Hủy
Tài Chính

Ngân hàng thừa tiền

Đức Minh Thứ Hai | 17/07/2023 13:30

Một biểu hiện thừa vốn rõ nhất của các ngân hàng là hoạt động mua lại trước hạn các lô trái phiếu phát hành riêng lẻ của mình. Ảnh: Quý Hòa

 
 
Dù nhiều ngân hàng đang dư tiền để cho vay, nhất là quý III và IV năm nay, nhưng dòng tiền lớn vẫn chưa tìm tới doanh nghiệp.

Một dấu hiệu đáng chú ý trên thị trường tài chính là theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 4/2023, tiền gửi tiết kiệm dân cư vào hệ thống ngân hàng đã chạm ngưỡng 6,33 triệu tỉ đồng. Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết trong bối cảnh hiện nay, nhìn ở góc độ đầu tư, hiệu quả, lãi suất, bảo toàn vốn... là những yếu tố tiếp tục tác động tích cực đến kênh tiền gửi tiết kiệm dân cư.

Tuy nhiên, cùng với tiền gửi tiết kiệm tăng khiến nguồn vốn dự trữ dồi dào thì tín dụng lại tăng rất chậm là một dấu hiệu đáng chú ý khác. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến 20/6, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,53% so với cuối năm 2022, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,26%, còn tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 3,13%. Thậm chí, ông Trần Minh Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietinBank, cho biết VietinBank lần đầu tiên tăng trưởng tín dụng âm trong tháng 5/2023 và ngân hàng này phải hãm huy động vốn.

 

Một biểu hiện thừa vốn rõ nhất của các ngân hàng là hoạt động mua lại trước hạn các lô trái phiếu phát hành riêng lẻ của mình. Bối cảnh nhu cầu tín dụng yếu cùng với mặt bằng lãi suất huy động giảm mạnh và thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào hơn là động lực để các ngân hàng thực hiện nghiệp vụ này. Ngoài ra, cùng với trái phiếu, nhiều ngân hàng thương mại cũng đang rót tiền vào kênh chứng khoán đầu tư.

Đầu tháng 7, Ngân hàng Nhà nước thông báo điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14% - con số nhất quán với chỉ đạo từ đầu năm. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay mới đạt hơn 4%, còn rất nhiều dư địa để các ngân hàng thực hiện cho vay. Nghịch lý đã diễn ra: trong khi các ngân hàng thừa và ế vốn thì doanh nghiệp lại đói vốn. “Thanh khoản của các ngân hàng thương mại đang thừa. Đúng ra như các nước khi lãi suất tăng cao thì tín dụng có thể tăng trưởng âm, còn với chúng ta, lãi suất đã hạ, theo thông thường thì tín dụng sẽ tăng”, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết.

Xu hướng này diễn ra khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, suy giảm về cầu đầu tư, cầu tiêu dùng thấp nên cầu tín dụng cũng không thể tăng cao được. “Doanh nghiệp kêu khó tiếp cận vốn vay, nhưng Ngân hàng Nhà nước nhận định rất đúng về khả năng hấp thụ vốn rất thấp, nhu cầu dùng vốn chưa lớn vì các doanh nghiệp xuất khẩu đơn hàng giảm rất mạnh, từ 50-70%, nhất là các ngành về da giày, dệt may, đồ gỗ”, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, giải thích.

Một giám đốc chi nhánh ngân hàng tại TP.HCM cho biết, ngân hàng này triển khai chương trình cho vay lãi suất 5%/năm với tổng hạn mức 4.000 tỉ đồng nhưng không giải ngân được vì không có khách hàng vay. Cùng thời điểm, đại diện một doanh nghiệp xuất nhập khẩu về hàng tiêu dùng tại TP.HCM cho hay, họ rất cần vốn, nhưng không dễ tiếp cận ngân hàng, vì thiếu tài sản đảm bảo nên không được xem xét vay tín chấp. Theo giải thích của lãnh đạo Ngân hàng BIDV, thanh khoản toàn hệ thống dồi dào, ngân hàng sẵn sàng cung ứng vốn, nhưng không vì thế mà hạ chuẩn cho vay, bởi nợ xấu sẽ tăng. Nguồn vốn giá rẻ nếu được đẩy mạnh giải ngân có thể khiến vốn vay chuyển sang phục vụ cho các dự án/mục đích dưới chuẩn.

Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối Phân tích Maybank Investment Bank, nhận xét, lãi suất điều hành liên tục giảm nhưng lãi suất cho vay nhìn chung vẫn đang được các ngân hàng neo ở mức cao. Mặc dù vậy, các khoản tiền gửi lãi suất cao đang dần được trung hòa và sắp tới, lãi suất cho vay nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm. Theo ông Thành, để lãi suất cho vay trở lại bình thường và khỏe mạnh cho nền kinh tế thì phải giảm khoảng 1,5%/năm so với hiện tại. Ngoài ra, lãi suất điều hành có thể giảm ít nhất 0,5% trong khoảng 3 tháng tới.

 

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là một trong số ít ngân hàng trung ương trên thế giới giảm lãi suất, trong bối cảnh hầu hết các nước vẫn giữ lãi suất ở mức cao. Trên thực tế, cả lãi suất huy động và cho vay của ngân hàng đã giảm khoảng 1,4-2,6% so với đầu năm nhưng tín dụng không tăng đồng thời. Vì vậy, thời gian tới, theo chỉ đạo, ngành ngân hàng đặt ra yêu cầu lãi suất tiếp tục theo hướng giảm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có vốn. 

Mặc dù vậy, tỉ giá đang có dấu hiệu nóng trở lại sẽ là điều cơ quan điều hành phải lưu tâm. Theo SSI Research, áp lực đối với tiền đồng vẫn còn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) kỳ vọng tiếp tục tăng lãi suất và áp lực mang tính mùa vụ đến từ việc chuyển lợi nhuận về nước của các doanh nghiệp FDI. Đại diện World Bank tại Việt Nam cũng nhấn mạnh khi nhu cầu tín dụng yếu, trong khi cứ gia tăng cung, chẳng hạn như tiếp tục nới lỏng và các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, có thể sẽ kém hiệu quả hơn và rủi ro hơn. Bởi vì, lãi suất toàn cầu có khả năng duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn và chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và thế giới có thể tăng lên, gây áp lực lên tỉ giá.

Có thể bạn quan tâm:

Trụ đỡ tăng trưởng cuối năm


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới