VN-Index khó có bước nhảy vọt do quy mô thị trường đã lớn hơn nhiều
Ảnh: Quý Hoà
Vĩ mô hồi phục, doanh nghiệp lạc quan
Sau thời gian giãn cách xã hội trong tháng 4, tháng 5 đã chứng kiến sự phục hồi của hầu hết các chỉ số vĩ mô do nhu cầu trong nước bị dồn nén. Mặc dù vẫn thấp hơn so với năm 2019, doanh số bán lẻ, CPI, IIP và thương mại đã tăng vọt so với tháng trước, cho thấy sự trở lại mạnh mẽ của hoạt động tiêu dùng và sản xuất.
Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam kỳ vọng các gói kích cầu năm 2020 sẽ hiệu quả hơn năm 2009 nhờ Chính phủ đã có kinh nghiệm ứng phó.
Nguồn: KIS, NCĐT |
Trong bối cảnh COVID-19, thật bất ngờ, trong số 177 công ty (chiếm 66% tổng vốn hóa thị trường trên sàn HOSE) có 88 công ty có kế hoạch lãi sau thuế cao hơn trong khi 89 công ty kỳ vọng mức thấp hơn. Nhiều doanh nghiệp lạc quan ước tính lợi nhuận tăng 19,9% trong năm 2020, trong khi số bi quan ước tính giảm 21,8%.
Nhìn chung, dự báo thu nhập như vậy là rất tích cực trong bối cảnh nền kinh tế bị tàn phá chưa từng thấy và số ca tử vong cao do đại dịch COVID-19 gây ra.
Chứng khoán tháng 5 tốt nhất trong 1 thập kỷ qua
Trong tháng 5, chỉ số VN-Index đã phục hồi 12,4% lên 864 điểm. Đây là tháng có mức tăng tốt nhất kể từ năm 2009. Toàn thị trường đi lên khi các doanh nghiệp nhìn thấy kết quả kinh doanh của họ tốt hơn kỳ vọng thị trường.
Ngành vật liệu có kết quả tốt nhất với mức tăng 17,5% nhờ các cổ phiếu thép. Các doanh nghiệp trong ngành thép như Hòa Phát (HPG), Hoa Sen (HSG) và Nam Kim (NKG) có doanh số và lợi nhuận tăng vọt ngay cả trong đại dịch. Các ngân hàng đã giúp nhóm tài chính trở thành á quân sau khi hầu hết các ngân hàng niêm yết đặt kế hoạch kinh doanh cao hơn trong năm 2020 như ACB, MBB, TPB, VCB và VIB. Và kế tiếp là năng lượng khi giá dầu tăng gấp đôi trong tháng 5.
Chỉ số VN-Index bứt phá mạnh trong tháng 5. Ảnh: FireAnt. |
Trái lại, các ngành phòng thủ như y tế (-0,6%) và tiện ích (+0,3%) có diễn biến tệ nhất trong tháng trước, khi các nhà đầu tư đặt cược vào sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ và đổ xô vào các lĩnh vực theo chu kỳ. Ngành công nghiệp là ngành tệ thứ 3 do sự sụt giảm của các hãng hàng không. Hoạt động của họ chỉ phục hồi 20-30% mức trước khủng hoảng và nhiều công ty trên toàn cầu đã phải nộp đơn xin phá sản.
Nhà đầu tư nên thận trọng trong tháng 6
Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tính đến ngày 31.5, trên hệ thống của VSD có hơn 2,473 triệu tài khoản giao dịch trong nước trong đó chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân.
Như vậy, so với tháng 4.2020, đã có hơn 34.000 tài khoản giao dịch trong nước được mở mới, tiếp tục là con số kỷ lục so với cùng kỳ những năm trước.
Tính chung 3 tháng (tháng 3-5.2020), đã có hơn 102.700 tài khoản giao dịch trong nước được mở mới, trong đó chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân. Điều này cho thấy nhà đầu tư mới đang tích cực tham gia vào thị trường chứng khoán khi số lượng tài khoản mở mới liên tục tăng.
Xét về thanh khoản trên thị trường, có thể nói trong giai đoạn này luôn có một lượng tiền dồi dào được đổ vào thị trường chứng khoán. Tính riêng trong tháng 5, bình quân giá trị khớp lệnh trên sàn HOSE đạt hơn 4.500 tỉ đồng, chưa kể giao dịch thỏa thuận. Đa phần các phiên giao dịch trong tháng 5 đều có khối lượng lớn hơn trung bình 20 phiên gần nhất.
Vậy liệu dòng tiền mới có thể thúc đẩy thị trường chứng khoán đi xa hơn trong thời gian tới?
Theo quan điểm của KIS, việc định giá hiện nay có vẻ hợp lý, thậm chí đắt đỏ do triển vọng kinh tế ảm đạm do đại dịch COVID-19 gây ra. Hơn nữa, về mặt phân tích kỹ thuật, VN-Index đang quay trở lại mức 900 điểm. Đây là mức hỗ trợ mạnh khi đại dịch bùng phát vào đầu tháng 2, cảnh báo áp lực bán mạnh tại mức giá này.
Trong năm 2009, một số tiền từ gói kích thích của Chính phủ đã chảy vào thị trường chứng khoán, giúp VN-Index tăng gấp 3 từ mức 235 lên 624 trong 9 tháng. Thời điểm hiện tại, mặc dù thanh khoản có thể tiếp tục hỗ trợ hoặc thậm chí đẩy thị trường lên cao hơn trong những tuần tới, VN-Index khó có thể có bước nhảy vọt tương tự do quy mô thị trường đã lớn hơn nhiều (2,43 triệu tỉ đồng so với 135.000 tỉ đồng).
KIS đánh giá, cả định giá cơ bản và phân tích kỹ thuật đang kể những câu chuyện ngày càng thận trọng. Dường như yếu tố chính thúc đẩy thị trường trong những tuần tới tiếp tục là thanh khoản từ các nhà đầu tư cá nhân trong nước đang tìm kiếm tài sản rủi ro để bù đắp cho lãi suất tiết kiệm rất thấp; hay từ các ngân hàng trong nước đang gặp tình trạng thanh khoản dồi dào vì nhu cầu vay yếu và một phần nào đó từ các gói kích thích kinh tế 1 triệu tỉ đồng của Chính phủ. Cân nhắc tất cả những điều trên, việc đặt cược bây giờ rủi ro hơn nhiều so với 1-2 tháng trước và KIS khuyên các nhà đầu tư nên thận trọng trong tháng 6.
* Có thể bạn quan tâm
►Sức hút của thị trường chứng khoán: Hơn 102.000 tài khoản được mở mới trong 3 tháng
►Thị trường chứng khoán: Dòng chảy vào cổ phiếu vừa và nhỏ
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư