Hủy
Tài Chính

Khi công ty chứng khoán đặt cược vào tài sản số

Hằng Thanh Thứ Ba | 01/04/2025 07:30

Tại Việt Nam, Chính phủ xác định đây là một trong những lĩnh vực mũi nhọn đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội. Ảnh: Shutterstock.com.

 
 
Thí điểm sàn giao dịch tài sản số là hướng đi phù hợp với xu hướng toàn cầu.

Năm 2022, Công ty chứng khoán SSI (SSI) thành lập công ty con với tên SSI Digital để đầu tư cho công nghệ, tài sản số và số hóa. Hơn 1 năm sau, vào tháng 1/2025, nền tảng SSI Digital Platform được thành lập với cam kết đầu tư ban đầu đến 200 triệu USD. Cùng lúc đó, tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, một tổ hợp công nghệ số và blockchain được khởi công trên diện tích 1,7 ha.

Có vẻ như ông chủ của công ty chứng khoán có vốn chủ sở hữu lớn nhất thị trường, ông Nguyễn Duy Hưng, đặt cược lớn vào tài sản số, một hướng đi hoàn toàn khác so với phần lớn đối thủ.

Báo cáo mới của Consensus cho thấy tỉ lệ áp dụng tài sản kỹ thuật số tại châu Á - Thái Bình Dương (APAC) đạt 22% vào năm 2024, gần gấp 3 lần mức trung bình toàn cầu là 7,8%. Hiện tượng này được thúc đẩy bởi sự tương tác giữa các môi trường pháp lý đang phát triển, mối quan tâm đầu cơ, tiện ích thực tế và niềm tin sâu sắc vào tiềm năng tương lai của tài sản kỹ thuật số.

 

Theo Consensus, Thái Lan là quốc gia đứng đầu APAC về tỉ lệ áp dụng tài sản kỹ thuật số, ở mức 44%, tiếp theo là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ấn Độ và Philippines. Hơn 1/2 số người được khảo sát tin rằng tài sản kỹ thuật số sẽ được sử dụng cho các mục đích hằng ngày, cũng như giúp thúc đẩy hòa nhập tài chính trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, Chính phủ xác định đây là một trong những lĩnh vực mũi nhọn đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội. Trong tháng 3, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ ban hành Nghị quyết cho phép thí điểm đưa vào xây dựng, vận hành sàn giao dịch tiền số, tiền ảo và tài sản ảo, từ đây mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng cần có khung pháp lý phù hợp.

Trong một cuộc phỏng vấn với NCĐT, ông Joseph Lubin, đồng sáng lập kiêm CEO Consensys, cho rằng sự giao thoa giữa blockchain và A.I là lĩnh vực nổi bật, đã thu hút hơn 8 tỉ USD vốn đầu tư, tăng gấp đôi so với năm 2023. “Mặc dù vẫn còn ở giai đoạn đầu tại thị trường Việt Nam, những phát triển này đang dẫn đầu và chúng tôi tin rằng chúng sẽ trở thành phương tiện chính giúp người dùng tương tác với blockchain trong tương lai”, ông Joseph Lubin bình luận.

 

Một xu hướng quan trọng khác là nhận thức và việc áp dụng các quỹ ETF Ethereum và Bitcoin ngày càng tăng sau khi được phê duyệt tại Mỹ vào năm 2024 và dần trở nên phổ biến tại các nước. Mặc dù Việt Nam chưa có quỹ ETF Bitcoin và Ethereum nào, nhưng mức độ nhận thức cao của người Việt về các quỹ này cho thấy tiềm năng đáng kể cho việc chấp nhận loại hình đầu tư nói trên trong tương lai.

Trong một chuyến thăm Khu công nghệ cao Hòa Lạc, ông Nguyễn Duy Hưng được một lãnh đạo thuyết phục về việc định chế tài chính của ông hỗ trợ những doanh nghiệp và người trẻ mong muốn phát triển trong lĩnh vực công nghệ và blockchain. “Không hiểu sao mình lại nhận lời ngay lập tức. Nhận lời rồi thì mình phải làm”, Chủ tịch SSI chia sẻ tại diễn đàn Tài sản số được SSI Digital tổ chức vào năm 2024. Đó là khởi đầu của SSI Digital, một đơn vị được khẳng định sẽ hoạt động độc lập với SSI.

Với cam kết đầu tư lên đến 200 triệu USD và kế hoạch đồng đầu tư với tổng giá trị đạt 500 triệu USD, sự ra đời của SSI Digital Ventures đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ số và blockchain. Thực tế, ngoài chính sách cởi mở thì dòng vốn lành mạnh chảy vào thị trường bởi vốn là điều cần thiết cho giai đoạn xây dựng hệ sinh thái của các công ty blockchain.

“SSI Digital Ventures không chỉ đơn thuần là một nền tảng cung cấp vốn, mà còn là bệ phóng toàn diện cho các startup trong lĩnh vực blockchain và A.I”, bà Nguyễn Ngọc Anh, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI (SSIAM), đơn vị quản lý nền tảng, bình luận với NCĐT.  Dự kiến nền tảng giải ngân từ quý II/2025.

Bối cảnh pháp lý đối với tài sản kỹ thuật số ở APAC đang phát triển nhanh chóng, với Singapore, Hong Kong và Nhật đi đầu trong việc thiết lập khuôn khổ rõ ràng để thúc đẩy đổi mới, đồng thời bảo vệ các nhà đầu tư. Ví dụ, Nhật đã có khuôn khổ quản lý đối với tài sản tiền điện tử từ năm 2017, với những sửa đổi đáng kể được thực hiện vào năm 2019.

Việt Nam luôn nằm trong nhóm dẫn đầu thế giới về mức độ tiếp nhận và sở hữu tài sản số. Theo báo cáo của TripA, có khoảng 17 triệu người Việt Nam sở hữu tài sản mã hóa, chiếm 17% dân số, xếp thứ 5 toàn cầu. Theo ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), số liệu này phản ánh rõ sự tồn tại của một “nền kinh tế ngầm” đáng kể, đòi hỏi các chính sách hợp lý để hợp thức hóa, quản lý và đưa vào nền kinh tế chính thống.

“Chúng tôi nhận thấy đây là cơ hội quan trọng để hỗ trợ các bên liên quan xây dựng một hệ sinh thái tài sản số minh bạch, an toàn và bền vững”, đại diện của SSIAM kỳ vọng việc họ có thể trở thành người thí điểm (sandbox) để thúc đẩy một thị trường giao dịch tài sản số lành mạnh. 

Có thể bạn quan tâm 

Lực đẩy ngân hàng bán lẻ


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới