Độ lệch giữa VN-Index và VN30 ngày càng lớn
Kết thúc phiên sáng, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.259 điểm. Ảnh: PV.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã hồi phục mạnh mẽ, ngược dòng với diễn biến ở các thị trường trên thế giới. Dòng tiền tuy giảm nhẹ nhưng vẫn rất sôi động với các nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường như là ngân hàng, thép và thực phẩm đều tăng điểm.
Dừng lúc đóng cửa, chỉ số VN-Index tăng 9,81 điểm lên 1.262,49 điểm, trong khi đó đó chỉ số VN30 tăng 23,12 điểm lên 1.401,71 điểm. Khi VN-Index vẫn đang loay hoay trong biên độ từ 1.250 - 1.280 điểm thì chỉ số VN30 lại liên tục chinh phục những đỉnh cao mới.
Có thể thấy, độ lệch giữa VN30 và VN-Index đang ngày càng lớn. Lũy kế từ đầu năm 2021 đến nay (19.5), chỉ số VN-Index đã tăng gần 159 điểm, tương đương hơn 14,4%. Trong khi đó, chỉ số VN30 đã tăng gần 331 điểm, tương đương gần 31%.
Như vậy, đà tăng của VN30 hiện tại đang gấp đôi so với mức tăng chung của thị trường. Điều này có thể thấy, dòng tiền vẫn đang tập trung vào các cổ phiếu trụ thuộc nhóm VN30.
Điều này có thể dễ hiểu khi các cổ phiếu được giới đầu tư ưu ái gọi là “cổ phiếu quốc dân” đều nằm trong nhóm cổ phiếu VN30. Nếu mua và nắm giữ những cổ phiếu này từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư đã nhận được mức sinh lời khá khủng.
Tiêu biểu có thể kể đến là cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã VPB) với mức tăng hơn 107,7% từ đầu năm 2021 đến nay. Cổ phiếu này tăng giá đi kèm với sự gia tăng mạnh mẽ về thanh khoản để "ai cũng có thể mua".
Ngày 28.4 vừa qua, VPBank thông báo đã ký kết thỏa thuận với Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (Tập đoàn SMBC) để bán 49% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính TNHH MTV Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit). Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF), một công ty con do SMFG sở hữu 100% vốn, là pháp nhân đứng ra mua phần vốn góp này.
Thời điểm bán vốn, FE Credit được định giá đến 2,8 tỉ USD. Như vậy, VPBank có thể thu về gần 1,4 tỉ USD từ thương vụ này. FE Credit từ nhiều năm qua được ví là "con gà đẻ trứng vàng" của VPBank. Những năm gần đây, công ty này mang về 45 - 50% tổng lợi nhuận hợp nhất cho ngân hàng… Có thể, đây cũng là một trong những động lực giúp VPB thăng hoa trong thời gian qua, bên cạnh sự tích cực của thị trường chung.
Không chỉ VPB và cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã TCB) cũng liên tục được giới đầu tư gọi tên.
Từ đầu năm 2021 đến nay, HPG và TCB đã đạt mức tăng hơn 59% về thị giá, đi kèm với sự bùng nổ về thanh khoản.
Nếu như Techcombank tiếp tục dẫn đầu toàn ngành về tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và giữ thế thượng phong trái phiếu thì Hòa Phát cũng liên tục củng cố ngôi vị "vua thép".
Sau 3 năm đầu tư, đến năm 2020 Khu liên hợp Dung Quất đã bắt đầu cho trái ngọt. Năm 2020 Hòa Phát có thêm sản phẩm chiến lược mới là thép cuộn cán nóng (HRC), công suất 3 triệu tấn/năm. Theo đánh giá của Ban lãnh đạo Hòa Phát, tự chủ công nghệ sản xuất HRC chính là miếng ghép hoàn hảo tạo nên nền tảng vững vàng cho hệ sinh thái các sản phẩm thép chất lượng cao khác mà Hòa Phát có thể sản xuất như thép cơ khí chế tạo, vỏ container rỗng... Chuỗi sản xuất của Hòa Phát được nối dài và ngày càng tối ưu, mang lại giá trị cao nhất cho khách hàng, cổ đông và xã hội.
Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, việc tập trung vào các cổ phiếu bluechip cũng là một phần của chiến lược đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Cụ thể ở đây Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã lọc cho chúng ta 30 doanh nghiệp lớn nhất mỗi sàn giao dịch. Vì vậy chúng ta hãy tập trung vào danh sách VN30 và HNX30. Về cơ bản để lọt vô rổ chỉ số VN30 hay HNX30 các cổ phiếu phải thỏa mãn các điều kiện về vốn hóa, thanh khoản và đã được chọn lọc. Theo VNDirect, những doanh nghiệp trong 2 danh sách này có nhiều ưu điểm. Đó là những cổ phiếu có quy mô vốn hóa (giá trị thị trường của toàn bộ doanh nghiệp) đầu ngành và lớn nhất trên thị trường chứng khoán. Thanh khoản của cổ phiếu cao do đó không lo vấn đề thanh khoản. Và những cổ phiếu này đã được các cơ quan quản lý chọn lọc và thông qua nên có độ tin cậy tương đối cao. Tuy vậy, nhóm cổ phiếu này vẫn có một vài hạn chế như việc còn một số doanh nghiệp xấu lọt vào rổ chỉ số này. Hoặc có nhiều doanh nghiệp lớn đã bão hòa và lỗi thời. |
* Có thể bạn quan tâm
► Chiến lược lướt sóng với cổ phiếu trụ
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư