Hội nghị Đầu tư 2025: Tích lũy & Quản lý Tài sản

Hội nghị Đầu tư 2025: Tích lũy & Quản lý Tài sản thu hút sự tham gia của nhiều nhà đầu tư. Ảnh: TL.
Năm 2025, kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều bất định, tăng trưởng chậm, rủi ro địa chính trị tăng cao, và cú sốc thuế quan đang làm đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam tuy giữ được ổn định vĩ mô, nhưng cũng chịu áp lực từ xuất khẩu chững lại, dòng vốn quốc tế thận trọng và chi phí tài chính leo thang.
Trong bối cảnh đó, việc quản lý tài sản một cách chuyên nghiệp, bài bản và bền vững, đang trở thành nhu cầu cấp thiết, không chỉ với doanh nghiệp hay giới đầu tư, mà cả với thế hệ trẻ đang tích lũy từ sớm.
Hội nghị Đầu tư 2025: Tích lũy & Quản lý Tài sản được Vietnam Business Review phối hợp cùng Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS) đồng tổ chức, với sự bảo trợ truyền thông của Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư. Và các đơn vị đồng hành: Ngân hàng số Cake by VPBank, Tập đoàn Công nghệ Tài chính MoMo, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, Chubb Life Việt Nam, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, Công ty Cổ phần Quản Lý Quỹ Phú Hưng và Khách sạn Pullman Sài Gòn Centre.
Xu hướng quản lý tài sản trên thế giới và Việt Nam
Ông Bùi Thành Trung, Phó Tổng Giám đốc, Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS) đã mở đầu Hội nghị với bài trình bày và chia sẻ về "Toàn cảnh Kinh tế Vĩ mô và Kết quả khảo sát: Thực trạng & Nhu cầu Quản lý Tài sản Cá nhân của người Việt Nam".
Đại diện của TVS cho hay, nhà đầu tư tại Mỹ và Singapore phân bổ hơn 30% tài sản vào cổ phiếu niêm yết, phản ánh niềm tin cao vào thị trường vốn và ưu tiên tính thanh khoản trong chiến lược tài sản.
Trong khi đó tại Việt Nam, người dân vẫn có xu hướng ưu tiên bất động sản (31%) và vàng (14%), cho thấy tâm lý chuộng tài sản hữu hình, thiên về “giữ tiền” thay vì tối ưu hóa lợi suất.
![]() |
Ông Bùi Thành Trung, Phó Tổng Giám đốc, Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS). Ảnh: TL |
Ông Trung cũng cho biết, tỉ trọng tài sản thay thế (Alternatives) tại Việt Nam đang dần gia tăng, nhờ sự quan tâm ngày càng lớn đến các kênh như: tranh, đồ cổ, đồng hồ, bộ sưu tập, rượu vang, phản ánh nhu cầu mới về các sản phẩm đầu tư đa dạng, hợp pháp và mang tính cá nhân hoá cao.
Tiếp nối phần trình bày của ông Trung, ông Trần Vinh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Thiên Việt (TVAM) đã đem đến góc nhìn mới lạ về “bàn cờ tài chính.
Chuyên gia của TVAM ví quản lý tài sản như một bàn cờ, trong đó mỗi quân cờ đại diện cho một loại tài sản với vai trò và chiến lược riêng.
Hành trình bắt đầu từ “Chủ Thành”, nguồn tạo dòng tiền ổn định như lương hoặc thu nhập từ kinh doanh. Dòng tiền này được luân chuyển qua “Trung Quân”, các tài sản thanh khoản cao như vàng, ngoại tệ, sổ tiết kiệm để sẵn sàng điều chuyển khi cần thiết.
![]() |
Ông Trần Vinh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Thiên Việt (TVAM) chia sẻ về bàn cờ tài chính. Ảnh: TL. |
Phần lớn tài sản được phân bổ vào “Trọng Binh” (55%), đây là nhóm tích sản bền vững như vàng, cổ phiếu bluechip, bất động sản đô thị, với kỳ vọng sinh lời 18%/năm trong 3-5 năm. Bên cạnh đó, “Tiên Phong” (30%) nắm bắt cơ hội ngắn hạn qua các quỹ đầu tư, kỳ vọng 25%/năm.
Cuối cùng là “Kỳ Binh” (10%), những khoản đầu tư dài hạn, tiềm năng lớn nhưng rủi ro cao như crypto, startup, hạ tầng với lợi nhuận kỳ vọng tới 40%/năm.
Mỗi quân cờ đều có vai trò riêng, nhưng chính sự phối hợp chiến lược giữa chúng mới tạo nên bàn cờ tài sản thành công.
Mối liên hệ tam giác: Tiêu dùng - Tiết kiệm - Đầu tư
Báo cáo của Knight Frank chỉ ra rằng, Việt Nam hiện có 5.459 cá nhân sở hữu tài sản ròng trên 10 triệu USD (không tính bất động sản nhà ở). Khi người Việt bắt đầu nghĩ xa hơn chuyện tiêu dùng, biết tiết kiệm có chiến lược và đầu tư một cách bài bản, cũng là lúc hành vi tài chính bước sang một trang mới.
Dưới sự dẫn dắt của bà Nguyễn Thanh Thảo, Tổng Giám đốc, Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS), các diễn giả đã đưa ra những góc nhìn sâu sắc về sự chuyển dịch hành vi tài chính cá nhân trong bối cảnh kinh tế - công nghệ hiện nay.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tự nhận mình thuộc Gen X nhưng có tâm hồn Gen Z, thích mua sắm online, lướt TikTok, Facebook, và đầu tư đa dạng (bất động sản, chứng khoán, chứng chỉ quỹ, bảo hiểm).
Ông cho rằng không hẳn là có sự đối lập rõ rệt giữa Gen X và Gen Z trong tiêu dùng, tiết kiệm, vay hay đầu tư, mà thực tế khoảng cách này đang ngày càng thu hẹp trong thế giới phẳng hiện nay.
Tuy nhiên, qua 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ, Đại diện ACB cho biết, họ vẫn nhận thấy những điểm cơ bản, Gen X mong muốn đầu tư ít rủi ro hơn, cơ bản hơn như bất động sản, chứng khoán truyền thống, và thường vay các khoản lớn để mua bất động sản.
![]() |
Phiên tọa đàm Mối liên hệ tam giác: Tiêu dùng - Tiết kiệm - Đầu tư. Ảnh: TL. |
Với tệp khách hàng chủ yếu là Gen Z, ông Đỗ Quang Thuận, Phó Tổng Giám đốc thường trực, Tập đoàn Công nghệ Tài chính MoMo cho rằng xu hướng tiêu dùng online đang ngày càng mạnh mẽ. Từ ăn uống đến đồ gia dụng, hành vi mua sắm đang dịch chuyển rất rõ rệt lên môi trường số.
Với người dùng trẻ, dù là mua sắm, xem phim trên Netflix, tải ứng dụng trên App Store hay sử dụng dịch vụ tài chính, thì tiêu chuẩn trải nghiệm là như nhau, đều phải là trải nghiệm ngay và nhanh chóng.
Theo ông Thuận, với người trẻ, nếu có khoản tiền nhàn rỗi khoảng 1 triệu đồng, họ sẵn sàng tối ưu nó, đơn giản vì tiện và đôi khi vì thấy nó giống như một trò chơi. Và chính tâm lý đó tạo nên một xu hướng rất khác.
Cùng góc nhìn dựa trên tệp khách hàng lớn, ông Nghiêm Xuân Huy, Nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Finhay, cho biết tệp khách hàng của Finhay có nhiều thế hệ Y, với độ tuổi trung vị là 32 (tức là khoảng sinh năm 1993). Hành vi của họ cho thấy “fix income” vẫn là sản phẩm được quan tâm nhiều nhất, dù Finhay cũng cung cấp cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và margin. Ông Huy nhấn mạnh rằng họ muốn "không mất tiền, có tiền sử dụng bất cứ lúc nào".
Trong khi đó, với góc nhìn là ngân hàng toàn cầu, bà Nguyễn Anh Viễn Phương, Giám đốc Khối Khách hàng Ưu tiên, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho hay, Việt Nam có điểm tương đồng (với các nước đang phát triển như Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan) khi so sánh về hành vi tiêu dùng tài chính.
Cụ thể, sự gia tăng mạnh mẽ của dân số có thu nhập tầm trung và cá nhân có tổng tài sản ròng cao, kéo theo nhu cầu tiêu dùng tăng nhanh; sự phổ biến của thẻ tín dụng và các khoản vay thế chấp, tín chấp. Cùng với đó, các nền tảng số và giao dịch trực tuyến cũng rất phát triển ở Việt Nam.
Trong khi điểm khác biệt (so với các nước phát triển như Hồng Kông, Singapore) là tại Việt Nam, người dân vẫn giữ tỉ trọng lớn tiền gửi tiết kiệm ngân hàng hoặc các kênh đầu tư truyền thống hơn như vàng, bất động sản. Các nước phát triển đã chuyển dịch sang các dịch vụ tài chính hiện đại hơn như cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán, và quỹ.
Theo bà Phương, kiến thức tài chính của người Việt Nam còn ở mức khiêm tốn (dưới 25%), trong khi ở các nước phát triển đạt 60-70% và được giáo dục từ trung học. Việt Nam vẫn còn khoảng cách đáng kể về hành vi tiêu dùng và đầu tư so với các nước phát triển. Tuy nhiên, bà Phương tin rằng với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, chúng ta sẽ sớm tiệm cận được các quốc gia phát triển.
Chiến lược tài chính ngắn, dài hạn và giải pháp bảo toàn tài sản bền vững
Khi tài sản không chỉ là đích đến mà trở thành công cụ để bảo vệ, sinh lời và truyền đời, tư duy tài chính buộc phải bước lên một tầng cao mới, nơi chiến lược không chỉ linh hoạt trước rủi ro, mà còn trường tồn qua những biến thiên của thời cuộc.
Phiên tọa đàm 2 được dẫn dắt bởi ông Nguyễn Duy Linh, Nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm CEO VPBankS. Với lối kể chuyện tự nhiên, ông mở ra hành trình tài chính cá nhân bằng hình ảnh của một người nổi tiếng, một người đã có đủ “ánh hào quang” nhưng vẫn chọn nghiêm túc đi tìm lời giải cho bài toán tài chính của chính mình. Từ hành trình đó, khán giả lần lượt được giới thiệu những nhân vật quan trọng: người cố vấn tài chính thấu hiểu tâm lý nhà đầu tư; tổ chức quản lý quỹ mang tầm nhìn dài hạn; công ty bảo hiểm trong vai trò “áo giáp” bảo vệ tài sản; và sau cùng là bức tranh lớn hơn, nơi đầu tư không còn là câu chuyện cá nhân, mà đã trở thành một phần cấu trúc của nền kinh tế hiện đại.
![]() |
Gần 500 khán giả đến với Hội nghị. Ảnh: TL. |
Hoa hậu đẹp nhất Châu Á 2009, Doanh nhân Trần Thị Hương Giang cho biết mình có hai dấu mốc quan trọng trong hành trình tài chính cá nhân. Lần đầu là khi đi vay ngân hàng, cô nhận ra có rất nhiều kiến thức mình không hiểu và không biết, dù tự nhận là khá nhanh nhạy. Đây là lần đầu tiên cô quan tâm đến tài chính cá nhân.
Thời điểm COVID-19 là dấu mốc lớn nhất trong việc quản lý tài sản của cô. Cô thừa nhận lúc đó đã rất lo lắng và hồi hộp về các khoản đầu tư của mình. Đặc biệt, những khoản đầu tư của cô nằm trong các ngành nhạy cảm như du lịch, ẩm thực, bất động sản, đều bị ảnh hưởng.
Sau những trải nghiệm của mình, cô nhấn mạnh rằng kinh doanh và đầu tư thể hiện rất rõ tính cách cá nhân. Bản thân cô là một người điển hình của phụ nữ, luôn ưu tiên an toàn và bền vững trước tiên. Cô cho rằng "mỗi một người sẽ có một khẩu vị đầu tư rất khác nhau". Khó khăn lớn nhất mà cô gặp phải là "hiểu mình muốn gì, mình cần gì". Sau khi hiểu rõ điều này, cô mới có thể đặt ra những câu hỏi đúng đắn tiếp theo.
Đại diện cho đơn vị tư vấn độc lập, ông Ngô Thành Huấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Tư vấn Đầu tư & Quản lý Tài sản FIDT nhấn mạnh rằng nhiều người Việt chưa được tiếp cận sự giáo dục bài bản về tài chính cá nhân. Ông dẫn chứng các khảo sát của Mastercard, Visa, hoặc Worldbank cho thấy điểm kiến thức tài chính của người Việt thường ở mức thấp. Ông Huấn kêu gọi một góc nhìn tổng thể về tài chính cá nhân bao gồm đầu tư, bảo vệ, thuế, và tín dụng, và quan trọng nhất là phải biết "mình muốn gì?" cho bản thân và người thân.
![]() |
Phiên tọa đàm: Chiến lược tài chính ngắn, dài hạn và giải pháp bảo toàn tài sản bền vững. Ảnh: TL. |
Ở góc nhìn dài hạn, bà Nguyễn Thị Thúy Sơn, Phó Tổng Giám đốc Khối Quản lý Tài sản, VinaCapital đã chia sẻ những quy tắc vàng về kế hoạch tài chính dài hạn và lợi ích của việc đầu tư sớm, và “bật mí” về công thức 70-20-10.
Theo bà Thúy Sơn, nhà đầu tư có thể phân bổ 70% tài sản cho các mục tiêu dài hạn (trên 5 đến 30 năm) như tích lũy tài sản, giáo dục, hưu trí hay thừa kế. Danh mục tập trung vào tăng trưởng, chấp nhận rủi ro cao hơn với kỳ vọng sinh lời lớn, bao gồm cổ phiếu, bất động sản, quỹ chỉ số và quỹ hưu trí.
20% hướng đến mục tiêu trung hạn (2 - 5 năm) với mục tiêu ổn định, rủi ro thấp, thanh khoản cao hơn, đáp ứng nhu cầu trung hạn như trả trước tiền mua nhà, chi phí giáo dục của con cái trong tương lai gần.
10% dành cho nhu cầu ngắn hạn (0 - 2 năm) dành cho quỹ khẩn cấp, các kế hoạch cần dùng ngân sách ngắn hạn, cần đảm bảo an toàn, như tài khoản tiết kiệm hoặc các sản phẩm thị trường tiền tệ.
Đưa ra một góc nhìn rất khác về bảo hiểm, ông Nguyễn Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Chubb Life Việt Nam cho biết bản thân nhận thấy rằng mọi người thường tập trung vào việc kiếm tiền và phát triển tài chính, nhưng lại quên đi khía cạnh phòng thủ hay bảo vệ. Ông nhấn mạnh rằng người tạo ra tài sản (chính bản thân mỗi người) cần được bảo vệ, chứ không chỉ tài sản.
Tổng Giám đốc Chubb Life Việt Nam cũng khẳng định không có sự cạnh tranh giữa bảo hiểm và các công ty quản lý quỹ hay ngân hàng, bởi vì bản chất của bảo hiểm là "bảo vệ". Thực tế, bảo hiểm đang hợp tác rất chặt chẽ với ngân hàng, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý tài sản (wealth management), nơi yếu tố bảo vệ là một cấu phần thiết yếu của danh mục tài sản.
Bên cạnh đó, các sản phẩm bảo hiểm hiện đại, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ liên kết đầu tư, không chỉ mang lại bảo vệ mà còn có khả năng tăng trưởng tài sản, thậm chí là "tăng trưởng thần kỳ".
Với góc nhìn vĩ mô, bà Trịnh Quỳnh Giao, Tổng Giám đốc, Công ty Quản lý Quỹ PVI (PVI AM) đã đặt câu hỏi về nguồn gốc của tiền tại ngân hàng, công ty quản lý quỹ và công ty bảo hiểm. Theo bà, việc trả lời câu hỏi này sẽ làm rõ cách mà sự phát triển tài chính cá nhân đóng góp vào thịnh vượng chung của quốc gia.
Theo bà Giao, ngay cả khi mỗi cá nhân tập trung làm giàu cho bản thân, họ vẫn đang đóng góp vào sự thịnh vượng chung của quốc gia. Lý do là khi các nguồn tiền cá nhân được quản lý một cách bài bản và chuyên nghiệp thông qua các định chế tài chính như ngân hàng, công ty quản lý quỹ, công ty bảo hiểm, những tổ chức này sẽ trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả của nền kinh tế đến các doanh nghiệp. Điều này giúp tập hợp các nguồn tiền cá nhân đang được phân tán vào thành một kênh chuyên nghiệp và đầu tư vào những nơi mà nền kinh tế đang cần.
Có thể thấy, từ việc tiêu dùng, tiết kiệm đến đầu tư, mỗi lựa chọn tài chính cá nhân không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sống của chính cá nhân, mà còn góp phần hình thành dòng chảy vốn lành mạnh cho nền kinh tế. Khi từng người dân quản lý tài chính hiệu quả, họ không chỉ tạo dựng sự ổn định cho bản thân, mà còn đóng góp vào sự thịnh vượng bền vững của quốc gia.
Có thể bạn quan tâm
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư

Tin cùng chuyên mục
-
Dung Vũ
-
Lam Hồng
-
Minh Phong
-
Nguyễn Trang - Song Thu
BVBank tích hợp đặt xe công nghệ vào Digimi: Một chạm, muôn tiện ích
-
Minh Phúc
-
Uyên Phương
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Phạm Việt Anh
-
Nguyễn Kim