Hủy
Tài Chính

Sóng lừng cổ phiếu ngân hàng

Vũ Hoài Thứ Ba | 22/12/2020 13:00

Theo số liệu được NCĐT tổng hợp tại ngày 16.12.2020, giá trị vốn hóa trên sàn HOSE đạt hơn 3,8 triệu tỉ đồng.

 
 
Dồn dập tin tốt đã kích sóng cổ phiếu ngân hàng tăng cực mạnh.

Các nhà đầu tư đưa nhóm cổ phiếu ngân hàng vào cơ hội đầu tư cho cả năm 2021. Lý do là ngành ngân hàng đang được hưởng nhiều lợi thế nhờ môi trường lãi suất thấp và rủi ro nợ xấu đang ở mức thấp hơn so với kỳ vọng do khả năng kiểm soát dịch nhanh chóng của Việt Nam.

Trên bản đồ vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang chiếm tỉ trọng lớn nhất và đóng góp đáng kể vào sự phát triển của thị trường. Trong top 10 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, nhóm cổ phiếu ngân hàng có tỉ trọng cao nhất với 3 cái tên VCB (Vietcombank), BID (BIDV) và CTG (VietinBank). 3 cổ phiếu này chiếm tới hơn 32,7% tổng giá trị vốn hóa của top 10 ở thời điểm hiện tại.

Có 21 cổ phiếu ngân hàng đang được niêm yết và giao dịch trên 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM, trong đó, có 13 ngân hàng được giao dịch trên HOSE, sàn giao dịch lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo số liệu được NCĐT tổng hợp tại ngày 16.12.2020, giá trị vốn hóa trên sàn HOSE đạt hơn 3,8 triệu tỉ đồng. Trong đó, 13 cổ phiếu ngân hàng này đã chiếm hơn 29,4% tổng giá trị vốn hóa trên sàn HOSE với hơn 1,1 triệu tỉ đồng.

 

Định vị cổ phiếu ngân hàng trên bản đồ vốn hóa sẽ có nhiều thay đổi khi phía trước đang là câu chuyện chuyển sàn của các cổ phiếu như SHB, niêm yết mới (SeABank, MSB hay OCB) hay những cổ phiếu trên sàn UPCoM là BVB (Ngân hàng Bản Việt), SGB (Ngân hàng Sài Gòn Công Thương) và NAB (Ngân hàng Nam Á). Đặc biệt, với giá đóng cửa 99.900 đồng/cổ phiếu phiên ngày 6.12, Vietcombank đã vượt qua Vingroup trở thành đơn vị có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo số liệu thống kê của TradingView, tại ngày 16.12, giá trị vốn hóa của Vietcombank và Vingoup lần lượt đạt hơn 370.500 tỉ đồng và hơn 368.300 tỉ đồng.

Sau giai đoạn khó khăn vì COVID-19, thị trường chứng khoán nối dài đà tăng cùng sự thăng hoa của các nhóm cổ phiếu. Lũy kế từ đầu tháng 12 đến ngày 16.12.2020, chỉ số VN-Index đã tăng hơn 63 điểm, tương đương với hơn 6,4%. Cũng trong khoảng thời gian đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng dậy sóng và đóng góp tích cực vào đà tăng của chỉ số chung.
 

Mức tăng trưởng bình quân của 13 cổ phiếu ngân hàng trên sàn HOSE đạt hơn 8,1%, vượt trội so với diễn biến chung của thị trường. Đáng kể nhất là cổ phiếu  VIB, TCB (Techcombank), BID và STB (Sacombank) với đà tăng trên 10% chỉ trong 12 phiên giao dịch. Trong 13 cổ phiếu ngân hàng trên sàn HOSE, chỉ duy nhất cổ phiếu EIB (Eximbank) biến động giảm 0,3% so với đầu tháng 12, phần còn lại đều tăng giá mạnh mẽ.

Theo đánh giá của ông Lê Quang Minh, Giám đốc Bộ phận Phân tích, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, nhóm cổ phiếu ngân hàng còn dư địa tăng giá do một số nguyên nhân chủ quan và khách quan. Về mặt khách quan, ông Minh đưa ra 2 luận điểm tích cực. Thứ nhất, Thông tư 01/2020/TT-NHNN là một mũi tên trúng 2 đích với mục tiêu ban đầu là giải pháp hỗ trợ bên vay bị ảnh hưởng bởi COVID-19 nhưng thực ra lại tạo điều kiện hỗ trợ bên cho vay trong việc chưa xếp loại nợ xấu (từ đó chưa mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ).

 

Ngoài ra, khả năng Ngân hàng Nhà nước có thể sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN theo hướng hỗ trợ nhiều hơn nữa cho cả bên đi vay lẫn cho vay. Trước đây, Thông tư 01 chỉ áp dụng cho các khoản vay giải ngân trước ngày 23.1.2020. Kỳ vọng các khoản vay giải ngân sau ngày này cũng sẽ được áp dụng để tiếp tục thực hiện chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do COVID-19 gây ra.

Thứ 2, việc liên tục hạ lãi suất chính sách đã giúp hệ thống ngân hàng cải thiện biên thu nhập lãi thuần (NIM) do lãi suất cho vay giảm chậm hơn lãi suất huy động từ người dân và trên thị trường liên ngân hàng. Hai lý do khách quan đóng vai trò là động lực kép giúp nhiều ngân hàng có kết quả kinh doanh tích cực. “Về mặt chủ quan, nhiều ngân hàng đang triệt để khai thác nguồn khách hàng hiện có để gia tăng các hoạt động phi tín dụng như bancassurance như VietinBank và Manulife, ACB và Sun Life, Vietcombank và FWD. Tôi kỳ vọng việc sự kết hợp trên sẽ giúp đa dạng hóa thu nhập”, ông Minh nhận định.

 năm 2021 nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn có thể được nắm giữ nhờ kỳ vọng tăng trưởng kinh tế sẽ tốt hơn.
Năm 2021 nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn có thể được nắm giữ nhờ kỳ vọng tăng trưởng kinh tế sẽ tốt hơn.

Trong báo cáo được công bố mới đây, JP Morgan cũng đánh giá tích cực đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng Việt Nam. JP Morgan cho hay các ngân hàng Việt Nam là lĩnh vực ưa thích của họ trong khu vực. JP Morgan cũng duy trì quan điểm tăng trưởng cao đối với các ngân hàng Việt Nam, cùng với dự báo tăng trưởng GDP cả nước năm 2020 đạt khoảng 2,5% và tăng tốc 8,3% vào năm 2021.

Vì vậy, năm 2021 nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn có thể được nắm giữ nhờ kỳ vọng tăng trưởng kinh tế sẽ tốt hơn. Nếu như năm 2020 là giai đoạn tạo sóng của các ngân hàng nhỏ với câu chuyện chuyển sàn thì năm 2021 được dự báo là thời của các ngân hàng lớn.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới