Hủy
Tài Chính

Việt Nam sẽ chịu mức thuế thấp hơn, có thể quanh mức 10 - 25%?

Thứ Ba | 08/04/2025 10:23

Xuất khẩu của Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn với chính sách thuế quan mới. Ảnh: TL.

 
 
Những ngày qua, thị trường đã “chao đảo” khi Việt Nam nằm trong top các quốc gia bị đánh thuế cao nhất, lên đến 46%.

“Việt Nam, những nhà đàm phán tuyệt vời, những con người tuyệt vời, họ quý tôi, tôi cũng quý họ, vấn đề là họ đánh thuế chúng ta 90%, tôi đánh thuế lại 46%”, là những gì Tổng thống Donald Trump đã chia sẻ. 

Báo cáo mới nhất của Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) nhấn mạnh rằng con số 46% mà ông Trump công bố là mức trần đối với thuế suất đánh lên Việt Nam, không áp dụng cho tất cả mặt hàng. Mức này có thể giảm xuống nếu các đối tác thương mại đáp ứng yêu cầu của chính quyền Trump. 

Đồng thời, các sản phẩm như nhôm, thép, xe hơi, phụ tùng xe hơi,… không chịu tác động của luật thuế này. Việc Mỹ linh hoạt loại trừ một số sản phẩm chiến lược khỏi danh mục thuế đối ứng phản ánh sự phụ thuộc của nước này vào một số mặt hàng nhập khẩu quan trọng. Những miễn trừ này không chỉ cần thiết để duy trì chuỗi cung ứng ổn định mà còn đảm bảo hoạt động liên tục của các ngành công nghiệp cốt lõi và an ninh quốc gia cho Mỹ. Đặc biệt, động thái này cũng mang lại tín hiệu tích cực hơn cho các quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn về điện tử và chất bán dẫn sang Mỹ, trong đó có Việt Nam. 

 

Khối Phân tích của PHS cho biết họ duy trì quan điểm rằng thuế quan là một công cụ mà ông Trump dùng để đàm phán. Bản thân ông Trump vốn được công nhận là một nhà đàm phán tài tình (Art of Deal) và ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của mình, ông đã liên tục “make deal” với Canada & Mexico. Và ngay sau khi Tổng thống Trump công bố mức thuế tối thiểu 10%, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết khuyên các nước khoan trả đũa thuế quan, chờ đàm phán. Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc (cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính) cũng cùng đoàn doanh nghiệp Việt Nam tới Mỹ vào cuối tuần này được kỳ vọng sẽ tìm ra giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong quan hệ thuế quan giữa hai nước. 

“Chúng tôi tin rằng Việt Nam chỉ chịu mức thuế thấp hơn, có thể quanh mức 10 - 25% sau khi đạt được một số thỏa thuận mới với phía Mỹ, bao gồm cả các thỏa thuận mua máy bay với Boeing, LNG, cắt giảm thuế nhập khẩu, mở cửa thị trường và cấp phép cho Starlink vào Việt Nam”, PHS nhận định. 

 

Gác lại câu chuyện tăng trưởng, thuế quan và xuất khẩu, Phòng nghiên cứu của PHS cho biết điều họ lo ngại nhất khi Mỹ tuyên bố áp thuế mạnh vào Việt Nam không phải là tăng trưởng xuất khẩu, mà là ảnh hưởng đến dòng chảy của vốn đầu tư FDI. Trên thực tế, các doanh nghiệp FDI chiếm hơn 70% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam đang rất cần dòng vốn đầu tư FDI để thực hiện chiến lược vươn mình trong kỷ nguyên mới cũng như giảm sự phụ thuộc ngoại tệ từ thương mại. Trong ngắn hạn, tỉ giá USD/VND đã có bước tăng mạnh, và dự báo tỉ giá sẽ tiếp tục chịu áp lực và có thể tiến sát mốc 26.000 đồng. Theo đó, các dòng vốn giải ngân FDI có thể chậm lại trong giai đoạn chờ đợi kết quả đàm phán. 

Trong trung và dài hạn, khả năng cao nền kinh tế của Mỹ sẽ phải đối mặt với các khó khăn trước mắt bao gồm tăng trưởng và lạm phát trước khi đạt được các thành công từ quá trình tái cấu trúc thuế quan này.

PHS cho rằng chính quyền Trump đang tạo ra thế khó cho FED vì nó có thể khiến lạm phát tăng (buộc FED duy trì lãi suất cao) hoặc làm suy yếu nền kinh tế (buộc FED phải cắt giảm lãi suất sớm hơn). 

“Chúng tôi thiên về kịch bản thứ 2. Cách tiếp cận của FED sẽ phụ thuộc vào dữ liệu thực tế, nhưng chúng tôi cho rằng khả năng cao FED sẽ duy trì sự linh hoạt, tránh cam kết cứng rắn về lộ trình lãi suất trong bối cảnh bất ổn chính sách thương mại”, PHS nhận định. 

Có thể bạn quan tâm 

Trẻ hóa đội tàu già


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới