Hủy
Tài Chính

Lãi suất tiết kiệm giảm, chứng khoán lại hấp dẫn

Kim Anh Thứ Năm | 09/11/2023 17:21

Số liệu thống kê của NCĐT cho thấy, mức lãi suất đối với tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng, nhận lãi cuối kỳ tại các ngân hàng hiện nay duy trì ở mức khá thấp. Ảnh: QH.

 
 
Kênh đầu tư chứng khoán lại trở nên hấp dẫn khi mặt bằng lãi suất tiết kiệm ở mức khá thấp.

Thông thường, khi mặt bằng lãi suất ở mức thấp, nhà đầu tư sẽ có xu hướng tìm đến các kênh đầu tư khác nhằm tránh sự bào mòn của lạm phát. Trong đó, kênh đầu tư chứng khoán cũng là một lựa chọn được nhiều nhà đầu tư ưa thích.   

 

Số liệu thống kê của NCĐT cho thấy, mức lãi suất đối với tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng, nhận lãi cuối kỳ tại các ngân hàng hiện nay duy trì ở mức khá thấp. Các ngân hàng quốc doanh như BIDV, Vietcombank, Vietinbank và Agribank duy trì mức lãi suất từ 5,1-5,3%. Trong khi đó tại các ngân hàng thương mại khác như ACB, ABBank mức này chỉ quanh mốc 4,6 - 4,7%/năm. Cá biệt, ngân hàng Hong Leong Bank niêm yết mức lãi suất tiết kiệm chỉ ở mức 3,5%/năm. 

Theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), rủi ro giảm sâu của thị trường sẽ được hạn chế bởi lợi suất hấp dẫn của thị trường chứng khoán và xu hướng tăng của dòng tiền nhà đầu tư cá nhân vào thị trường chứng khoán. 

Dữ liệu từ VDSC, định giá P/E của VN-Index hiện đạt 13,3x trong khi của VN30 chỉ là 10,6x (lợi nhuận sau thuế 12 tháng trong hệ số P/E đã phản ánh kết quả kinh doanh quý III tại ngày 3/11/2023), hàm ý lợi suất 1 năm đối với VN-Index và VN30 lần lượt là 7,5% và 9,4%.  

“Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng dao động từ 5,1%-5,5%, chúng tôi tin rằng kênh đầu tư chứng khoán vẫn giữ được tính hấp dẫn tương đối của mình và tiếp tục thu hút một phần dòng tiền gửi tiết kiệm hưởng lãi suất cao cuối năm 2022 (các khoản tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng vào thời điểm này chuẩn bị đáo hạn nhiều từ này tới cuối năm nay)”, VDSC nhận định.  

 

Tính tới cuối quý III/2023, quy mô tiền gửi của nhà đầu tư tại công ty chứng khoán vẫn giữ được xu hướng tăng kể từ cuối năm ngoái, hiện đạt khoảng 78.000 tỉ đồng, phù hợp với kỳ vọng trước đó của VDSC.  

Theo VDSC, quý III kém khả quan cùng những quan ngại về rủi ro mất khả năng thanh toán của các doanh nghiệp lớn đã khiến mọi thành quả tăng điểm trong giai đoạn đầu năm bị lấy đi hoàn toàn. Không chỉ trong xu hướng giảm điểm của thị trường chứng khoán thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường giảm mạnh nhất.   

“Kết quả kinh doanh quý III tiêu cực không nằm ngoài kỳ vọng của chúng tôi. Trong khi đó, các sự kiện tạo nên mối quan ngại về rủi ro mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp đã tạo nên sự điều chỉnh sâu của thị trường, đưa định giá P/E hiện tại toàn thị trường về mức 12,8 lần. Có một sự đồng thuận trong quan điểm của các chuyên viên phân tích của chúng tôi rằng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ phục hồi khả quan hơn trong quý IV/2023. Và như vậy, nhịp giảm điểm trong tháng 10 đã đưa P/E dự phóng cả năm 2023 chỉ còn 10,8 lần. Đây là mức P/E mà nếu nhà đầu tư mua và nắm giữ cho khung thời gian hai năm, hiệu suất đầu tư sẽ rất cao”, Báo cáo của VDSC viết.  

Có thể bạn quan tâm 

Đánh thức triệu tỉ đồng tiết kiệm


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới