Hủy
Tài Chính

Tích hợp chuyển đổi số & tài chính bền vững

Bùi Thị Mai Hoài Thứ Sáu | 05/11/2021 14:00

Bên cạnh nhận thức của người tiêu dùng, thì nhận thức và quyết tâm của lãnh đạo doanh nghiệp về chuyển đổi số và tài chính bền vững cũng là vấn đề quan trọng. Ảnh: Qúy Hòa.

 
 
Chuyển đổi số sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đưa ra được các quyết định đầu tư bền vững, phát triển được dữ liệu ESG.

Với Việt Nam, phát triển bền vững đã trở thành con đường bắt buộc nếu muốn tồn tại, vượt qua giai đoạn hiện tại và để đi xa hơn trong tương lai. Tuy nhiên, theo báo cáo của HSBC, Việt Nam có khoảng 700.000 doanh nghiệp, nhưng hiện chỉ có 2.000 doanh nghiệp (2%) là thành viên của cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững ở Việt Nam và khoảng 100.000 doanh nghiệp (15%) tiếp cận được các thông tin về phát triển bền vững.

Chuyên gia Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) đã phỏng vấn một số doanh nghiệp nằm trong top 10 và top 100 có báo cáo bền vững tốt nhất để chỉ ra động cơ thực hành tài chính bền vững, các nhân tố tác động đến mức độ chuyển đổi số và thực hành tài chính bền vững.

Thực tế cho thấy, ngày càng nhiều doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược đầu tư để thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu giảm lượng khí thải, tăng khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng với sự gián đoạn do biến đổi khí hậu hoặc đại dịch trong tương lai. Ngoài ra, các công ty đang sử dụng các tiêu chí ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị) không chỉ để đánh giá rủi ro và xác định các cơ hội tạo ra giá trị mà còn để quản lý danh mục đầu tư.

 

Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính đề cập việc tích hợp dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (A.I), nền tảng di động, blockchain và Internet vạn vật (IoT) trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính, ra quyết định tài chính và đầu tư. Tài chính bền vững đề cập đến quá trình ra quyết định đầu tư, trong đó các yếu tố ESG được đánh giá cẩn trọng với định hướng gia tăng đầu tư dài hạn vào các dự án và các hoạt động kinh tế bền vững.

Khi doanh nghiệp tích hợp 2 mảng này với nhau nghĩa là họ đang ứng dụng chuyển đổi số vào thực hành tài chính bền vững: tận dụng lợi thế của các công nghệ mới để thu thập và phân tích dữ liệu, từ đó đưa ra được các quyết định tài chính và đầu tư vừa đảm bảo đạt được mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp nhưng vẫn lồng ghép được mục tiêu xã hội và môi trường.

Với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và sức ép của các bên liên quan, chuyển đổi số và kinh doanh bền vững trở thành con đường phát triển chính cho doanh nghiệp. Chuyển đổi số sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đưa ra được các quyết định đầu tư bền vững thông qua việc đánh giá được hành vi người tiêu dùng, đánh giá được các rủi ro khi môi trường kinh doanh thay đổi và công nghệ mới xuất hiện. Chuyển đổi số cũng giúp doanh nghiệp phát triển được dữ liệu ESG. Và việc công bố thông tin về ESG của doanh nghiệp lại có ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn. Thị trường dữ liệu ESG đang bùng nổ. Tuy nhiên, chất lượng và độ tin cậy kém của dữ liệu và phân tích ESG vẫn là rào cản quan trọng nhất cản trở sự tăng trưởng của tài chính bền vững.

Ảnh: Qúy Hòa.
Với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và sức ép của các bên liên quan, chuyển đổi số và kinh doanh bền vững trở thành con đường phát triển chính cho doanh nghiệp. Ảnh: Qúy Hòa.

Để chuyển đổi số thành công, hướng đến hoạt động kinh doanh bền vững, câu hỏi quan trọng mà mỗi doanh nghiệp cần trả lời là chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng được mục tiêu và nhu cầu tiên quyết nào? Trả lời được câu hỏi này sẽ giúp doanh nghiệp sắp xếp trình tự ưu tiên và vạch lộ trình triển khai từng bước phù hợp với khả năng tài chính và nguồn nhân lực.

Ngoài ra, tận dụng mô hình SASE của Gartner (mô hình có thể tích hợp Security vào các tính năng của SD-WAN và cung cấp chúng dưới một dịch vụ duy nhất) để góp phần tháo gỡ rào cản về tài chính và nhân lực trong quá trình chuyển đổi số cũng là một gợi ý. Đặc biệt, phải hướng đến việc tạo ra nhiều dữ liệu cần thiết và hữu ích không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho cả khách hàng. Trong quá trình chuyển đổi số, mỗi doanh nghiệp cũng cần xem xét chọn lọc các “đối tác trong chia sẻ tài nguyên và dữ liệu dùng chung” để tiết kiệm chi phí và tiếp cận được nhiều khách hàng hơn.

Bên cạnh nhận thức của người tiêu dùng, thì nhận thức và quyết tâm của lãnh đạo doanh nghiệp về chuyển đổi số và tài chính bền vững cũng là vấn đề quan trọng. Từ khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), của Bộ Công Thương và của Cisco đều cho thấy, trên 80% doanh nghiệp Việt Nam chưa nhận thức đúng về chuyển đổi số. Quá trình phỏng vấn sâu của chúng tôi cũng cho kết quả tương tự. 

 

Để thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số trong thực hành tài chính bền vững, rất cần các chính sách phù hợp của Chính phủ, chính quyền địa phương. Chính phủ và chính quyền các địa phương cần phải cụ thể hóa mục tiêu phát triển bền vững gắn với đặc thù của từng địa phương, từng lĩnh vực. Đồng thời, tiến hành phân bổ ngân sách theo trình tự ưu tiên theo các mục tiêu đã vạch ra; có chính sách khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp và cư dân hướng đến các mục tiêu cụ thể này qua hoạt động đầu tư và tiêu dùng của họ.

Hệ thống ngân hàng cũng có thể có đóng góp quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người dân về biến đổi khí hậu và khuyến khích các doanh nghiệp thực hành tài chính bền vững. Phát triển bền vững đòi hỏi phải có tài chính bền vững. Những khoản vốn cho các dự án xanh khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất xanh nhiều hơn. Tuy vậy, theo Ngân hàng Nhà nước, tính tới hết quý I/2021, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh là 335 triệu tỉ đồng, mới chỉ chiếm 3,6% tổng dư nợ toàn nền kinh tế và tăng 0,46% so với năm 2020.

Ngoài ra, cần khuyến khích các tổ chức nghiên cứu và các doanh nghiệp phát triển dữ liệu về ESG, và bản thân Chính phủ và Chính quyền địa phương cũng cần đầu tư cho việc thu thập dữ liệu về phát triển bền vững một cách bài bản vì khi thiếu dữ liệu thì các chủ thể liên quan không thể biết phải làm gì để đạt mục tiêu.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới