Hủy
Tài Chính

Vốn lớn cho hạ tầng lớn

Lam Hồng Chủ Nhật | 15/06/2025 07:30

Thị trường vốn sẽ giúp quốc gia xây dựng các công trình lớn. Ảnh: T.L

 
 
Việt Nam cần một thị trường vốn phát triển trước khi kỳ vọng tạo một cú hích đầu tư công chưa từng có vào cơ sở hạ tầng.

Trong năm 2025, TP.HCM sẽ triển khai hàng loạt dự án hạ tầng tầm cỡ như Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, đường Vành đai 2, đường Vành đai 4, cao tốc Mộc Bài - TP.HCM... Đáng chú ý, tất cả các dự án này đều có sự tham gia của khu vực tư nhân (gồm cả nhà đầu tư quốc tế) với Đề án huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hạ tầng thấp nhất 600.000 tỉ đồng trong năm 2025... 

Đây là bài toán khó không chỉ đối với TP.HCM mà đối với kế hoạch phát triển hạ tầng trên cả nước. Bởi vì đặc thù của các dự án hạ tầng là cần nguồn vốn dài hạn, có thể kéo dài từ 20-30 năm. Nguồn vốn trung và ngắn hạn từ hệ thống ngân hàng khó có thể đáp ứng được nhu cầu này. Bên cạnh đó, ngân hàng đối mặt với nguy cơ mất cân đối cơ cấu kỳ hạn, cũng như nhiều dự án sau đó rơi vào đình trệ. 

Cùng với TP.HCM, Thủ tướng đã chủ trì lễ khởi công và khánh thành đồng loạt 80 công trình trọng điểm trên toàn quốc, đánh dấu cột mốc chưa từng có trong lịch sử phát triển hạ tầng quốc gia. Được biết, tổng vốn đầu tư các dự án này lên đến 445.000 tỉ đồng.

Tập đoàn Phát triển Hạ tầng Tư nhân (PIDG) tính toán, tổng số tiền phục vụ đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam từ nay đến năm 2040 sẽ vào khoảng 570 tỉ USD. Trong đó, Việt Nam có thể đáp ứng được 25-30 tỉ USD từ nguồn vốn ngân sách và các tổ chức tài chính trong nước. 

Theo đó, nhu cầu vay mượn hằng năm từ 5,8-6,8 tỉ USD, tương đương hơn 100 tỉ USD đến năm 2040. Với quy mô vốn cần huy động như trên, việc kêu gọi các nguồn vốn khác để đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông là vấn đề cấp bách.

So với các nước trong khu vực, quy mô thị trường vốn Việt Nam vẫn còn tương đối nhỏ, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Các sản phẩm tài chính đặc thù cho đầu tư hạ tầng như trái phiếu dự án với cấu trúc phức tạp còn chưa phát triển. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, khung pháp lý cho thị trường vốn, đặc biệt là các hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP) và huy động vốn cho hạ tầng, cần tiếp tục được hoàn thiện để tăng tính minh bạch và hấp dẫn nhà đầu tư. Ngoài ra, các yếu tố liên quan đến rủi ro dự án, tính minh bạch thông tin và cơ chế bảo vệ nhà đầu tư cần được củng cố để tăng cường niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường. 

Theo Ngân hàng HSBC, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của Việt Nam đứng đầu ASEAN, luôn chiếm hơn 6% GDP hằng năm. Điều đó cho thấy Việt Nam đã và đang tích cực tìm kiếm các nguồn thay thế chương trình vay ưu đãi. Bài học tại các nước như Malaysia và Singapore cho thấy, chính phủ đã lập các quỹ để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng bao gồm Quỹ Phát triển Giao thông đường bộ với các nguồn thu từ thuế xăng dầu, thuế đường cao tốc, sở hữu xe hơi... Thái Lan, Indonesia và Philippines cũng đã triển khai một số dự án cơ sở hạ tầng theo hình thức BOT với nhiều chính sách ưu đãi như thời gian hoạt động kinh doanh được kéo dài, thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm mạnh xuống mức tối thiểu trong giai đoạn đầu của dự án. 

Bà Chen Ding, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ CSOP (Hong Kong), chia sẻ kinh nghiệm việc Trung Quốc phát triển đa dạng các quỹ đầu tư để huy động vốn cho các dự án hạ tầng, điển hình như những dự án đường sắt có thể huy động vốn đa kênh sau khi Quỹ Phát triển đường sắt quốc gia ra mắt vào năm 2014. “Thị trường vốn sẽ giúp quốc gia xây dựng các công trình lớn”, bà Chen Ding cho biết.

Đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu có khoảng 5.000 km đường cao tốc, nâng cấp, cải tạo, bảo đảm an toàn chạy tàu các tuyến đường sắt. Riêng đường sắt tốc độ cao sẽ được triển khai đầu tư giai đoạn ưu tiên. Hệ thống 30 cảng hàng không với 14 cảng hàng không quốc tế cùng 16 cảng hàng không quốc nội sẽ hoàn thiện... Để hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ này, Việt Nam chủ trương đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, thủ tục liên quan đến đầu tư công được rút ngắn, doanh nghiệp lấy lại tiền đầu tư nhanh hơn, nên ngân hàng cũng có thể đẩy mạnh cho vay cơ sở hạ tầng nhiều hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh vốn tín dụng ngân hàng, việc huy động từ thị trường vốn thông qua cổ phiếu và trái phiếu là không thể thiếu. Đây là cách tiếp cận bền vững cho phát triển dài hạn. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết nghiên cứu ban hành quy định cho các loại quỹ mới như quỹ chỉ số, quỹ đầu tư thị trường tiền tệ, quỹ đầu tư trái phiếu hạ tầng; khuyến khích doanh nghiệp niêm yết, phát hành trái phiếu cho các dự án PPP, phát triển trái phiếu xanh và thị trường tín chỉ carbon; nâng hạn mức đầu tư của quỹ vào trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ lên 15-20% và mở rộng kênh phân phối chứng chỉ quỹ...

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư và Luật Đấu thầu có hiệu lực. Trong đó, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư với nhiều điểm mới như mở rộng quy mô dự án PPP, bãi bỏ quy mô vốn tối thiểu, cho phép thực hiện trở lại dự án BT... được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong thu hút khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án kết cấu hạ tầng, dịch vụ công.

Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng ADB tại Việt Nam, khẳng định, các thỏa thuận hợp đồng cần được xác định rõ ràng, trên cơ sở phân bổ rủi ro với chính phủ, với khu vực tư nhân, với các ngân hàng, là các nhà đầu tư vốn chủ sở hữu. Còn theo đại diện của PIDG, Việt Nam cần phát triển mạnh các cơ chế tài chính để thu hút và phân bổ hiệu quả nguồn vốn dài hạn vào những dự án hạ tầng bền vững có tính khả thi, huy động nguồn cung vốn ngày càng tăng từ các quỹ đầu tư tài chính quốc tế, hình thành những trung tâm tài chính quốc tế tầm cỡ.
 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới