Thổi bùng khát vọng vươn mình

Lễ ký kết thỏa thuận tài trợ tín dụng giữa Ngân hàng HSBC và Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn.
Sản phẩm, dịch vụ của các công ty tư nhân Việt Nam đã và đang hiện diện trong hầu hết các mặt của đời sống. Vingroup từng tự hào tạo ra hệ sinh thái bao trùm phục vụ một lượng lớn khách hàng trải dài trên nhiều lĩnh vực, bao gồm bất động sản, bán lẻ, dịch vụ, giáo dục, y tế và công nghệ. Còn đại diện của Masan hãnh diện tuyên bố: “98% hộ gia đình Việt đang dùng ít nhất một sản phẩm của Masan”...
Những thành tích ấn tượng này là minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của khu vực kinh tế tư nhân. Với sự ủng hộ mạnh mẽ từ Chính phủ, khối kinh tế này đang đứng trước cơ hội có một không hai để bứt phá mạnh mẽ hơn nữa, vươn mình như Thánh Gióng để đưa đất nước bay cao, bay xa.
Bà Lâm Thúy Nga, Giám đốc Toàn quốc Khối Khách hàng doanh nghiệp nội địa, Ngân hàng HSBC Việt Nam, có nhiều góc nhìn về hành trình vươn mình này của doanh nghiệp Việt.
Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã trải qua một chặng đường dài để có được ngày hôm nay. Với góc nhìn của một định chế tài chính, bà có thể chia sẻ cảm nhận về hành trình này?
Tôi sinh ra và lớn lên khi đất nước đã thống nhất, hòa bình và độc lập nhưng kinh tế khi ấy còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Việt Nam đã tiến những bước rất nhanh và ấn tượng kể từ sau năm 1986, từ khi tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007 đến ký kết 17 hiệp định thương mại tự do cũng như thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 13 nước. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ mức 96 USD/năm vào năm 1989 lên 4.700 USD năm 2024. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ từ khu vực kinh tế tư nhân.
![]() |
Nhìn lại, bản thân khu vực này cũng đã từng bước phát triển và khẳng định vai trò mỗi ngày một rõ nét hơn trên hành trình chuyển mình của đất nước. Trong những năm đầu sau Đổi Mới, kinh tế tư nhân được coi là thành phần kinh tế độc lập và có tiềm năng đóng góp cho sự phát triển nói chung của Việt Nam. Thời gian này, số lượng doanh nghiệp còn khiêm tốn. Đến những năm 1990, người dân tham gia nhiều hơn vào kinh tế tư nhân khi khung pháp lý phát triển theo chiều hướng thuận lợi hơn. Tôi còn nhớ trong nhà đã bắt đầu có những sản phẩm mang dấu ấn tư nhân như kem đánh răng Dạ Lan hay nước rửa chén Mỹ Hảo.
Đầu những năm 2000, kinh tế tư nhân được ghi nhận có những đóng góp ý nghĩa và giữ vị trí quan trọng lâu dài đối với nền kinh tế. Chính sách được tiếp tục đổi mới tạo điều kiện khuyến khích bộ phận này phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Đến năm 2006, kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế và 10 năm sau đó, khu vực này trở thành một động lực quan trọng đối với Việt Nam bên cạnh khu vực kinh tế công và khối FDI. Và giờ đây, năm 2025 kinh tế tư nhân được coi là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Đằng sau sự thay đổi về câu chữ khi đánh giá vai trò của kinh tế tư nhân là lời khẳng định khu vực này đã thực sự ghi dấu ấn cả về số lượng lẫn chất lượng, chứng minh sự trưởng thành qua từng giai đoạn.
Nhìn lại hành trình đó, tôi thực sự không khỏi xúc động và ngưỡng mộ những thế hệ doanh nhân đã bước qua bao chông gai. Có doanh nghiệp đã biến mất khỏi thị trường, có người đặt chân lên đỉnh thành công, tất cả đã cùng để lại dấu chân trên hành trình đặc biệt của khối kinh tế tư nhân. Hiện diện tại Việt Nam từ năm 1870, HSBC vinh dự được chứng kiến sự đổi thay của đất nước cũng như khu vực kinh tế tư nhân, đồng hành cùng một số doanh nghiệp trong quá trình vươn ra biển lớn. Không chỉ đơn thuần là một đối tác tài chính, chúng tôi còn mang đến hiểu biết chuyên sâu để giúp các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới đối tác, đánh giá hiệu quả các rủi ro và tự tin phát triển tại thị trường quốc tế.
Dưới góc nhìn của HSBC, doanh nghiệp Việt đã thay đổi tầm vóc như thế nào trong những năm qua?
Thứ nhất, chúng ta bắt đầu thấy nhiều tập đoàn lớn với mô hình kinh doanh đa dạng, một doanh nghiệp có thể kinh doanh đa ngành nghề, chứ không bị giới hạn trong một lĩnh vực. Những tập đoàn tư nhân lớn có thể khai mở cơ hội tăng trưởng, giảm bớt rủi ro và gia tăng lợi thế cạnh tranh nhờ chiến lược đa dạng hoạt động kinh doanh.
Thứ 2, nhu cầu về tài chính cũng đa dạng hơn để hỗ trợ kịp sự vươn mình lớn mạnh của doanh nghiệp, từ các nhu cầu tín dụng truyền thống, đến những yêu cầu phức tạp hơn trong nhiều sản phẩm và dịch vụ như giải pháp thanh toán và thương mại, ngoại hối và gần đây nhất là tín dụng xanh. Có doanh nghiệp đã tiếp cận được thị trường vốn quốc tế thông qua phát hành trái phiếu. Đơn cử như Vinpearl, với sự hỗ trợ của HSBC, đã huy động được 425 triệu USD từ trái phiếu 5 năm có thể hoán đổi thành cổ phiếu của công ty mẹ là Vingroup. Đây là trái phiếu hoán đổi bền vững đầu tiên trên thế giới. Ở đó, nguồn vốn được phân bổ cho các dự án bền vững phù hợp với khung tài chính bền vững của tập đoàn này. Một số khác như Thaco, Gelex hay Nutifood cũng nhận được khoản vay không ràng buộc được bảo lãnh bởi Tập đoàn Bảo hiểm tín dụng thuộc Chính phủ Ý (SACE), giúp họ tiếp cận nguồn vốn dài hạn bằng ngoại tệ.
Thứ 3, tư duy toàn cầu với tầm nhìn chiến lược lâu dài và bền vững ngày càng trở nên phổ biến trong các doanh nghiệp Việt Nam. Năm 2023 FPT cán mốc doanh thu 1 tỉ USD từ xuất khẩu phần mềm ra các thị trường quốc tế như Nhật, Mỹ và châu Á. Không dừng lại ở đó, họ đã thành lập Công ty FPT Automotive có trụ sở tại Mỹ với mục tiêu 1 tỉ USD năm 2030 nhằm chinh phục thị trường công nghiệp phần mềm ô tô có quy mô dự kiến 116,62 tỉ USD năm 2032.
Là ngân hàng hợp tác với FPT từ năm 2005, HSBC cung cấp các giải pháp ngân hàng quốc tế được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu ngày càng thay đổi của công ty. Chẳng hạn, các dịch vụ ngân hàng số của HSBC, bao gồm nền tảng quản lý tiền mặt toàn cầu, giúp FPT giám sát tình hình thanh khoản của các công ty con ở nhiều quốc gia tại một nơi duy nhất, đảm bảo luồng tiền hiệu quả và quản lý rủi ro trong môi trường toàn cầu ngày càng phức tạp. Lãnh đạo Tập đoàn FPT cũng ghi nhận HSBC không chỉ hỗ trợ FPT về vốn cho nhu cầu kinh doanh mà còn giúp Tập đoàn tiếp cận khách hàng thông qua mạng lưới toàn cầu của Ngân hàng.
Nghị quyết 68 đã thực sự nâng tầm vai trò của khu vực kinh tế tư nhân. Đồng thời, Việt Nam cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động, đóng góp 55-58% GDP. Cơ hội lớn nhưng những thách thức cũng không nhỏ...
Chẳng phải chúng ta đều đang chờ đợi các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam tận dụng cơ hội này vươn mình lớn mạnh như Thánh Gióng? Nghị quyết 68 định vị vai trò kinh tế tư nhân như một cấu phần quan trọng nhất trong nền kinh tế thị trường. Đi kèm với đó là những bước cải cách mạnh mẽ để giúp khối này hiện thực hóa vai trò của mình. Chẳng hạn, đến năm 2025, cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục, 30% chi phí tuân thủ, 30% điều kiện kinh doanh. Phấn đấu đến năm 2028, môi trường kinh doanh thuộc Top 3 ASEAN, Top 30 thế giới.
Đồng thời, giống như dân làng góp thức ăn nuôi Gióng trong truyền thuyết, các bộ, ban ngành cũng sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực về vốn, đất đai, nhân lực… Cụ thể, ngày 25/6 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 2415/QĐ-NHNN vạch ra kế hoạch hành động của ngành ngân hàng nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 68.
Nhiều chuyên gia đã nhận định doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện còn yếu về công nghệ và thiếu liên kết để tạo sức mạnh tập thể cùng nhau phát triển. Để bắt kịp xu hướng toàn cầu, việc chuyển đổi số là yếu tố sống còn, giúp doanh nghiệp hiểu rõ nhu cầu thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tính đến năm 2023, khoảng 47% số doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu thực hiện các bước chuyển đổi số ở các mức độ khác nhau, theo Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư).
Những ngân hàng quốc tế như HSBC có vai trò thế nào trong việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt vươn mình?
Tôi thường nhìn nhận quan hệ giữa doanh nghiệp với ngân hàng không chỉ đơn thuần là quan hệ cung cấp dịch vụ, sản phẩm. Ngân hàng thực sự là người đồng hành, có đội ngũ chuyên gia dành thời gian tìm hiểu các doanh nghiệp để đưa ra ý tưởng và giải pháp phù hợp nhằm hỗ trợ họ phát triển. HSBC không chỉ hỗ trợ khách hàng vươn mình ở Việt Nam mà còn giúp họ vươn ra biển lớn toàn cầu.
Hợp tác với ngân hàng quốc tế như HSBC đồng nghĩa khách hàng có cơ hội tiếp cận với mạng lưới toàn cầu của HSBC tại 58 thị trường và chúng tôi có thể kết nối họ với các đối tác tiềm năng. Chúng tôi thường xuyên tổ chức các sự kiện để tạo điều kiện cho khách hàng và đối tác trao đổi thông tin, xây dựng quan hệ. Là một tập đoàn tài chính toàn diện, HSBC cũng có thể cung cấp nhiều loại hình dịch vụ bao gồm dịch vụ ngân hàng bán lẻ và ngân hàng tư nhân cho các nhân viên và chủ doanh nghiệp, cũng như dịch vụ ngân hàng đầu tư để hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn rộng hơn.
Khách hàng cũng được hưởng lợi nhờ quản lý thông suốt dòng tiền trên nền tảng HSBCnet cho phép họ quan sát một lượt tất cả các tài khoản ngân hàng trên toàn cầu, rất hữu ích cho doanh nghiệp hoạt động ở nhiều thị trường. Nền tảng này cho phép khách hàng quản lý dòng tiền của họ trên cơ sở hợp nhất, cho dù họ bán hàng ở Philippines hay mua hàng ở Indonesia, sau đó bán hàng ở Việt Nam. Nền tảng này cũng cung cấp các cập nhật theo thời gian thực, cho phép dễ dàng chuyển tiền từ nơi này sang nơi khác hoặc đơn giản là sử dụng tiền một cách hiệu quả.
Chẳng hạn, tháng 6/2023, chúng tôi đã công bố hợp tác với Dat Bike, một công ty sản xuất xe điện của Việt Nam do kỹ sư phần mềm nổi tiếng Nguyễn Bá Cảnh Sơn thành lập năm 2019. Đây là doanh nghiệp đầu tiên HSBC hợp tác trong việc hỗ trợ công ty trong lĩnh vực công nghệ có tốc độ tăng trưởng nhanh tại Việt Nam, đang tìm cách mở rộng khắp Đông Nam Á và xa hơn nữa. Ở giai đoạn hợp tác ban đầu, chúng tôi đã giúp Dat Bike gia tăng tỉ lệ tự động hóa thông qua việc nâng cấp hệ thống kế toán, cho phép doanh nghiệp khởi tạo và phê duyệt hàng loạt các giao dịch tài chính chỉ với một cú nhấp chuột, giúp tiết kiệm thời gian xử lý và thực hiện giao dịch hiệu quả, chính xác hơn, đồng thời giảm thiểu lỗi do con người.
Nhằm giúp Dat Bike tiếp cận nhiều cơ hội hơn ở các vòng gọi vốn, HSBC cung cấp một nền tảng thống nhất để họ có thể quản lý nguồn vốn tập trung, tạo nền tảng vững chắc cho doanh nghiệp mở rộng ra các thị trường Đông Nam Á khác, bắt đầu từ Singapore, nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong năm 2022 và 5 tháng đầu năm 2023.
Chúng tôi tin rằng với những chính sách cởi mở và sự hỗ trợ từ Chính phủ cho khối doanh nghiệp tư nhân, cộng hưởng cùng sự hỗ trợ thiết thực từ ngân hàng, khu vực kinh tế tư nhân sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong hành trình thịnh vượng của Việt Nam.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư

Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Minh Phúc
-
Uyên Phương