Hủy
Tài Chính

Cuộc khủng hoảng tài chính giống năm 2008 liệu có lặp lại?

Nhật Anh Thứ Ba | 21/03/2023 15:39

Suy thoái nhẹ cũng là một thứ mà theo tính chu kỳ nó có thể sẽ vẫn xảy ra và có thể sẽ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn hơn và mức độ ảnh hưởng sẽ nhẹ nhàng hơn. Hình ảnh minh họa: TL.

 
 
Tại Talkshow Phố Tài Chính, các chuyên gia cho biết, trong cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008-2009 ở Mỹ đã có khoảng 11.000 ngân hàng lớn nhỏ phá sản.

Lịch sử có lặp lại? 

Lịch sử liệu có lặp lại khi ở Mỹ đã xuất hiện những ngân hàng bị mất thanh khoản hoặc phá sản. Trao đổi trong Talkshow Phố Tài Chính, các chuyên gia cho biết, trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 ở Mỹ đã có khoảng 11.000 ngân hàng lớn nhỏ phá sản. Hiện tại, việc có thêm các ngân hàng Mỹ bị mất thanh khoản hoặc phá sản có thể vẫn còn tiềm ẩn nhưng lần này quy mô sẽ nhỏ và nhẹ hơn, đặc biệt là sự phản ứng nhanh nhạy của các Ngân hàng Trung ương và chính quyền các quốc gia đã giúp củng cố niềm tin cho nhà đầu tư hơn.

 

Cụ thể, theo chia sẻ của Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế, rõ ràng lo ngại về suy thoái kinh tế một lần nữa đã được gióng lên, xác suất của nó đã tăng lên khoảng trên 30% là xảy ra suy thoái. Tuy nhiên tháng 2/2023 chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ chỉ còn tăng 6% tính theo năm và tăng 0,4% so với tháng trước. Tín hiệu vĩ mô có thể nói là rất tích cực, để phía các cơ quan quản lý về tiền tệ, tài chính của Mỹ có thể xem xét lại mức độ về tăng lãi suất, giảm nguy cơ về suy thoái kinh tế.

Vấn đề thứ 2 rất quan trọng, đó chính là nền kinh tế Trung Quốc đã thay đổi chính sách Zero Covid. Các thông báo mới nhất của Trung Quốc cho thấy họ dự báo năm 2023 tăng trưởng kinh tế của quốc gia này có thể đạt được khoảng 5,5%. “Tôi cho rằng nguy cơ hay là mức độ suy thoái kinh tế nếu có xảy ra thì cũng mang tính cục bộ và sẽ giảm được về mặt phạm vi”, Tiến sĩ nói thêm. 

Trong khi đó, ở góc nhìn khác ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng “nguy cơ thì lúc nào cũng sẽ có”. Ông Long đánh giá thêm, chúng ta đang ở trong giai đoạn mà nếu có xảy ra suy thoái thì cũng là một cuộc suy thoái kỳ lạ so với các cuộc suy thoái trước, bởi vì nhu cầu không giảm quá nhiều. Việc làm vẫn tiếp tục được tạo ra ở những khu vực kinh tế lớn, nhất là ở Mỹ. Đồng thời, Trung Quốc mở cửa trở lại cũng đóng góp rất là nhiều và có vẻ như các bên đều đang điều chỉnh dự báo về khả năng tăng lãi suất của năm nay. “Tôi nghĩ rằng suy thoái nhẹ cũng là một thứ mà theo tính chu kỳ nó có thể sẽ vẫn xảy ra và có thể sẽ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn hơn và mức độ ảnh hưởng sẽ nhẹ nhàng hơn”, ông Long nói. 

 

Bài học nào cho Việt Nam? 

Tại Talkshow Phố Tài chính, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, đánh giá rất cao khả năng điều hành của cơ quan điều hành về tiền tệ của Việt Nam chúng ta khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định giảm lãi suất điều hành của chúng ta từ 0,5-1% ngay từ ngày 15/3. “Tôi cho rằng vấn đề về điều hành chính sách của chúng ta cũng có những  bước đi phù hợp và có những dự tính dự báo”, Tiến sĩ nói. 

Chia sẻ về bài học kinh nghiệm sau chuỗi sự kiện các ngân hàng ở Mỹ, Tiến sĩ cho rằng đó là vấn đề về giám sát hệ thống, khi mà  đạo luật Dodd–Frank trước đó thì với một quy mô tài sản 50 tỉ USD đã phải chịu sự giám sát rất là gắt gao của cơ quan quản lý tiền tệ của Mỹ. Nhưng bắt đầu từ năm 2018 thì Mỹ đã sửa điều luật đó và nâng mức giám sát lên gấp 5 lần, lên tới 250 tỉ USD và chính vì thế mới xảy ra những trường hợp của các ngân hàng vừa qua. 

Còn ở Việt Nam chúng ta thì những ngân hàng nhỏ và yếu kém thì lại được kiểm soát chặt hơn, thậm chí đối với ngân hàng lớn. Ngoài ra, những kinh nghiệm từ thành công cũng như thất bại từ các vụ việc tài chính ở một  thị trường phát triển đi trước như Mỹ thì cũng sẽ rất bổ ích cho các cơ quan quản lý cũng như bản thân các ngân hàng, các định chế tài chính trong thời gian tới. 

Còn theo đại diện của BSC, sự kiện các ngân hàng Mỹ vừa qua không phải sự việc cá biệt, và cũng là một chỉ báo cho thấy rằng mặc dù chúng ta luôn muốn thị trường, nền kinh tế, hệ thống tổng tài sản và tiêu dùng liên tục gia tăng và tăng trưởng mạnh, nhưng nhiệm vụ liên quan đến giám sát hệ thống vẫn rất là quan trọng.   

Có thể bạn quan tâm 

Không có “rủi ro Ngân hàng Thung lũng Silicon” tại Việt Nam


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới