Lực đẩy IPO công nghệ cho VN-Index

Ảnh: Shutterstocks
Tăng cơ hội gọi vốn cho các startup tiềm năng, đồng thời tăng rổ hàng công nghệ cho VN-Index.
Tại Đại hội đồng cổ đông mới đây, chia sẻ về các mảng kinh doanh ngân hàng đầu tư của công ty chứng khoán, ông Tô Hải, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Vietcap (VCI), nói rằng, có 2 mảng chính mang lại lợi nhuận cho công ty chứng khoán là IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) và mua bán - sáp nhập (M&A). 2 năm qua, 2 mảng này không có chuyển biến nhiều không chỉ tại Việt Nam mà cả thị trường Đông Nam Á; chỉ có vài thương vụ lớn nhưng so với quá khứ, giá trị không quá lớn. “Dù vậy, các thương vụ IPO này cũng cho thấy những tín hiệu tích cực. Tôi mong luật nới lỏng để IPO nhiều hơn, kỳ vọng cuối năm nay sẽ hồi phục trở lại”, ông Hải nói.
![]() |
Mong muốn của lãnh đạo Vietcap trùng với chủ đề của Hội nghị “Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam”. Tại đây, ông Don Lam, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital, cho biết trong 5 năm gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam không có thương vụ IPO quy mô lớn. Từ năm 2019 đến nay, quy mô các thương vụ IPO chỉ dao động từ 15-70 triệu USD/năm, trong khi trước đó tổng giá trị IPO hằng năm đạt từ 500 triệu USD đến 2,6 tỉ USD. “Không có thương vụ IPO lớn kể từ năm 2019 thường được các nhà đầu tư nước ngoài viện dẫn cho lý do ít quan tâm đến thị trường chứng khoán Việt Nam”, ông Don Lam nói.
Thống kê của FiinGroup cho thấy tỉ trọng giao dịch bởi các nhà đầu tư quốc tế trên thị trường Việt Nam đã giảm trong những năm gần đây, từ đỉnh điểm năm 2018 chiếm 30% xuống chỉ còn 14,8% năm 2022. Tỉ trọng như vậy là nhỏ so với các thị trường khác trong khối ASEAN-5, khi nhà đầu tư quốc tế thực hiện trên 40% tổng giao dịch.
Thiếu hàng hóa chất lượng là vấn đề lớn của chứng khoán Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn ngoại, cũng như tính hấp dẫn của thị trường này khi cơ hội nâng hạng thị trường đang đến gần. Các mã chứng khoán chủ yếu xoay quanh một số doanh nghiệp quen thuộc như Vingroup, Hòa Phát, Vinamilk, FPT, MSN... và ít có sự xuất hiện của các tập đoàn tư nhân lớn mới. Đặc biệt, rổ hàng hóa thiếu vắng các công ty công nghệ tiềm năng trong bối cảnh Việt Nam được định hướng trở thành nền kinh tế số với nhiều tham vọng trong các xu hướng công nghệ như tài sản số, trí tuệ nhân tạo, robot, sản xuất chip...
Viễn cảnh tích cực từng giúp cổ phiếu công nghệ tăng điểm ngoạn mục trong năm 2024, nổi bật là cổ phiếu FPT (+82%) và VGI của Viettel Global (+256%). Ngoài ra, phải kể đến một số cổ phiếu khác như CTR (+43%), FOX (+80,2%), CMG (+25,3%), ELC (+29,2%)...
![]() |
Tuy nhiên, những “hạt mầm” cổ phiếu công nghệ mới của Việt Nam gặp khó khăn trong việc gọi vốn đầu tư thông qua IPO. Hiện nay, trên thị trường, các công ty khởi nghiệp có tiềm năng lớn như MoMo, VNPAY, Sky Mavis đều chưa thể niêm yết trong nước mà phải tìm cách huy động vốn từ quỹ đầu tư tư nhân hoặc đăng ký ở nước ngoài. Thị trường chứng kiến làn sóng các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ có xu hướng thành lập công ty ở nước ngoài để huy động vốn thuận lợi hơn như Tiki, Base, Cốc Cốc hay Topica...
Ông Il-Dong Kwon, CEO Boston Consulting Group Việt Nam, nhận định: “Hiện Việt Nam có 4 kỳ lân, nhưng bên cạnh đó, cũng có những thế hệ startup có thể sớm trở thành kỳ lân. Yếu tố cốt lõi là vốn, tạo đòn bẩy trên thị trường vốn. Cần lưu ý rằng, vốn không chỉ là huy động đủ vốn, mà còn là thị trường có tính thanh khoản cao, tạo cơ hội thoái vốn hấp dẫn”.
Các quy định về IPO được đánh giá là khó khăn, thậm chí là hàng rào kỹ thuật không thể vượt qua đối với các công ty khởi nghiệp công nghệ. Theo quy định của Luật Chứng khoán, doanh nghiệp muốn IPO nhằm mục đích niêm yết trên sàn chứng khoán phải đáp ứng điều kiện hoạt động kinh doanh của 2 năm liền trước năm IPO, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán.
Việc thị trường chứng khoán không có nhiều gương mặt mới lên sàn đang làm giảm sức hấp dẫn, dù thị trường có không ít điểm tích cực như tổng giá trị niêm yết, vốn hóa và dòng tiền đổ vào thị trường không ngừng tăng. Với khoảng 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (trong đó, có 4 kỳ lân và 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD), Việt Nam đang đứng thứ 31 toàn cầu về số lượng startup. Đây là rổ hàng hóa tiềm năng cho thị trường chứng khoán nếu những doanh nghiệp này được IPO và sau đó niêm yết thành công.
Trước viễn cảnh này, nhiều chuyên gia cũng đưa ra đề xuất nới lỏng hoặc điều chỉnh điều kiện niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) hoặc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) theo hướng linh hoạt hơn. Qua đó, không chỉ giúp các doanh nghiệp fintech Việt có cơ hội IPO mà còn mở ra cánh cửa để Việt Nam khẳng định vị thế là trung tâm công nghệ mới của khu vực.
Những đề xuất này được đưa ra vào thời điểm Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang kiến nghị nới lỏng điều kiện giúp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thuận lợi hơn trong việc IPO tại thị trường Việt Nam. Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng làn sóng IPO và niêm yết lên sàn chứng khoán sẽ là chất xúc tác mạnh thu hút dòng vốn ngoại quay trở lại, bên cạnh các yếu tố thường được nhắc đến như nâng hạng, triển khai KRX và làn sóng FDI.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
