Khởi đầu năm 2021, chính thức giao dịch lô chẵn trên sàn HOSE
Hình ảnh Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE). Ảnh: Wiki.
Căn cứ kết quả thử nghiệm giữa Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) và các Công ty Chứng khoán, đại diện HOSE cho biết tất cả các Công ty Chứng khoán đã sẵn sàng cho việc triển khai điều chỉnh đơn vị giao dịch lô chẵn.
Được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đã có Quyết định số 894/QĐ-SGDHCM ngày 30.12.2020 về việc sửa đổi Quy định về thời gian giao dịch, biên độ giao động giá, đơn vị giao dịch, loại lệnh áp dụng tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM.
Theo đó, đơn vị giao dịch lô chẵn áp dụng tại sàn HOSE sẽ là 100 (một trăm) cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng, chứng chỉ ETF và chứng quyền. Thời gian chính thức áp dụng quy định bắt đầu từ ngày thứ Hai, ngày 4.1.2021.
Đứng trên phương diện nhà đầu tư, đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất khi có quy định tăng đơn vị giao dịch lô chẵn từ 10 chứng khoán lên 100 chứng khoán là nhà đầu tư nhỏ lẻ và nhà đầu tư mới tham gia thị trường.
Giá trị giao dịch bình quân trên sàn HOSE tăng mạnh trong năm 2020. |
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), do giới hạn về vốn và hạn chế về kinh nghiệm đầu tư, những nhà đầu tư mới sẽ bị gia tăng áp lực khi lựa chọn cổ phiếu thích hợp để đầu tư. Điều đó có thể dẫn đến tâm lý dè chừng của họ khi tham gia vào thị trường.
Ngoài ra, VDSC cho rằng sự thay đổi này cũng tác động đến việc giao dịch lô lẻ trên thị trường. Hiện nay, HOSE không cho phép dặt lệnh lô lẻ trên hệ thống giao dịch của Sở, nhà đầu tư phải bán phần chứng khoán lẻ này cho các công ty chứng khoán với giá thấp hơn giá thị trường. Việc tăng đơn vị giao dịch lô chẵn sẽ dẫn đến gia tăng số lượng cổ phiếu lô lẻ, giảm giá trị và tính thanh khoản của phần cổ phiếu sẽ trở thành lô lẻ.
Trong những phiên giao dịch của tháng 12, thanh khoản trên thị trường luôn ở mức cao. Giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân trên sàn HOSE (18-31.12) đạt hơn 11.000 tỉ đồng/phiên. Và khi thanh khoản được đẩy lên mức quá cao thì nhà đầu tư thường chứng kiến hiện tượng nghẽn lệnh ở sàn HOSE.
Do vậy, việc tăng lô tối thiểu cũng nhằm mục đích giảm tải áp lực cho hệ thống, đồng thời giảm rủi ro nghẽn lệnh cho nhà đầu tư.
* Có thể bạn quan tâm
►20 triệu đồng vẫn chưa mua được cổ phiếu mắc nhất sàn HOSE
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư