Thị trường chứng khoán Việt Nam và sự tương quan lớn với lãi suất
Hình ảnh nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ảnh: TL.
Lãi suất có xu hướng gia tăng trên toàn cầu do các Ngân hàng Trung ương trên thế giới đẩy mạnh chính sách thắt chặt tiền tệ trong bối cảnh lạm phát tăng cao.
Về thế giới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed): tiếp tục nâng lãi suất cơ bản 3 lần liên tiếp lên 0,75 điểm phần trăm (mức cao nhất kể từ năm 1994) lên mức 3% - 3,25%, và đưa lãi suất về mức trước dịch để giảm thiểu lạm phát nhằm chuẩn bị cho một chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ, đồng thời chuẩn bị cho việc cắt giảm quy mô của bảng cân đối kế toán.
Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, đặc biệt trước thông tin lạm phát CPI tháng 8 của Mỹ tiếp tục tăng nhanh hơn so với dự kiến đạt mức 8,3% so với cùng kỳ và có thể neo cao thời gian tới. Theo khảo sát, FOMC (Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ) kỳ vọng lãi suất sẽ tăng lên mức 4,4% cuối năm nay thay vì 3,8% như các dự báo trước đây và ở mức 4,6% vào năm 2023.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng mạnh lãi suất thêm 0,75 điểm cơ bản ở cả 3 loại lãi suất chính. Lãi suất tái cấp vốn nâng lên 1,25%/năm và lãi tiền gửi qua đêm tăng từ 0% lên 0,75%. Đây là lần tăng lãi suất cao nhất trong một thời gian dài lãi suất duy trì ở mức âm.
Tại Việt Nam, mặt bằng lãi suất đang có xu hướng tăng. Lãi suất trái phiếu Chính phủ 10 năm đang tăng kể từ đầu năm nay và hiện về mức bình quân trước dịch COVID là năm 2019. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 100 điểm cơ bản sau khi FED tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ bằng việc tăng lãi suất lên 0,75%. Nhiều ngân hàng thương mại cũng đã bắt đầu tăng lãi suất huy động, dao động trong khoảng 5,5 - 7,55% với mức tăng từ 0,8% - 1%/năm so với đầu năm.
Theo Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco Research), lãi suất tăng mạnh có thể làm thị trường tài chính biến động mạnh. Dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán có nguy cơ rút ra khỏi các thị trường mới nổi và tìm đến các kênh an toàn, các khu vực có lãi suất tăng. Trong quá khứ, khi FED tăng lãi suất như năm 2013, thị trường tài chính các quốc gia mới nổi và đang phát triển là biến động lớn với việc tiền nội tệ giảm giá, dòng vốn đầu tư ra ngoài, giá cổ phiếu giảm, thiếu thanh khoản nên họ buộc phải thắt chắt chính sách tiền tệ.
Bên cạnh đó, lãi suất toàn cầu tăng sẽ khiến chi phí đi vay nợ nước ngoài của Chính phủ tăng cao và gánh nặng trả nợ cũng tăng theo. Do đó, điều này sẽ tác động đến các quốc gia có tỉ lệ nợ vay lớn sẽ phải trả số tiền nợ lớn hơn hoặc phải tìm cách để đảo nợ. Các thị trường mới nổi và đang phát triển (EMDE) được World Bank đánh giá là dễ chịu tổn thương nhất khi đối mặt với áp lực trả nợ cao do nợ vay nước ngoài của các thị trường mới nổi hơn 10 năm trở lại đây gia tăng nhanh chóng và dẫn đầu trong số các thị trường khác.
Đối với các doanh nghiệp, lãi suất tăng dẫn đến gia tăng áp lực tài chính của doanh nghiệp, hộ gia đình cũng như cá nhân, dẫn đến các khoản vỡ nợ. Chi phí vay tăng cũng khiến cho vay tiền trở nên đắt đỏ hơn, người dân sẽ chi tiêu ít đi, tiết kiệm hơn.
Nội dung: Agriseco Research, Đồ họa: NCĐT. |
Có thể bạn quan tâm
Một công ty in sách giáo khoa ở Hà Nội lãi hàng tỉ đồng mỗi năm
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư