Vũ điệu lạ của vàng
Mỗi khi giá vàng Việt Nam tăng nóng và mở rộng chênh lệch với giá vàng thế giới thường kéo theo áp lực lên tỉ giá. Ảnh: Quý Hoà.
Tình hình căng thẳng tại khu vực Trung Đông tiếp tục tác động tới giá vàng thế giới, đẩy giá vàng lên mức cao nhất 3 tháng. Nhiều dự báo cho thấy giá vàng sẽ dao động quanh mức 1.900 USD/ounce cho đến khi xung đột ở khu vực Trung Đông giảm. Thị trường vàng, vốn được coi như tài sản trú ẩn quan trọng, có thực sự biến động bởi các yếu tố như chiến sự?
Năm 2021, các nhà nghiên cứu tại FED Chicago đã phân tích các yếu tố chính thúc đẩy giá vàng từ năm 1971, kể từ khi Mỹ loại bỏ chế độ bản vị vàng (gold standard). Họ xác định 3 mục đích sử dụng vàng: hàng rào chống lạm phát, phòng vệ trước thảm họa kinh tế và phản ánh lãi suất.
Thực tế, giá vàng dường như có hiệu quả “chống đỡ” lạm phát và giá cả tăng cao khi nền kinh tế ảm đạm. Lạm phát tăng cao là động lực lớn nhất của giá vàng trong những năm 1970, 1980 và 1990. Tuy nhiên, tác động của lãi suất đối với giá vàng lại lớn hơn cả khi các nhà nghiên cứu chỉ ra từ năm 2001 trở đi, lãi suất thực trong dài hạn và tăng trưởng kinh tế mới là yếu tố tác động mạnh mẽ tới thị trường kim loại quý này.
Đây là lý do giải thích vì sao giá vàng trong 2 năm qua gần như không tăng. Mặc dù giá vàng tưởng chừng tăng mạnh khi đầu năm 2021, lạm phát sẽ tăng cao khi ngân hàng trung ương nhiều nước in tiền ồ ạt và kích thích tài khóa quá mạnh tay. Ngoài ra, tình hình giá cả cũng bị tác động bởi xung đột kéo dài Nga - Ukraine. Thực tế, ngay cả trong bối cảnh này, mức lợi nhuận ít ỏi khi đầu tư vàng trong 2 năm qua chỉ là 3%.
Tại thị trường Việt Nam, giá vàng cũng có những biến động đáng chú ý. Trước hết có thể theo dõi diễn biến của thị trường vàng trong 1 thập niên qua. Từ năm 2001-2011, giá vàng tăng tốc, cuối kỳ đạt đỉnh tới 4,9 triệu đồng/chỉ. Giá vàng sau khi đạt đỉnh 49 triệu đồng/lượng, sau 7 năm đã rơi xuống đáy, còn khoảng 35 triệu đồng/lượng. Từ năm 2016, giá vàng tăng dần trở lại và đưa giá vàng đạt đỉnh 74,5 triệu đồng/lượng vào cuối năm 2020, sau đó xoay quanh mốc 66-67 triệu đồng/lượng. Từ tháng 9/2023, giá vàng bật tăng và tiếp tục vượt qua mốc 71 triệu đồng/lượng vào giữa tháng 10 với các diễn biến bất ổn của thị trường thế giới.
Cũng biến động theo thị trường vàng thế giới nhưng giá vàng trong nước tăng còn do cung - cầu ở trong nước với cách quản lý “độc quyền” thông qua Nghị định 24 dành cho vàng thương hiệu SJC. Cách quản lý này là nguyên nhân chính khiến giá vàng trong nước nhiều năm qua thường cao hơn giá thế giới trên 10 triệu đồng/lượng.
Chuyên gia Hiệp hội Kinh doanh Vàng Nguyễn Thế Hùng cho rằng, từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không đưa thêm vàng ra thị trường. Trong khi đó, số lượng vàng SJC trên thị trường còn rất ít, do các thương hiệu trong nước dùng vàng miếng của SJC để sản xuất nhẫn và nữ trang hoặc để dành cho xuất khẩu. Do nguồn cung bị giảm nên mỗi khi có biến động thì giá vàng miếng SJC dễ bị đẩy lên cao.
Trong khi đó, giá vàng trong nước vẫn tiếp tục có xu hướng tăng khi có nhiều yếu tố hỗ trợ. Đó là lãi suất gửi tiết kiệm ở mức thấp, thị trường chứng khoán đang đi xuống và thị trường bất động sản đóng băng. Bên cạnh đó, ngân hàng trung ương các nước đã có dấu hiệu chuyển từ thắt chặt chính sách tiền tệ sang dừng lại và chuyển trở lại sang nới lỏng để phục hồi tăng trưởng kinh tế. Kết quả của chuyển đổi này sẽ dẫn đến giá USD có xu hướng giảm khiến giá vàng được tính bằng USD sẽ tăng lên.
Tại Việt Nam, mỗi khi giá vàng tăng nóng và mở rộng chênh lệch với giá vàng thế giới thường kéo theo áp lực lên tỉ giá. Đây là xu hướng gây khó khăn cho nhà điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh lãi suất tiền đồng và USD trong nước mở rộng. Vì vậy, để bình ổn thị trường vàng cũng như thị trường tiền tệ, nhiều ý kiến kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 24 cho phù hợp với thực tế thị trường. Trước nhiều kiến nghị này, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ xây dựng Tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tổng kết Nghị định 24.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả, cho rằng thị trường vàng trong nước đã không có sự liên thông với thế giới hàng chục năm nay, dẫn tới mất cân đối trong cung - cầu, ảnh hưởng đến ngành sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ và nhu cầu nắm giữ vàng như một tài sản an toàn. Vì vậy, cần phải có sự điều chỉnh cho minh bạch và phù hợp với diễn biến của thị trường.
“Về lâu dài, tiến tới xóa bỏ độc quyền vàng SJC và có thể cho một số doanh nghiệp lớn có điều kiện sản xuất vàng miếng để tăng nguồn cung, thu hẹp chênh lệch với giá vàng thế giới. Riêng xuất nhập khẩu vàng cũng nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp và kiểm soát bằng hạn ngạch”, ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn Cấp cao Hội đồng Vàng Thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam, nhận xét.
Có thể bạn quan tâm:
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Hằng Nguyễn