Hủy
Tài Chính

Dòng tiền ngoại sắp chảy mạnh vào chứng khoán Việt

Nhật Lệ Thứ Sáu | 02/04/2021 14:09

Ảnh minh họa: TL.

 
 
Giới phân tích dự báo có thể sẽ xuất hiện dòng tiền ngoại chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam từ nửa cuối năm 2021.

Vào ngày 29.3.2021, theo múi giờ của Mỹ, FTSE Russell (nhà cung cấp các chỉ số thị trường chứng khoán) đã công bố kết quả kỳ đánh giá phân loại thị trường tháng 3.2021. Tại kỳ đánh giá lần này, FTSE ghi nhận nỗ lực cải thiện hành lang pháp lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và việc Luật Chứng khoán sửa đổi có hiệu lực từ tháng 1.2021 được kỳ vọng sẽ mở lối cho việc cải thiện chất lượng thị trường.

Tuy nhiên, FTSE cho rằng về mặt thực tiễn thực hành, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục không thỏa mãn tiêu chí hoạt động thanh toán bù trừ theo mô hình Delivery vs Payment (DvP), do quy định phải ký quỹ đủ tiền tại khoản 2 điều 7 thông tư 203/2015/TT-BTC. Qua đó, tiếp tục không thỏa mãn 2 tiêu chí là “Chu kỳ Thanh toán bù trừ (DvP)”, bị đánh giá ở mức Restricted, và tiêu chí “Thanh toán bù trừ - Không xảy ra thất bại trong giao dịch”, không được đánh giá.

 

Do chỉ thỏa mãn 7 trên 9 điều kiện tiên quyết để được nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2 mà FTSE đưa ra, nên thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2 của FTSE cho kỳ đánh giá tháng 9.2021.

Mặc dù, vẫn tiếp tục nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng bởi FTSE trong kỳ đánh giá tháng 3.2021, trong bối cảnh các dự thảo Nghị Định và Thông Tư mới đi kèm Luật Chứng khoán sửa đổi (đã có hiệu lực) đang được tích cực khẩn trương soạn thảo và sẽ sớm được đưa vào thực tiễn, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vẫn giữ quan điểm lạc quan về triển vọng Việt Nam sẽ được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2 tại kỳ đánh giá nâng hạng năm 2022.

Theo ước tính của BVSC, trong trường hợp Việt Nam được FTSE chính thức nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thu hút dòng tiền lên tới 1,4 tỉ USD đến từ các quỹ mô phỏng theo chỉ số FTSE Global All-Cap, FTSE All-World và FTSE Emerging Markets.

Từ thực tiễn quan sát diễn biến thị trường quốc tế trong quá khứ, thông thường trong khoảng ít nhất từ 9-12 tháng trước khi thị trường chứng khoán một quốc gia được FTSE công bố chính thức nâng hạng lên thị trường mới nổi, thị trường chứng khoán quốc gia đó thường sẽ đón nhận dòng vốn đầu tư từ nước ngoài đón đầu xu hướng nâng hạng, chảy vào khá mạnh mẽ và có đà tăng điểm khá là ấn tượng.

Dự báo dòng vốn được phân bối bởi Fubon FTSE Vietnam ETF vào các mã cổ phiếu được niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nguồn: BVSC, NCĐT.
Dự báo dòng vốn được phân bối bởi Fubon FTSE Vietnam ETF vào các mã cổ phiếu được niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nguồn: BVSC, NCĐT.

Do đó, với kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể sẽ được FTSE nâng hạng trong 2 kỳ đánh của năm 2022, BVSC kỳ vọng có thể sẽ xuất hiện dòng tiền ngoại đón đầu xu hướng này chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam từ nửa cuối năm 2021. Dựa theo bộ tiêu chí của FTSE đưa ra, nhiều khả năng các mã được hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng này sẽ là các mã có vốn hoá lớn, thỏa mãn các điều kiện về thanh khoản, room ngoại và free-float mà FTSE đề ra như: VIC, VNM, VHM, HPG, VCB, MSN, VRE,

Với triển vọng kinh tế vĩ mô tích cực, việc được nâng hạng là một tín hiệu khá là tích cực về sự cải thiện chất lượng thị trường và sẽ giúp cho thị trường chứng khoán Việt Nam hấp dẫn dòng vốn đầu tư từ các quỹ được lập ra, để mô phỏng theo các chỉ số chỉ riêng về Việt Nam như FTSE Vietnam Index hoặc FTSE Vietnam 30 Index.

* Có thể bạn quan tâm 

► Chưa có rủi ro đáng kể nào đối với thị trường chứng khoán hiện tại


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới