Hủy
Tài Chính

VN-Index giảm về sát 1.200 điểm

Nhật Lệ Thứ Ba | 19/11/2024 17:47

Sắc đỏ chiếm ưu thế trên sàn HOSE. Ảnh: VNDirect.

 
 
Sức ép tăng về cường độ từ đà bán ròng của Khối ngoại khiến tâm lý ảm đạm bao trùm và chỉ số giảm sâu trở lại.

Phiên giao dịch 19/11, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục chịu áp lực bán mạnh trên thị trường. Kết phiên, chỉ số  VN-Index giảm gần 12 điểm, lùi về mốc 1.205 điểm với độ rộng thị trường nghiêng hẳn về chiều tiêu cực. Toàn sàn HOSE có 287 mã giảm, trong khi chỉ có 83 mã tăng. Thanh khoản trên thị trường ở mức khá với hơn 13.200 tỉ đồng được giao dịch. Nhóm cổ phiếu VN30 cũng chịu áp lực điều chỉnh lớn, chỉ số này giảm hơn 11 điểm với 22 mã giảm. Giá trị giao dịch của nhóm VN30 chiếm hơn 50% tổng giá trị giao dịch ở sàn HOSE. 

16/18 nhóm ngành đều giảm điểm trong phiên 19/11. Ảnh: VDSC.
16/18 nhóm ngành đều giảm điểm trong phiên 19/11. Ảnh: VDSC.

Xét theo nhóm ngành, dữ liệu từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho thấy, 16/18 nhóm ngành đều giảm điểm trong phiên giao dịch này. Trong đó, ngân hàng, công nghệ thông tin, hóa chất và dịch vụ tài chính là những nhóm ngành giảm mạnh nhất, và tác động tiêu cực đến chỉ số. Trong khi đó, sắc xanh “le lói” ở nhóm dầu khí và bảo hiểm. 

Xét từng cổ phiếu riêng lẻ, dữ liệu từ Công ty Chứng khoán VNDirect cho thấy, FPT, VCB, BCM là những mã cổ phiếu dẫn đầu chiều tác động tiêu cực đến chỉ số chung. Trong khi VHM như một “cánh én” không thể làm nên “mùa xuân” cho thị trường. 

 

Trong ngắn hạn, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng, rủi ro ngắn hạn của thị trường vẫn ở mức cao,  một phần nguyên nhân do áp lực bán mạnh của khối ngoại, áp lực cắt lỗ, giảm tỉ lệ dư nợ margin của nhà đầu tư. Nhà đầu tư tỉ trọng cao, vẫn ưu tiên quản trị rủi ro ngắn hạn. Tỉ trọng dưới mức trung bình, quản trị rủi ro tốt nên xem xét giải ngân các mã cơ bản tốt, có quý III tăng trưởng tốt, kỳ vọng tiếp tục duy trì tăng trưởng. Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã cổ phiếu đầu ngành, nền tảng cơ bản tốt.

Ở góc nhìn kỹ thuật, Công ty Chứng khoán Asean cho hay, thị trường hình thành mẫu nến giảm điểm thân dài (tương đương mẫu nến Marubozu), đóng cửa ở mức thấp nhất mẫu nến phiên trước và nối dài đà giảm trong 1 tháng qua. Bên cạnh đó, dòng tiền co hẹp trở lại cho thấy lực cầu "chùn tay' dưới sức ép bán. 

Mẫu nến tiếp tục rơi sâu dưới đường EMA6, EMA20 trong đó các đường này dốc xuống với độ dốc lớn cho thấy xu hướng chưa có cải thiện và xấu đi. Chỉ báo động lượng RSI đi sâu vào vùng quá bán với mức thấp nhất trong 2 năm qua cho thấy trạng thái tiêu cực của thị trường. 

“Thị trường có xu hướng cần quá trình cải thiện động lượng với quá trình tìm kiếm và hình thành vùng cân bằng kéo dài hơn nữa, với kì vọng vùng chốt chặn 1.196 -1.200 sẽ kích hoạt lực cầu trở lại và đà bán ròng của khối ngoại sẽ giảm dần cường độ. Nhà đầu tư thận trọng, và chờ đợi tín hiệu xác nhận từ quá trình tìm điểm cân bằng từ thị trường chung và theo dõi sát động thái từ khối ngoại”, Chứng khoán Asean nhận định. 

Có thể bạn quan tâm 

Gần 7 triệu tỉ đồng được người dân gửi ở hệ thống ngân hàng


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới