Hủy
Tài Chính

Margin lên đỉnh 5 tỉ USD

Vũ Hoài Thứ Ba | 08/03/2022 07:30

Giao dịch ký quỹ (margin) là giao dịch người mua sử dụng tiền vay của các công ty chứng khoán để gia tăng sức mua. Ảnh: Quý Hoà.

 
 
Dư nợ cho vay ký quỹ của 10 công ty chứng khoán lớn nhất thị trường cán mốc hơn 5 tỉ USD, gấp hơn 2 lần năm 2020.

Giao dịch ký quỹ (margin) là giao dịch người mua sử dụng tiền vay của các công ty chứng khoán để gia tăng sức mua. Trong đó, tài sản đảm bảo cho các khoản vay này là số lượng cổ phiếu mà nhà đầu tư đang nắm giữ. Tùy thuộc vào từng mã cổ phiếu cụ thể và chính sách của các công ty chứng khoán mà tỉ lệ margin được cấp sẽ khác nhau. Trong giao dịch này, vì tài sản đảm bảo là cổ phiếu nên sẽ có sự thay đổi theo thị trường. Chính vì thế, việc sử dụng đòn bẩy tài chính vốn dĩ được xem là “con dao hai lưỡi”, là chìa khóa giúp nhà đầu tư gia tăng lợi nhuận, nhưng cũng là “tội đồ” khiến nhà đầu tư thua lỗ nặng nề hơn.

Với những nhà đầu tư tài chính, “call margin” có lẽ là nỗi ám ảnh lớn nhất, bởi cổ phiếu của nhà đầu tư sẽ bị bán giải chấp khi thị trường giảm để đưa tỉ lệ nợ vay về đúng với tỉ lệ công ty chứng khoán quy định. Có lẽ vì thế, con số về dư nợ cho vay của các công ty chứng khoán luôn được giới đầu tư quan tâm. 

 

Theo số liệu thống kê của NCĐT đối với 10 công ty chứng khoán có thị phần cao nhất trên thị trường, dư nợ margin của 10 công ty này đạt hơn 115.464 tỉ đồng tại thời điểm cuối năm 2021 (khoảng hơn 5 tỉ USD), gấp hơn 2 lần so với cuối năm 2020. Trong đó, Công ty Chứng khoán SSI có dư nợ margin cao nhất, đạt gần 22.746 tỉ đồng tại thời điểm cuối năm 2021. Tiếp theo là các công ty như Chứng khoán Mirae Asset, Chứng khoán Techcombank (TCBS); Chứng khoán VNDirect và Chứng khoán TP.HCM (HSC) với dư nợ trên 13.000 tỉ đồng tại thời điểm cuối năm 2021. Ở phần còn lại, các công ty chứng khoán có lượng margin từ hơn 5.000 tỉ đồng đến dưới 9.000 tỉ đồng. 

Hiện nay, theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Quyết định số 87/QĐ-UBCK về hạn mức cho vay giao dịch ký quỹ, tổng dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ của một công ty chứng khoán không được vượt quá 200% vốn chủ sở hữu của công ty đó. Số liệu của NCĐT đối với 10 công ty chứng khoán lớn nhất thị trường cho thấy tỉ lệ tổng dư nợ margin/vốn chủ sở hữu bình quân đạt 155%, khá xa so với mức trần. Trong đó, tỉ lệ cho vay margin/vốn chủ sở hữu của Chứng khoán HSC và Chứng khoán MBS là cao nhất, trên 180%.

 

Trong môi trường lãi suất thấp cùng với sức hút lớn từ thị trường chứng khoán gần đây, số lượng nhà đầu tư F0 cũng không ngừng lập kỷ lục. Hiện nay, số lượng tài khoản mới mỗi tháng đều ghi nhận hơn 100.000 tài khoản. Kéo theo đó là nhu cầu sử dụng margin của nhà đầu tư tăng mạnh. Nhằm nắm bắt xu hướng đó cũng như chủ động bù đắp kịp thời lượng vốn đối ứng cho hoạt động margin, nhiều công ty chứng khoán đã lên kế hoạch tăng vốn. 

Năm qua, Chứng khoán SSI có kế hoạch tăng vốn lên gần 15.000 tỉ đồng thông qua việc chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Hay cuối năm 2021, HSC đã ký hợp đồng vay hợp vốn tín chấp trị giá 104 triệu USD, tương đương 2.374 tỉ đồng với nhóm 12 định chế tài chính Đài Loan, đứng đầu là Ngân hàng Cathay United Bank (CUB). Khoản vay tín chấp này có hạn mức 3 năm, vốn thu về chủ yếu sẽ được HSC phân bổ cho các hoạt động kinh doanh của Công ty. Đây là nguồn lực rất lớn giúp HSC đa dạng cơ cấu tài chính và cân đối các hạn mức tín dụng với chi phí tối ưu.

Năm qua, Chứng khoán SSI có kế hoạch tăng vốn lên gần 15.000 tỉ đồng thông qua việc chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu.
Năm qua, Chứng khoán SSI có kế hoạch tăng vốn lên gần 15.000 tỉ đồng thông qua việc chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Ảnh: Quý Hoà.

Chia sẻ tại Talkshow Phố Tài Chính, ông Trần Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Công ty Chứng khoán Smart Invest (AAS), cho hay, đến cuối tháng 1/2022, số dư tiền gửi của nhà đầu tư trên tài khoản của công ty chứng khoán đạt gần 90.000 tỉ đồng. Điều đó chứng tỏ dòng tiền của nhà đầu tư chờ để tham gia vào thị trường là rất lớn. Ngoài ra, các công ty chứng khoán đều dự kiến tăng vốn rất mạnh trong năm 2022 và bản thân Smart Invest sẽ thực hiện tăng vốn từ 800 tỉ đồng lên 5.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết, do một số sắp xếp về thủ tục hành chính chưa xong, nên đến khoảng giữa năm 2022, các công ty chứng khoán tăng vốn chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu họ đề ra.

“Khi các công ty chứng khoán tăng vốn thành công, lượng tiền từ tăng vốn chủ sở hữu sẽ là nguồn cung cấp margin mạnh mẽ cho thị trường”, ông Tuấn nhận định. Ông cũng bày tỏ sự kỳ vọng năm 2022 khi nền kinh tế được mở cửa trở lại, khả năng tăng trưởng của các doanh nghiệp sẽ lớn lên và tỉ lệ sinh lời của các doanh nghiệp sẽ cao hơn. Từ đó, kích thích dòng tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư tích cực tham gia vào thị trường chứng khoán.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới