Lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong quý IV
Theo KBSV, tỉ giá sẽ không quá áp lực khiến Ngân hàng Nhà nước phải bán ra dự trữ ngoại hối. Ảnh: TL.
Cụ thể, KBSV dự báo lãi suất huy động sẽ đi ngang từ nay đến cuối năm, với mức lãi suất huy động bình quân 12 tháng của các ngân hàng quanh mức 5,45%, giảm 2,8% so với đầu năm. Lãi suất cho vay đã giảm nhanh hơn trong giai đoạn quý III/2023 do các nguồn huy động chi phí cao đáo hạn. Tuy nhiên tình trạng nợ xấu tăng nhẹ trong quý III, cùng với việc Ngân hàng Nhà nước giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 34% xuống 30%, và áp lực từ lạm phát, tỉ giá gây cản trở đà giảm có thể tiếp tục xa hơn. KBSV dự báo lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm 0,25% trong quý IV/2023 và giảm 1,75%-2,25% so với đầu năm.
Các yếu tố hỗ trợ đà giảm lãi suất
Theo KBSV, các chính sách nới lỏng có độ trễ tiếp tục là động lực lớn nhất cho đà giảm của lãi suất. Do các khoản huy động của hệ thống ngân hàng phần lớn từ tiền gửi khách hàng (chiếm tỉ trọng khoảng 70%-80%) có kỳ hạn chủ yếu từ 6 -12 tháng khiến cho chi phí vốn nửa đầu năm của ngân hàng vẫn ở mức cao. Vì vậy, khi các khoản tiền gửi này đáo hạn sẽ làm giảm tỉ lệ chi phí huy động vốn (COF) của hệ thống, qua đó tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay.
Thứ hai, tăng trưởng tín dụng đã có cải thiện gần đây nhưng vẫn ở mức thấp so với mục tiêu 14% -15%. Dư địa cho vay còn lớn khi LDR (tỉ lệ dư tín dụng trên số vốn huy động của ngân hàng) toàn hệ thống đạt 76,7% tính đến tháng 8, trong khi tăng trưởng tín dụng còn cách xa chỉ tiêu được giao sẽ là động lực cho việc giảm lãi suất cho vay.
Cuối cùng, KBSV cho rằng Thông tư 06/2023 cho phép khách hàng vay để đảo nợ. Thông tư 06 được thi hành từ 1/9 đã thúc đẩy các ngân hàng triển khai các chương trình ưu đãi nhằm đạt chỉ tiêu tín dụng đã được giao, từ đó làm giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, KBSV cho rằng tác động của Thông tư 06 sẽ cần thời gian để minh chứng vì câu chuyện cho vay để đảo nợ được đánh giá là không dễ dàng và nhiều thủ tục đi kèm khoản phí phạt trả nợ trước hạn lớn.
Các yếu tố cản trở đà giảm lãi suất
Đầu tiên là áp lực lạm phát. KBSV cho rằng mặc dù dường như mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% có thể đạt được một cách thuận lợi, nhưng việc tốc độ tăng ngày một nhanh trong các tháng gần đây đang nhắc nhở các nhà điều hành không được chủ quan với lạm phát. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhận định: “Nếu xu hướng lạm phát bùng lên, thì chính sách tiền tệ có nhiệm vụ phòng ngừa, chuẩn bị xu hướng thắt chặt”.
Thứ hai là áp lực tỉ giá. “Áp lực tỉ giá trong giai đoạn cuối năm vẫn lớn do (1) chênh lệch lãi suất USD và VND vẫn duy trì ở mức cao; (2) xu hướng mạnh lên của đồng USD vẫn tiếp tục duy trì và (3) nền kinh tế phục hồi kéo theo nhu cầu nhập khẩu tăng”, KBSV nhận định.
Thứ ba là áp lực về thanh khoản. Tổ chức này cho rằng trong kịch bản tỉ giá không sớm hạ nhiệt, việc Ngân hàng Nhà nước duy trì hút tín phiếu với khối lượng tăng dần, có thể kết hợp với các động thái bán forward/spot (kỳ hạn - giao ngay) dự trữ ngoại hối, sẽ khiến thanh khoản hệ thống ngân hàng bớt dồi dào và lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại. Điều này sẽ khiến gia tăng chi phí huy động vốn ở thị trường 2, đặc biệt với các ngân hàng vừa và nhỏ có trạng thái thanh khoản không quá dồi dào. Điều này khiến các ngân hàng vừa và nhỏ khó giảm lãi suất và trong kịch bản tiêu cực có thể khiến lãi suất huy động ở các ngân hàng này tăng nhẹ trở lại.
Tuy nhiên, đối với kịch bản cơ sở, KBSV không cho rằng trạng thái thanh khoản hệ thống các tháng cuối năm sẽ căng thẳng mặc dù lãi suất liên ngân hàng sẽ chỉ tăng nhẹ, khi mà :1) đầu tư công đang được đẩy nhanh giúp khoản tiền kho bạc gửi tại Ngân hàng Nhà nước được giải phóng và chảy vào kênh huy động; 2) tỉ giá sẽ không quá áp lực khiến Ngân hàng Nhà nước phải bán ra dự trữ ngoại hối, dù việc hút tín phiếu sẽ được duy trì cho đến khi tỉ giá hạ nhiệt rõ nét.
Có thể bạn quan tâm
Những điểm sáng trong bức tranh quý IV của các doanh nghiệp
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư