầu trong nước, sự thay đổi bối cảnh cạnh tranh (thị phần) và những bất ổn về nhu cầu toàn cầu (tình trạng dư cung của Trung Quốc). Giá cổ phiếu thép gần như đã vượt mức đỉnh của năm 2023, được xúc tác bởi kỳ vọng phục hồi của ngành. Trong khi sản lượng sản xuất của HSG, NKG và HPG đã được cải thiện nhiều so với đáy năm 2023, riêng HPG có khả năng tăng trưởng công suất cao thông qua Khu liên hợp Dung Quất 2 đang phát triển.
“Khi ngành hướng đến giai đoạn hiện thực hóa lợi nhuận kỳ vọng, diễn biến giá cổ phiếu trong ngắn hạn sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng cải thiện lợi nhuận của riêng mỗi công ty. Về dài hạn, HPG có thể được tái định giá để phản ánh tiềm năng từ việc mở rộng Dung Quất 2. So với các công ty trên thế giới, cổ phiếu thép Việt Nam đang giao dịch ở mức hợp lý.”, ông Nguyên chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Góc nhìn thị trường khi VN-Index tiến về vùng kháng cự
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư