Tìm trợ lực tăng trưởng 2022
Các dịch vụ liên quan đến bán lẻ được dự báo sẽ hồi phục mạnh. Ảnh: Quý Hòa.
Kể từ tháng 3/2020 khi chỉ số VN-Index lùi về mốc 65x điểm, thị trường chứng khoán đã thu hút lượng lớn nhà đầu tư tham gia vào thị trường. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới liên tục lập kỷ lục, kéo theo dòng tiền không ngừng đổ mạnh vào thị trường, với giá trị giao dịch lên đến hàng tỉ USD mỗi phiên. Nếu tính từ vùng đáy tháng 3/2020, đến nay (15/12/2021) VN-Index đã tăng hơn 127%, cùng với sự bùng nổ mạnh mẽ về thanh khoản.
Năm 2021, VN-Index đã thành công vượt mốc 1.200 điểm và chinh phục ngưỡng 1.500 điểm, mặc dù nền kinh tế trải qua 2 đợt bùng phát dịch liên tiếp. Đáng chú ý, sau các đợt giảm điểm khi dịch COVID-19 bùng phát trong nước, thị trường thường bật tăng mạnh mẽ.
Cụ thể, sau đợt dịch lần thứ 3 hồi cuối tháng 1, thị trường đã tăng gần 11% trong tháng tiếp theo và kéo dài đà tăng trong 5 tháng kế tiếp, giúp VN-Index chinh phục mốc 1.400 điểm. Sau khi giảm sâu vào tháng 7 lúc đợt dịch lần thứ 4 vượt quá khả năng kiểm soát, thị trường đã nhanh chóng tăng điểm trở lại trong tháng 8 và kéo dài đà tăng cho đến hiện tại, giúp VN-Index chinh phục ngưỡng 1.500 điểm trong tháng 11. Bước sang năm 2022, liệu thị trường chứng khoán Việt Nam có tiếp tục tăng trưởng như 2 năm vừa qua là câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Trong Báo cáo Chiến lược năm 2022 được công bố mới đây, Công ty Chứng khoán Mirae Asset tiếp tục dành cái nhìn lạc quan đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Công ty chứng khoán này kỳ vọng tăng trưởng EPS cao là động lực chính thúc đẩy sự tăng giá của thị trường chứng khoán. Với triển vọng kinh tế vĩ mô lạc quan, Mirae Asset dự phóng EPS tăng trưởng kép giai đoạn 2020-2022 khoảng 29%/năm (thấp hơn mức kỳ vọng của thị trường là 30%/năm) và mức P/E hợp lý khoảng 16 lần. Theo đó, Mirae Asset dự phóng VN-Index năm 2022 khoảng 1.700 điểm trong kịch bản cơ sở, tăng 15% so với mức đóng cửa cuối tháng 11/2021.
Sự lạc quan của nhà đầu tư về khả năng kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ, các gói hỗ trợ tài khóa, tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận của doanh nghiệp cùng bối cảnh lãi suất thấp là những động lực chính thúc đẩy thị trường. Về dài hạn, triển vọng được nâng hạng lên thị trường mới nổi và các cải cách nhằm thỏa mãn những tiêu chí nâng hạng thị trường mới nổi giúp cải thiện tính minh bạch và hiệu quả của thị trường.
Trong khi đó, Mirae Asset cũng đánh giá rủi ro lớn nhất hiện tại là nguy cơ bùng phát dịch ngoài tầm kiểm soát, cũng như sự phát triển của các biến chủng COVID-19 mới gây hoang mang cho nhà đầu tư. “Tuy nhiên, với tầm nhìn tăng giá dài hạn, chúng tôi cho rằng các nhịp điều chỉnh sâu của thị trường là cơ hội mua tích lũy các cổ phiếu tốt”, Mirae Asset nhận định.
Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng tăng trưởng lợi nhuận giai đoạn 2022-2023 là bệ phóng vững chắc cho thị trường. Tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết giảm xuống còn 15,8% so với cùng kỳ trong quý III/2021 nhưng đạt mức ấn tượng 53,4% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2021. Kết quả này rất tích cực trong bối cảnh cả nước bị ảnh hưởng nặng khi thực hiện giãn cách chặt chẽ trong quý III/2021.
VNDirect ước tính EPS của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tăng 39% trong năm 2021 và duy trì mức tăng trưởng bình quân 20% trong giai đoạn 2022-2023. Đà tăng của EPS chủ yếu sẽ đến từ kết quả ổn định của nhóm bất động sản và dầu khí, cũng như sự phục hồi tăng trưởng của nhóm bán lẻ và thực phẩm đồ uống (F&B).
Theo dự báo của VNDirect, VN-Index sẽ đạt 1.700-1.750 điểm trong năm 2022, trên cơ sở P/E khoảng 16-16,5 lần và tăng trưởng lợi nhuận 23% so với cùng kỳ. Công ty chứng khoán này cho rằng đà tăng của thị trường có thể kéo dài nhờ việc nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng và sự tham gia ngày càng nhiều của dòng vốn cá nhân trong nước.
Ở góc độ rủi ro, nhiều đánh giá cho thấy, rủi ro chính đối với thị trường năm 2022 vẫn là lạm phát cao hơn dự kiến có thể dẫn đến việc các chính sách thắt chặt được triển khai. Mặt khác, việc nâng hạng lên thị trường mới nổi MSCI của Việt Nam sớm hơn dự kiến cũng giúp thị trường có dư địa tăng giá.
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Đại Nam (DNSE), đánh giá: “Việt Nam bây giờ có độ phủ vaccine cho người lớn ở mức khá tốt. Cùng với chiến lược mở cửa, đó là cơ hội rất lớn cho hầu hết các doanh nghiệp trong nền kinh tế bật trở lại”.
Theo ông Giang, các ngành sẽ tiếp tục có sự phân hóa, trong đó những ngành tài chính, chứng khoán, các dịch vụ liên quan đến bán lẻ sẽ tăng trưởng vượt bậc hơn. Đặc biệt là ngành ngân hàng sẽ có tốc độ tăng trưởng từ 20-25%, cao hơn so với mức bình quân của thị trường vào năm 2022. Sự quay trở lại của ngành hàng không và du lịch cũng sẽ là một cơ hội tốt, nhưng điều này được ông Giang đánh giá sẽ là một câu hỏi rất lớn bởi nó phụ thuộc nhiều vào chính sách, không phải do nội tại các doanh nghiệp có thể chủ động được.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư