Phòng thủ cổ phiếu điện nước

Bối cảnh vĩ mô còn nhiều phức tạp, áp lực lạm phát được dự báo có xu hướng gia tăng trong các tháng cuối năm. (Ảnh: TL)
Trải qua giai đoạn sụt giảm mạnh, thị trường đã cho thấy những tín hiệu khả quan khi dần tìm được điểm cân bằng và đang trong quá trình tạo đáy ngắn hạn. Tuy nhiên, việc lựa chọn cơ hội đầu tư trở nên khó khăn hơn do thị trường sẽ phân hóa theo từng nhóm ngành và các cổ phiếu cũng có câu chuyện riêng.
Thận trọng với vĩ mô
Bối cảnh vĩ mô còn nhiều phức tạp, áp lực lạm phát được dự báo có xu hướng gia tăng trong các tháng cuối năm. Do đó, việc chuẩn bị trước kịch bản xây dựng danh mục khi lạm phát tăng cao sẽ giúp nhà đầu tư chủ động ứng phó với diễn biến bất thường của nền kinh tế.
Theo chia sẻ của ông Trần Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Công ty Chứng khoán Smart Invest (AAS), sau đại dịch, nền kinh tế thế giới đã xảy ra rất nhiều sự kiện và Việt Nam cũng chịu sức ép từ những biến động trên thế giới. Theo ông Tuấn, rủi ro đối với doanh nghiệp thường đến từ 3 yếu tố cơ bản. Thứ nhất là rủi ro thị trường. Thứ 2 là rủi ro hoạt động vận hành của doanh nghiệp. Thứ 3 là rủi ro tài chính của các doanh nghiệp ở Việt Nam.
“Trong suốt quá trình làm tư vấn, chúng tôi nhận thấy năng lực về vốn của hầu hết các doanh nghiệp thường rất yếu. Sau khi hoạt động sản xuất kinh doanh lõi đạt được thành công nhất định, họ có xu hướng mở rộng sang các hoạt động đầu tư khác nhưng nguồn vốn lại không được cơ cấu chặt chẽ. Họ cơ cấu các nguồn vốn ngắn hạn sử dụng để tài trợ cho các khoản đầu tư dài hạn. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất cũng như trong lĩnh vực bất động sản thường gặp phải vấn đề này, dẫn đến mất cân đối và mất cơ cấu các hoạt động tài chính”, ông Tuấn nói thêm.
![]() |
Dù thận trọng với những diễn biến vĩ mô, nhưng các cơ hội đầu tư vẫn luôn hiện hữu trên thị trường chứng khoán. Agriseco Research đánh giá một số nhóm ngành mà nhà đầu tư có thể quan tâm trong thời kỳ lạm phát bao gồm những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt trong năm nay và các năm tới. Cùng với đó là những doanh nghiệp hưởng lợi khi lạm phát xảy ra.
Cũng theo Agriseco Research, trong giai đoạn lạm phát cùng với những bất ổn địa chính trị như hiện nay, các ngành thiết yếu như điện, nước, dược phẩm, công nghệ có nhu cầu ổn định, không bị suy giảm bởi sức mua do lạm phát tăng cao sẽ là điểm đến an toàn.
Điểm sáng điện - nước
Một gương mặt đáng chú ý là Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (mã REE) khi đã xây dựng một hệ sinh thái điện - nước thông qua các công ty liên doanh, liên kết. Tại thời điểm cuối quý II/2022, REE đầu tư vào 18 công ty liên kết với tổng giá trị đầu tư hơn 5.908 tỉ đồng, chiếm phần lớn trong các khoản đầu tư đó là các công ty thuộc lĩnh vực điện và nước.
Với việc sở hữu 480 MW thủy điện, REE được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng đối với mảng thủy điện trong nửa cuối năm nay. Điện gió cũng sẽ đóng góp nhiều hơn vào kết quả kinh doanh nửa cuối năm so với 2 quý đầu năm nhờ mùa gió bắt đầu từ quý IV. Mặt khác, mảng kinh doanh nước sạch, cho thuê văn phòng và cơ điện truyền thống được dự báo sẽ tiếp tục đem lại doanh thu ổn định cho REE.
![]() |
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase, mã BWE) được kỳ vọng sẽ đón đầu dòng vốn đầu tư nước ngoài nhờ vị trí đắc địa. Công ty có địa bàn hoạt động chính ở Bình Dương, tỉnh đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Agriseco Research đánh giá điều này sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kết quả kinh doanh trong cả mảng nước và mảng rác thải công nghiệp trong năm tới. Dự kiến Biwase sẽ hoàn thành nâng cấp và mở rộng công suất một số nhà máy tại Bình Dương và đón đầu dòng vốn FDI trong năm 2022. Bên cạnh đó, lộ trình tăng giá nước đến năm 2025 của Bình Dương đảm bảo cho sự tăng trưởng ổn định của doanh nghiệp.
Về điều kiện tự nhiên, diễn biến thủy văn tại miền Bắc trong quý II/2022 vừa qua tương đối thuận lợi khi không khí lạnh hoạt động tần suất nhiều hơn, dẫn tới nền nhiệt thấp và lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm. Trên cơ sở này, Agriseco Research đánh giá kết quả kinh doanh của các nhà máy thủy điện của Công ty Cổ phần Tập đoàn PC1 (PC1) có thể sẽ tiếp tục khả quan trong quý III/2022. Kỳ vọng này được đưa ra dựa trên dự báo lượng mưa tại miền Bắc duy trì cao hơn bình quân các năm gần đây. Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này còn có sự đóng góp tích cực từ mảng điện gió, khi các nhà máy điện gió của PC1 đang hoạt động vượt công suất 5-10%. Thêm vào đó, bước tiến vào lĩnh vực khu công nghiệp sẽ giúp PC1 tận dụng thế mạnh sẵn có, đồng thời nới rộng biên lợi nhuận.
Có thể thấy, các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện, nước đều có những câu chuyện riêng để làm trợ lực tăng trưởng. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh vĩ mô thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, từ lạm phát, suy thoái, lãi suất tăng và các rủi ro chính trị, nhà đầu tư cũng cần đặc biệt quan tâm đến quản trị rủi ro.
Tại Talkshow Phố Tài Chính, ông Trần Minh Tuấn của Smart Invest đã chia sẻ cách để nhà đầu tư lựa chọn được những doanh nghiệp có khả năng quản trị rủi ro tốt. Theo ông Tuấn, nhà đầu tư nên lưu ý thời gian hoạt động, doanh nghiệp càng lâu ở trên thị trường thì càng chứng tỏ khả năng tồn tại và phát triển bền vững hơn. Thứ 2 là trong suốt quá trình hoạt động, doanh nghiệp phải minh bạch về thông tin và không có thông tin tiêu cực xảy ra trong quá trình vận hành. Thứ 3, đánh giá của các tổ chức có uy tín cũng là một trong những yếu tố mà nhà đầu tư cần phải tham khảo.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư

Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Hằng Nguyễn
-
Công Sang