PNJ: Triển vọng dài hạn vẫn sáng sủa bất chấp khó khăn trong ngắn hạn
Ảnh: Vietnam Finance.
Tổng kết 6 tháng đầu năm 2019, CTCP Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) đạt tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt 5,3% và 15,7%. Trong riêng quý II, công ty giảm 8% doanh thu và 6,3% lợi nhuận.
Theo cập nhật mới nhất, sự cố khi triển khai hệ thống ERP đã được giải quyết xong trong tháng 6 và hiện tại công suất tại nhà máy đã hồi phục 90% so với mức thông thường. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh quý II/2019 kém tích cực không chỉ do trục trặc ERP mà còn tới từ sự chững lại trong sức mua của thị trường chung.
Tạm chưa tính đến quý II bị ảnh hưởng bởi ERP, SSSG (tăng trưởng doanh thu cửa hàng hiện hữu) của PNJ trong quý I đã giảm xuống còn 10%, mức thấp so với trên 20% trong 2 năm trước đó. Điều này đã được dự báo từ trước khi các địa phương nhóm 1, vốn là các thị trường quan trọng nhất của PNJ, đã bắt đầu chậm lại và xuất hiện hiệu ứng Tự tước đoạt doanh thu (Cannibalization) khi cửa hàng mới mở gây ảnh hưởng tới doanh thu của cửa hàng cũ trong cùng khu vực.
Tuy nhiên SSSG giảm không đồng nghĩa với việc công ty ngừng tăng trưởng, thực tế của MWG cho thấy trong giai đoạn tăng trưởng cao từ 2015-2017 (tăng trưởng doanh thu kép trên 60%/năm) thì SSSG của 2 chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh chỉ ở mức 5-10%. Miễn là các cửa hàng mới vẫn có lợi nhuận, hút thêm doanh thu từ các đối thủ cạnh tranh cũng như tăng nhận diện thương hiệu, việc mở cửa hàng mới vẫn là khoản đầu tư tốt. Ban lãnh đạo PNJ cũng cho thấy quyết tâm sẽ mở thêm 25 cửa hàng trong nửa sau 2019 để hoàn thành kế hoạch trong năm nay, sau mùa thấp điểm mở cửa hàng bán lẻ trong Q1 và trục trặc từ ERP trong quý II.
Mặt khác, dù các địa phương loại 1 tăng trưởng dưới 10% trong quý II/2019, nhóm địa phương loại 2 và 3 vẫn tăng trưởng lần lượt trên 20% và 30% về doanh thu, cho thấy tiềm năng của PNJ tại các khu vực khác vẫn còn rất lớn.
Sự cố ERP gây ra tình trạng hoạt động dưới công suất tại nhà máy, khiến công ty phải cắt giảm sản lượng mảng bán sỉ để tập trung vào trang sức bán lẻ. Mảng bán sỉ ghi nhận doanh thu giảm 23% trong quý II/2019. Do đó biên lợi nhuận gộp trong 6 tháng đầu năm tăng mạnh lên 21,8%, đây là hiệu ứng ngắn hạn do mảng bán sỉ có biên gộp rất thấp (dưới 4%) so với bán lẻ trang sức (biên gộp >30%). Khi doanh thu bán sỉ hồi phục trong các quý sau, kì vọng biên gộp của PNJ sẽ điều chỉnh lại mức bình thường, tuy vẫn trong xu hướng đi lên do công ty tối ưu chi phí và tăng tỷ trọng trang sức đá quý/kim cương.
Mảng kinh doanh đồng hồ cũng bắt đầu được đẩy mạnh. Trong các buổi gặp gỡ nhà đầu tư trước đây, ban lãnh đạo PNJ chỉ cho biết đang thử nghiệm mô hình bán đồng hồ và chưa có kế hoạch cụ thể thì trong lần gặp này, bức tranh cho mảng kinh doanh mới đã trở nên rõ ràng hơn. Trong nửa đầu năm 2019, PNJ đã mở thêm 6 điểm bán đồng hồ và đặt mục tiêu mở thêm 14 điểm cho đến cuối năm. Trong 21 điểm bán hiện tại, chỉ có 1 cửa hàng riêng lẻ và 20 quầy đồng hồ trong cửa hàng PNJ Gold. Như vậy bán chéo cho các khách hàng mua trang sức sẽ là chiến lược phát triển chính của PNJ. Công ty đặt mục tiêu doanh thu đồng hồ đạt 200-300 tỷ/năm trong 3 năm tới. Với biên lãi gộp của đồng hồ trung bình từ 40-50%, mảng này ước lượng sẽ đóng góp khoảng 3% lợi nhuận gộp của PNJ trong năm 2021, không quá đáng kể.
Nhìn vào bức tranh dài hạn, vẫn còn nhiều dư địa từ thị trường trang sức còn rất phân mảnh và nhu cầu trang sức bùng nổ ở tầng lớp trung lưu đang gia tăng tại Việt Nam. Tuy thị trường TP HCM bắt đầu “chật chội” khiến tăng trưởng của công ty bị ảnh hưởng, các tỉnh thành khác, đặc biệt là miền Bắc, là những mảnh đất màu mỡ đang được khai phá. Sẽ cần nhiều thời gian để PNJ “xuyên phá” vào các địa phương này và thay đổi thói quen tiêu dùng tại đây.
*Chuyên gia phân tích của CTCP Chứng khoán Rồng Việt
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Trực Thanh
-
Thái Tuệ