Bangkok chìm trong ô nhiễm khói bụi
![](https://st.nhipcaudautu.vn/staticFile/Subject/2025/02/07/a_71433608.jpg)
Tại Bangkok, mùa ô nhiễm cao điểm trùng với mùa du lịch, đặc biệt là kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Ảnh: Nikkei Asia.
8 giờ sáng Chủ nhật, chuyến bay từ Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc) do hãng hàng không giá rẻ AirAsia X vận hành dự kiến hạ cánh tại sân bay Don Mueang, trung tâm khai thác chính của hãng tại Bangkok. Tuy nhiên, máy bay buộc phải chuyển hướng đến sân bay Suvarnabhumi do tầm nhìn tại Don Mueang giảm xuống chỉ còn 150 mét vì lớp sương mù dày đặc. Theo quy định của Cơ quan Hàng không Dân dụng Thái Lan, mức tầm nhìn an toàn tối thiểu là 5 km. Việc hạ cánh bất đắc dĩ khiến nhiều hành khách mắc kẹt, rơi vào tình huống bị lạc đoàn du lịch và trễ chuyến bay nối chuyến.
Tại Thái Lan và các nước láng giềng như Campuchia, Lào, Việt Nam, bầu trời xám xịt đã trở thành cảnh tượng quen thuộc trong mùa khô, kéo dài từ tháng 12 đến tháng 4. Thủ đô Bangkok, từ đầu năm đến nay chỉ có tám ngày ghi nhận chỉ số chất lượng không khí (AQI) dưới 100, ngưỡng an toàn theo IQAir, tổ chức môi trường độc lập có trụ sở tại Thụy Sĩ.
Nguyên nhân chính của tình trạng ô nhiễm là đốt rơm rạ sau thu hoạch, cháy rừng trong mùa khô, cùng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch và sinh khối. Các chất ô nhiễm bao gồm bụi mịn PM2.5, hạt có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet có thể xâm nhập vào phổi và máu, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). WHO khuyến nghị nồng độ PM2.5 trung bình trong 24 giờ không vượt quá 15 microgam/m³. Tuy nhiên, vào sáng Chủ nhật, chỉ số đo được tại Don Mueang lên đến 65,8 microgam/m³.
Hệ lụy của ô nhiễm không khí ngày càng rõ rệt. Chính quyền Bangkok đã tạm ngừng hoạt động trường học, ra lệnh làm việc từ xa và miễn phí đi lại bằng phương tiện công cộng trong một tuần. Theo UNICEF, ô nhiễm không khí gây ra hơn 100 ca tử vong mỗi ngày ở trẻ em dưới 5 tuổi tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. “Không có quốc gia nào thực sự đáp ứng được tiêu chuẩn PM2.5 của WHO. Điều này ảnh hưởng đến hơn 500 triệu trẻ em trong khu vực”, ông Nicholas Rees, Chuyên gia về biến đổi khí hậu của UNICEF, cho biết.
![]() |
UNICEF cũng cho biết hơn 300 triệu trẻ em trong khu vực phải đối mặt với ô nhiễm không khí ngay tại nhà do sử dụng nhiên liệu nấu nướng và sưởi ấm. Ngoài trời, các em gặp phải nồng độ PM2.5 cao hơn khuyến cáo của WHO đến 5 lần. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính chi phí y tế và thiệt hại do bệnh tật liên quan đến ô nhiễm bụi mịn khiến khu vực này thiệt hại hơn 2,5 nghìn tỉ USD vào năm 2019.
Tại Bangkok, mùa ô nhiễm cao điểm trùng với mùa du lịch, đặc biệt là kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Ở các tỉnh phía Bắc, tỉ lệ đặt phòng khách sạn giảm mạnh vào tháng 3 và 4, khi sương mù dày đặc. Năm ngoái, tỉ lệ lấp đầy phòng tại Chiang Rai chỉ còn 50% vào tháng 3, theo Liên đoàn Du lịch miền Bắc Thái Lan.
Trước tình hình này, ông Sisdivachr Cheewarattanaporn, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Thái Lan, kêu gọi chính phủ có chiến lược dài hạn để đối phó với biến đổi khí hậu, bao gồm lũ lụt, hạn hán và ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, các biện pháp hiện tại vẫn bị cho là chưa đủ quyết liệt. “Nếu mỗi chính quyền mới chỉ chờ đến khi vấn đề bùng phát rồi mới tìm cách khắc phục, thì Thái Lan sẽ không có lộ trình phát triển bền vững”, ông nói.
Chính phủ đảng Pheu Thai đã triển khai chương trình miễn phí phương tiện công cộng từ ngày 25 đến 31/1 nhằm giảm lượng xe cá nhân và khí thải tại Bangkok. Trong hai ngày đầu tiên, số xe lưu thông giảm 350.000 chiếc mỗi ngày, cắt giảm 2.000 kg CO₂. Số hành khách đi tàu điện tăng 39,6%, đạt 14,5 triệu người trong tuần; lượng khách đi xe buýt tăng 36,8%, đạt 5 triệu người. Tuy nhiên, chương trình này tiêu tốn hơn 140 triệu baht (4,1 triệu USD) và bị chỉ trích là chỉ giải quyết bề nổi.
“Chính phủ đang đối phó với vấn đề một cách chắp vá, mà không có biện pháp dài hạn sau khi ô nhiễm được kiểm soát", ông Yuttachai Soonthornrattanavate, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Du lịch Nhỏ và Vừa, nhận xét.
![]() |
Để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu áp dụng mức vé tàu điện đồng giá 20 baht vào tháng 9 và nghiên cứu chính sách thu phí tắc nghẽn giao thông tại Bangkok. Tháng 10 năm ngoái, nước này khởi động Clear Sky cùng Lào và Myanmar, nhằm kiểm soát cháy rừng, dự báo chất lượng không khí, quản lý nông nghiệp bền vững và siết chặt xử phạt hành vi đốt rừng trái phép.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng biện pháp căn cơ nhất vẫn là thúc đẩy các mục tiêu khí hậu theo Thỏa thuận Paris. Thái Lan đặt mục tiêu giảm 40% khí thải nhà kính vào năm 2040 so với mức năm 2005, trung hòa carbon vào năm 2050 và đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2065.
“Dù nói về khí nhà kính, nguyên nhân cốt lõi vẫn là việc đốt nhiên liệu hóa thạch. Chuyển đổi năng lượng sạch cũng đồng nghĩa với cải thiện chất lượng không khí, mang lại lợi ích sức khỏe cho trẻ em và cộng đồng”, chuyên gia Rees của UNICEF nhận định.
Có thể bạn quan tâm:
Đầu tư lưới điện bùng nổ toàn cầu
Nguồn Nikkei Asia
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
![](https://nhipcaudautu.vn/Content/Style_Layout_Home_V2/images/graphics/logo.png)