Lãi đẹp vẫn lo nợ xấu
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nợ xấu và nợ xấu tiềm ẩn đã và đang tăng lênẢnh: Quý Hòa
Từ đầu năm đến nay, nợ xấu và nợ xấu tiềm ẩn đã và đang tăng lên, nguyên nhân là do đại dịch COVID-19 đã tác động đến năng lực trả nợ của doanh nghiệp và hộ gia đình. Với diễn biến dịch bệnh khó lường, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp tiếp tục gặp khó thì đương nhiên sẽ đẩy nợ xấu của ngành ngân hàng tăng lên cao.
Nợ xấu tăng nhanh
Theo thống kê, 3 ngân hàng thương mại nhà nước đều cho thấy nợ xấu tăng đáng kể về giá trị, nhất là Vietcombank và VietinBank. Cụ thể, tổng nợ xấu của Vietcombank tăng 11% so với đầu năm nay, khiến tỉ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 0,79% lên 0,83%. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ đều tăng gần 60%. Đáng chú ý, riêng nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) của Vietcombank tăng mạnh lên gần 7.725 tỉ đồng, gấp 3 lần con số cuối năm trước.
Tại VietinBank, tổng nợ xấu tính đến 30.6.2020 tăng đến 48% so với đầu năm, đưa tỉ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay nhích từ 1,16% lên 1,7%. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh 250% và nợ nghi ngờ tăng 84%. Nhẹ nhất là trường hợp của ngân hàng có quy mô lớn nhất là BIDV khi tổng nợ xấu chỉ tăng 17% so với đầu năm, đưa tỉ lệ nợ xấu trên dư nợ vay từ mức 1,75% đầu năm lên 2% cuối quý II. Trong đó, các nhóm nợ chỉ tăng từ 10-21%.
Các ngân hàng tầm trung như ACB, TPBank, VIB đều có mức tăng nợ xấu trung bình từ 20-30%, riêng MBB báo cáo tổng nợ xấu tính đến cuối quý II là hơn 4.000 tỉ đồng, tăng 38%. Điều đặc biệt là ở các ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu vốn cao hơn mức trung bình ngành hồi cuối năm ngoái như Eximbank (1,71%), OCB (1,84%), Sacombank (1,94%), thì có nợ xấu tăng khá thấp, chỉ từ 12-17%. Riêng Kienlongbank có tổng nợ xấu đến hết quý II/2020 gấp 6,6 lần so với đầu năm, trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) gấp 9 lần đầu năm.
Tuy nợ từ nhóm 2 trở đi tăng nhưng các ngân ngân hàng đã đẩy mạnh tăng trích lập dự phòng. Một con số dùng để đo tỉ lệ trích lập dự phòng cho các nhóm nợ từ nhóm 3 trở đi là tỉ lệ bao nợ xấu (LLR).
Theo bà Trần Thị Khánh Hiền, quyền Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDirect, nợ xấu trung bình các ngân hàng niêm yết đang tăng lên, từ mức 1,4% cuối năm 2019 lên mức 1,6% cuối quý II/2020.
Theo đó, hầu hết các ngân hàng niêm yết đều chủ động tăng trích lập dự phòng, tăng LLR, nhằm chuẩn bị cho tình huống xấu khi nợ xấu phát sinh trong các quý tiếp theo. LLR trung bình các ngân hàng đã tăng từ mức 90,7% cuối năm 2019 lên mức 92,6% cuối quý II/2020.
Trong đó, ACB và Vietcombank là 2 ngân hàng có LLR cao nhất (144,1% và 254,5%). Hay như một số ngân hàng chủ động tăng trích lập dự phòng giúp cải thiện chất lượng tài sản như Techcombank với tỉ lệ LLR đạt 108,6%. Các ngân hàng hầu như đều chủ động trích lập dự phòng mạnh tay trong nửa đầu năm nay, đa phần đều tương đương hoặc gấp nhiều lần mức tăng tín dụng. Ví dụ, Vietcombank tăng dự phòng tới 58% so với đầu năm, BIDV (+26%), VIB (29%), HDB và ACB (+10%).
Thận trọng cuối năm
Ngoài ra, các ngân hàng đang tích cực rao bán, đấu giá tài sản nợ từ bất động, xe cộ đến cả... lò vi sóng để xử lý bớt khoản nợ xấu. Tài sản được rao bán với giá trị từ vài tỉ đồng đến hàng trăm tỉ đồng. Theo chia sẻ từ một cán bộ cấp cao của một ngân hàng thương mại nhà nước, nhiều tài sản nợ được đem đấu giá của ngân hàng này, đặc biệt bất động sản và ô tô đều có người mua tốt, và ở nhiều ngân hàng khác cũng vậy. Không có tỉ lệ chính thức nhưng tỉ lệ bán thành công cũng không phải thấp.
Việc thanh lý tài sản thế chấp có lẽ phụ thuộc nhiều vào thị trường bất động sản. Tuy nhiên, một điểm tích cực là thanh khoản thị trường bất động sản quý II vừa qua đã có tín hiệu khởi sắc, do đó việc rao bán các tài sản nợ của ngân hàng với giá thấp hơn đến 20% giá thị trường cũng khá khả thi.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng về tình hình bất động sản quý II/2020, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền chuyển nhượng, tổng hợp từ 54/63 Ủy ban Nhân dân cho thấy, có 29.674 giao dịch bất động sản thành công, tại từng tỉnh tăng khoảng 30-40% so với quý I. Riêng tại Hà Nội có 1.354 giao dịch thành công (bằng 116% quý I), tại TP.HCM có 3.958 giao dịch thành công (bằng 140,6% quý I).
Hơn nữa, tình hình cũng chưa quá tệ khi vẫn có một số ngân hàng có nợ xấu giảm, đây là những ngân hàng có mức nợ xấu khá cao hồi đầu năm như VPBank, SeABank. Cụ thể, đến hết tháng 6, tổng nợ xấu của VPBank giảm 2% so với đầu năm, khiến tỉ lệ nợ xấu giảm từ 3,42% xuống mức 3,19%. Tương tự, tổng nợ xấu của SeABank 6 tháng đầu năm giảm 4% so với đầu năm, chỉ còn 2.190 tỉ đồng. Theo đó, tỉ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của SeABank giảm từ mức 2,31% hồi đầu năm xuống còn 2,23%.
Hiện tại, do tác động của Thông tư 01/2020/NHNN, các ngân hàng được phép khoanh nợ, không chuyển nhóm nợ nên các con số trên báo cáo tài chính quý II chưa phản ánh đủ thực trạng nợ xấu. Cái nhìn thấy rõ nhất là việc vài ngân hàng đang đẩy mạnh rao bán tài sản xử lý nợ. Tuy nhiên, vẫn chưa thể kết luận được đó là do ngân hàng đẩy mạnh xử lý do lo ngại hay do tranh thủ sự ấm lại của thị trường bất động sản.
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Toàn quốc Khối Kinh doanh tiền tệ và Thị trường vốn của Ngân hàng HSBC Việt Nam, nhận định, Thông tư 01/2020/TT-NHNN cho phép các ngân hàng cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng. Các ngân hàng được phép cho khách hàng kéo dài thời gian trả nợ đến hết tháng 9.2020. Do đó, nợ xấu của ngân hàng được dự báo sẽ tăng do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa phản ánh được, bởi các doanh nghiệp đang được cơ cấu lại nợ và giãn thời gian trả các khoản vay.
Chuyên gia ngân hàng, Tiến sĩ Cấn Văn Lực dự báo, đến cuối năm 2020, tỉ lệ nợ xấu nội bảng sẽ vào khoảng 4%, cao gấp đôi so với cuối năm ngoái. Nợ xấu cộng gộp gồm: nợ xấu nội bảng, nợ xấu bán cho công ty mua bán nợ VAMC và nợ xấu tiềm ẩn khác, cuối năm nay sẽ là 6% tổng dư nợ, cao gấp rưỡi so với
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư