Bên trong doanh nghiệp 644 tỉ USD chuyên bán các mặt hàng bị hoàn trả
Hàng chục khách hàng xếp hàng - đôi khi thậm chí cắm trại qua đêm - để săn được các mặt hàng độc đáo mang đến lợi nhuận cao khi họ bán lại. Ảnh: Getty Images.
Bên trong nhà kho rộng 130.000 foot vuông của Liquidity Services tại Garland, Texas, các quầy hàng không trưng bày những mặt hàng tiêu biểu mà thay vào đó, chúng được chất đầy bởi những sản phẩm bị hoàn trả từ Amazon, Target, Sony, Home Depot, Wayfair và hơn thế nữa, tất cả đều đang trong tình trạng thanh lý.
Những người chuyên thanh lý sẽ tìm mua các sản phẩm này, về đóng gói rồi bán lại trên các trang web như eBay hoặc Poshmark, hoặc mua dùng với mục đích cá nhân.
Thị trường thanh lý đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2008, đạt con số khổng lồ 644 tỉ USD vào năm 2020, theo dữ liệu từ Đại học Bang Colorado.
Vào năm 2021, 16,6% tổng số hàng hóa bán ra đã bị hoàn trả, tăng từ 10,6% vào năm 2020, theo Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia. Đối với mua hàng trực tuyến, tỷ lệ trả lại trung bình thậm chí còn cao hơn, ở mức 20,8%, tăng từ 18% vào năm 2020. Xử lý hoàn trả có thể khiến các nhà bán lẻ phải trả tới 66% giá gốc của một mặt hàng, theo công ty giải pháp trả hàng Optoro.
Ngoài ra chi phí môi trường cũng rất cao. Mặt hàng trả lại mà không thanh lý được thường bị tiêu hủy bằng cách đốt hoặc gửi đến các bãi chôn lấp. Optoro ước tính số hàng trả lại của Mỹ tạo ra 16 triệu tấn khí thải carbon và 5,8 tỉ pound chất thải chôn lấp mỗi năm.
“Cái gai” đối với các nhà bán lẻ chính thống hiện nay lại là mảng kinh doanh béo bở với những người chuyên bán hàng thanh lý. Hiện nay có hàng ngàn công ty đang bùng nổ. Một trong số đó là GoodBuy Gear, chuyên thanh lý các mặt hàng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ một cách an toàn.
Các lựa chọn mua sắm bền vững là ưu tiên ngày càng tăng của người mua sắm trẻ tuổi.
Giám đốc điều hành Liquidity Services, ông Bill Angrick và Nhà sản xuất cấp cao của CNBC, bà Katie Schoolov tham quan một kho hàng trả lại ở Garland, Texas, vào ngày 31/1/2022. Ảnh: Benjamin Farrar. |
Vào năm 2000, một năm sau khi ra mắt, Liquidation.com có đợt bán hàng lớn đầu tiên: một chiếc tàu thủy trị giá 200.000 USD cho bang Georgia. Năm 2006, công ty được công khai với tên mới là Liquidity Services. Cổ phiếu của công ty đạt đỉnh vào năm 2012, có xu hướng giảm trong bảy năm tiếp theo, sau đó hồi sinh trong đại dịch Covid.
Liquidity Services vẫn là "công cụ" thanh lý lớn duy nhất được giao dịch công khai. Một công ty lớn khác là B-Stock Solutions, điều hành thị trường thanh lý có thương hiệu cho các khách hàng lớn như Amazon, Walmart, Home Depot và Costco.
Liquidity Services bán các mặt hàng bị trả lại trên nhiều thị trường. Có Liquidation.com bán đấu giá, Secondipity bán trực tiếp và GovDeals bán một số mặt hàng đặc biệt. Liquidity Services cũng xử lý thư và gói hàng không có người nhận cho Bưu điện Mỹ, xe quân sự hết hạn sử dụng và các vật dụng bị bỏ lại tại các trạm kiểm soát Cục An ninh Vận tải, chẳng hạn như dao các loại nặng 14 pound.
Khi nói đến thiết bị điện tử, nhiều hàng trả lại bị hư hỏng và không thể bán ngay. Dịch vụ thanh lý “làm mới” hàng trăm chiếc TV mỗi ngày được cho là bán với giá từ 60% đến 70% so với giá gốc. Các thiết bị điện tử “làm mới” đã trở nên phổ biến khi tắc nghẽn chuỗi cung ứng gây ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa mới.
Một nhân viên của Liquidity Services đang "tân trang" một chiếc TV. Ảnh: Katie Schoolov. |
Nhiều nhà bán lẻ hiện đang khai thác các mặt hàng đã được làm mới, khi nhu cầu về đồ cũ ngày càng tăng. Amazon có hẳn một danh mục cho mặt hàng này trên trang web của công ty. Có các doanh nghiệp như Warehouse Deals chuyên về mặt hàng đã qua sử dụng, Amazon Renewed với các mặt hàng đã được “tân trang” hay Amazon Outlet chuyên hàng tồn kho.
Người mua sắm xếp hàng dài để tìm hàng thanh lý tại Treasure Hunt Liquidators ở Raleigh, North Carolina. Ảnh: Treasure Hunt Liquidators. |
Sự bùng nổ thanh lý cũng tạo ra một xu hướng khác. Hàng trăm cửa hàng giảm giá mọc lên trên khắp đất nước, với những cái tên như Dirt Cheap và Treasure Hunt Liquidators. Hàng chục khách hàng xếp hàng - đôi khi thậm chí cắm trại qua đêm - để săn được các mặt hàng độc đáo mang đến lợi nhuận cao khi họ bán lại.
Có thể bạn quan tâm:
Cách các thương hiệu xa xỉ duy trì tính "sang chảnh" trong nền kinh tế kỹ thuật số
Nguồn CNBC
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư