Hủy
Tài Chính

Fintech đẩy ngân hàng số

Trực Thanh Thứ Ba | 29/12/2020 08:00

Fintech đẩy ngân hàng số. Ảnh minh họa: TL.

 
 
Fintech trở thành ngân hàng số độc lập gây sức ép cho quá trình chuyển đổi số của ngân hàng truyền thống.

“Hiện nay, Hồng Kông đã cấp 10 chứng chỉ ngân hàng độc lập cho các fintech, con số này ở Singapore là 4 và ở Malaysia là 3. Tôi nghĩ, một ngày nào đó, xu hướng này sẽ được cập nhật tại Việt Nam”, ông Claude Spiese, chuyên gia tư vấn công nghệ số của Grant Thornton, dự báo.

Fintech trở thành ngân hàng số độc lập đang trở thành xu hướng ngày càng rõ nét ở châu Á. Tại các thị trường Hồng Kông, Singapore, Malaysia, fintech thường bắt tay với các tập đoàn tài chính lớn hoặc công ty viễn thông để hình thành ngân hàng số.

Tại Việt Nam, các khái niệm “ngân hàng số”, “ngân hàng ảo”... thời gian gần đây cũng được nhắc đến nhiều với sự bùng nổ của các fintech. Đáng chú ý là việc startup kỳ lân Grab đã nộp hồ sơ xin thành lập ngân hàng số ở Singapore với vốn điều lệ 1,1 tỉ USD. 

 

Grab cũng triển khai và nhân rộng các dịch vụ tài chính, chẳng hạn như eMoney, cho vay và phân phối bảo hiểm vào hệ sinh thái fintech lớn nhất Đông Nam Á. Grab cũng có những bước đi tương tự với dịch vụ GrabPay tại Việt Nam, triển khai các dịch vụ như thanh toán hóa đơn điện nước, nạp thẻ điện thoại, thậm chí là mua sắm, ăn uống ở các cửa hàng đối tác của Grab.

Mới đây, CEO của Be Group, quản lý ứng dụng gọi xe Be, bà Nguyễn Hoàng Phương cũng tiết lộ Be Group đang hợp tác với các tổ chức tài chính, công nghệ để tạo ra một ngân hàng số. Be Group xây dựng hệ sinh thái có 5 mũi nhọn, gồm vận chuyển, logistics, giao thông công cộng, du lịch, tài chính. “Đội ngũ của Be đang kết hợp với nhiều tổ chức tài chính, công nghệ trong nước và quốc tế để tạo ra một ngân hàng số”, bà Phương cho biết.

Đầu tháng 12.2020, nhiều tập đoàn lớn đứng sau các ví điện tử ở Việt Nam đã được Singapore cấp giấy phép thành lập ngân hàng số. Các doanh nghiệp được cấp phép là Liên danh Grab - Singtel, Sea và 2 doanh nghiệp của Trung Quốc là Ant Financial và Greenland Financial Holdings. Sea, Ant Financial sở hữu eMonkey, Airpay tại Việt Nam. Tuy không có chi nhánh, song ngân hàng ảo WeBank (Tencent), MyBank (Alibaba) phục vụ hàng trăm triệu khách hàng, cho vay hàng chục tỉ USD.

Xu hướng thành lập ngân hàng ảo, hoạt động hoàn toàn trực tuyến được dự đoán sẽ còn tăng mạnh, với sự hậu thuẫn của các đại gia công nghệ và tập đoàn viễn thông lớn. Các ngân hàng này có lợi thế rất lớn và hoạt động hiệu quả hơn ngân hàng truyền thống khi áp dụng trí tuệ nhân tạo (A.I) cộng với nguồn dữ liệu khổng lồ thu thập từ hoạt động thanh toán của người dùng ví điện tử.

 

Tại Việt Nam, chuyển đổi số đang được nhiều ngân hàng thúc đẩy nhằm tạo ra những đột phá trong cạnh tranh. “Chuyển đổi số đang gia tăng trải nghiệm của khách hàng, từ đó tạo cơ hội cho các ngân hàng thương mại tăng trưởng nguồn khách hàng. Chuyển đổi số không chỉ giúp ngân hàng tăng doanh thu mà còn giảm chi phí, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động”, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, nhận định.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, 95% tổ chức tín dụng tại Việt Nam đã có, đang xây dựng hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số, 39% tổ chức đã phê duyệt chiến lược chuyển đổi số hoặc tích hợp trong chiến lược phát triển kinh doanh công nghệ thông tin. 

Trong đó, mô hình ngân hàng số tại Việt Nam tập trung chủ yếu ở 3 hình thái. Thứ nhất là chuyển đổi ngân hàng hiện hữu sang mô hình vận hành số. Thứ 2 là hợp tác hoặc xây dựng và dẫn dắt hệ sinh thái các đối tác nằm ngoài ngành tài chính. Cuối cùng là mô hình ngân hàng số mới nổi, thách thức các giá trị truyền thống. Phần lớn các ngân hàng tại Việt Nam đang tiếp cận theo mô hình thứ nhất.

Hình ảnh tài xế công nghệ Grab. Ảnh: Quý Hòa.
Hình ảnh tài xế công nghệ Grab. Ảnh: Quý Hòa.

Bà Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch EY Consulting Việt Nam, nhận định, đến năm 2025, dự kiến có khoảng 1/3 doanh thu ngân hàng truyền thống sẽ được quản lý bởi các mô hình kinh doanh mới, từ việc số hóa, áp dụng công nghệ trong các dịch vụ của ngân hàng. Các ngân hàng cần tối ưu số hóa, tạo nền tảng số hoàn toàn để người dùng và người cung cấp dịch vụ có thể giao tiếp giống như mô hình Grab, đồng thời cần có sự hỗ trợ công nghệ. 

Ngân hàng Nhà nước vừa cho phép hình thức xác thực điện tử (eKYC), giúp các ngân hàng có thể mở tài khoản trực tuyến cho khách hàng. eKYC được ví như “thẻ thông hành” để bước vào ngân hàng số. Tuy nhiên, cánh cửa ngân hàng số tại Việt Nam vẫn chưa thể mở do tồn tại nhiều thách thức về khuôn khổ pháp lý, những vấn đề mới phát sinh như quy định pháp luật về giao dịch điện tử, chữ ký điện tử, hợp đồng điện tử, các vấn đề về định danh và xác thực; các cơ chế và quy định về chia sẻ dữ liệu...

Mặc dù còn nhiều trở ngại nhưng sức ép của các công ty fintech nước ngoài buộc Việt Nam phải đẩy nhanh chuyển đổi số trong các ngân hàng cũng như mục tiêu thành lập các ngân hàng số. “Đã đến lúc chúng ta cần nghiên cứu cấp phép cho ngân hàng số 100%, các ngân hàng này phải tương đối độc lập với ngân hàng mẹ. Việc cấp phép thành lập một số ngân hàng số chắc chắn sẽ đẩy quá trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng diễn ra nhanh hơn”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, đề xuất.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới