Ai được, ai mất sau quyết định tung QE3 của Fed?
Với 11 phiếu thuận và 1 phiếu chống, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định tung ra gói nới lỏng định lượng lần 3 (QE3).
Theo đó, mỗi tháng, Fed sẽ dành 40 tỷ USD để mua trái phiếu đảm bảo bằng thế chấp. Fed tuyên bố chương trình mua trái phiếu này là không có giới hạn, nghĩa là, Fed sẽ tiếp tục mua trái phiếu chính phủ cho đến khi các điều kiện kinh tế, đặc biệt là thị trường lao động được cải thiện.
Ngoài ra, Fed cũng duy trì chương trình hoán đổi trái phiếu ngắn hạn sang dài hạn (Operation Twist), cụ thể Fed sẽ tăng lượng trái phiếu dài hạn lên 85 tỷ USD mỗi tháng.Fed cũng gia hạn việc giữ nguyên lãi suất siêu thấp 0% đến 0,25% từ cuối năm 2014 đến giữa 2015.
Theo Credit Suisse, ngoài lý do tung QE3 để kích thích kinh tế và thị trường lao động Mỹ, một trong những nguyên nhân quan trọng là các ngân hàng châu Âu đang nỗ lực giảm nợ, do đó nguy cơ các ngân hàng này bán tháo các tài sản của mình tại Mỹ là khá cao. Điều đó có nguy cơ làm tăng lãi suất của các MBS, chính vì vậy Fed phải làm mọi cách ngăn chặn nó xảy ra.
Đối tượng nào được hưởng lợi nhiều nhất từ QE3?
Đối tượng hưởng lợi đầu tiên sau quyết định của Fed hiển nhiên là thị trường chứng khoán Mỹ. QE3 thực sự là tấm giấy thông hành miễn phí cho các loại cổ phiếu và khó có ai có thể phủ nhận điều đó. Ngoài thị trường chứng khoán, QE3 cũng có tác dụng thúc đẩy tiêu dùng và thị trường bất động sản.
Đối tượng được lợi thứ hai chính là đồng USD. Có thể chắc chắn rằng đồng USD sẽ duy trì ở mức thấp so với các loại tiền tệ khác trong suốt quá trình QE3 tồn tại. Mặc dù có nhiều lời đồn đoán, song các thị trường tin tưởng rằng việc Fed in thêm tiền sẽ làm giảm giá trị của đồng USD.
Đồng USD giảm sẽ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh xuất khẩu của kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, do nền kinh tế toàn cầu vẫn đang trong trạng thái suy yếu, nên quá trình này sẽ diễn ra một cách khá thầm lặng. Mặc dù vậy, các chuyên gia kinh tế nhận định các doanh nghiệp giao dịch bằng đồng USD sẽ thu lợi rất lớn khi đồng tiền của nước Mỹ mất giá.
|
Thực tế, ngay sau khi thông tin về QE3 được công bố, giá một loạt các loại hàng hóa như vàng, dầu, ngũ cốc và đồng đã tăng vọt. Trong đêm qua, giá các loại hàng hóa công nghiệp như đồng và dầu tăng 1%, song mạnh nhất vẫn là các kim loại quý - tăng tới 2%. Có thể nói, vàng và bạc chính là hai đối tượng được lợi nhiều nhất nhờ QE3.
Đối tượng chiến thắng tiếp theo chính là lạm phát toàn cầu. Có một sự thực đáng buồn đó là các hộ gia đình Mỹ sẽ không được hưởng lợi nhiều từ gói kích thích của Fed do giá cả hàng hóa tăng cao.
QE3 sẽ gây bất lợi cho những đối tượng nào?
Đối tượng gặp bất lợi đầu tiên do QE3 chính là đồng euro. Việc Fed tung QE3 vào thời điểm đồng tiền chung duy nhất của châu Âu đang bước vào giai đoạn ổn định sẽ khiến đồng euro phải chịu áp lực tăng giá. Điều đó đồng nghĩa những nỗ lực kích thích kinh tế của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ trở nên vô nghĩa. Hơn thế nữa, tình trạng lạm phát tăng cao sẽ ngăn cản ECB tiếp tục nới lỏng chính sách kinh tế. Vậy có thể kết luận, ECB chính là đối tượng thất bại đầu tiên do QE3.
Khi Fed tung QE3, phản ứng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - Trung Quốc có thể sẽ khá phức tạp. Chương trình nới nỏng tiền tệ của Mỹ sẽ giúp tiền đổ về Trung Quốc nhờ tỷ giá nhân dân tệ. Nhân dân tệ sẽ giảm theo đồng USD và xuất khẩu Trung Quốc qua đó sẽ được hưởng lợi khá nhiều.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng phải đối mặt với hai khó khăn lớn, đó là tình trạng thanh khoản thiếu định hướng và lạm phát giá lương thực. Theo các nhà phân tích, giá lương thực thế giới và lạm phát Trung Quốc có mối tương quan khá chặt chẽ. Việc phải vật lộn với suy thoái sẽ khiến việc ra chính sách của Trung Quốc trở nên khó khăn và phức tạp hơn.
Nguồn Microbusiness/Khampha
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư