Brexit cuối cùng cũng khơi dậy lạm phát lương thực tại Anh
Các sản phẩm thịt và sữa nhập khẩu vào Anh từ Liên minh Châu Âu nằm trong số những mặt hàng phải được kiểm tra bổ sung. Ảnh: Bloomberg.
Các biện pháp kiểm soát biên giới mới đối với một số mặt hàng thực phẩm nhập khẩu của Anh từ Liên minh châu Âu lần đầu tiên có hiệu lực vào ngày 31/1 kể từ Brexit, điều này đang làm gia tăng các thủ tục quan liêu cho các doanh nghiệp, đồng thời dẫn đến mức chi phí tăng cao cho người tiêu dùng.
Thịt, trứng, cá và sữa nằm trong số hàng loạt sản phẩm tươi sống cần có cấp “giấy chứng nhận y tế xuất khẩu” và các giấy tờ khác trước khi vào Vương quốc Anh.
Theo ước tính của chính phủ Anh, các cuộc kiểm tra sẽ khiến các doanh nghiệp Anh thiệt hại khoảng 330 triệu bảng Anh (419 triệu USD) hàng năm và làm tăng lạm phát thực phẩm lên khoảng 0,2 điểm phần trăm trong vòng 3 năm. Một số chuyên gia trong ngành đang cảnh báo về tác động lớn hơn đối với lạm phát.
Các nhà sản xuất thực phẩm của Vương quốc Anh xuất khẩu sang EU đã phải chịu sự kiểm soát biên giới hoàn toàn trong 3 năm, nhưng chính phủ Anh đã trì hoãn việc áp dụng các biện pháp kiểm tra thực phẩm theo chiều ngược lại 5 lần vì lo ngại các biện pháp kiểm soát bổ sung có thể làm gián đoạn nguồn cung quan trọng.
Nước này cho biết các biện pháp kiểm soát mới sẽ giúp ngăn chặn việc nhập khẩu bệnh tật và sâu bệnh từ các sản phẩm thực vật và động vật.
Người phát ngôn của chính phủ cho biết: “Những thay đổi mà chúng tôi thực hiện (Brexit) sẽ giúp giữ an toàn cho Vương quốc Anh, đồng thời bảo vệ chuỗi cung ứng thực phẩm và ngành nông nghiệp của chúng tôi khỏi sự bùng phát dịch bệnh có thể gây thiệt hại đáng kể về kinh tế”.
Tuy nhiên, các nhóm ngành đã cảnh báo rằng các biện pháp mới có thể làm tăng giá một số mặt hàng chủ lực và làm gián đoạn nguồn cung.
Hiệp hội các nhà chế biến thịt Anh cho biết có thể có một cú sốc bất ngờ đối với chuỗi cung ứng thực phẩm vì sự khác biệt ngày càng tăng trong các quy định an toàn thực phẩm giữa Anh và EU, không dừng lại tại đó, có một thực tế là EU đang thiếu hụt các bác sĩ thú y cần để ký giấy chứng nhận y tế xuất khẩu.
Hiệp hội cho biết trong một tuyên bố hồi đầu tháng này: “Ngay cả khi các bác sĩ thú y có thể phê duyệt, nhiều nhà cung cấp nhỏ hơn của EU sẽ ngừng xuất khẩu sang Anh do thủ tục hành chính rườm rà quá mức. Để dễ hình dung, Anh dựa vào nhập khẩu 22% thịt bò, 21% thịt cừu và 49% thịt lợn, trong đó EU cung cấp phần lớn nhu cầu đó”.
Lạm phát giá thực phẩm hàng năm ở Anh lên tới 19% vào tháng 3 năm ngoái, tỉ lệ cao nhất trong 45 năm. Theo số liệu chính thức, con số này đã giảm xuống 8% trong tháng 1 , điều đó có nghĩa là giá vẫn tăng nhưng với tốc độ chậm hơn so với năm trước.
Giá lương thực tăng cao là nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở quốc gia này, và việc tăng thêm chi phí cũng như xung đột trong chuỗi cung ứng sẽ càng làm tình hình trầm trọng thêm.
Một nhóm gồm 30 tổ chức thương mại đại diện cho chuỗi cung ứng thực phẩm của Vương quốc Anh cho biết vào tuần trước rằng các biện pháp biên giới mới sẽ tác động đến dòng chảy của các thực phẩm quan trọng từ EU sang Vương quốc Anh.
Ví dụ, trong một bức thư dài 6 trang gửi Bộ trưởng Môi trường Steve Barclay, họ đã cảnh báo rằng giấy chứng nhận y tế của Vương quốc Anh không bao gồm tất cả hàng hóa EU được ngành công nghiệp thực phẩm nhập khẩu.
Họ cho biết: “Các doanh nghiệp thực phẩm của Anh sẽ thiếu một số thành phần để sản xuất, chẳng hạn như món tráng miệng, sốt mayonnaise, nước sốt, đồ nướng và tiếp theo đó là các loại thực phẩm khác sử dụng chúng, ảnh hưởng đến an ninh lương thực và sự hiện diện của sản phẩm”.
Vì cho đến hiện tại, châu Âu vẫn là nhà cung cấp thực phẩm nước ngoài hàng đầu của Vương quốc Anh, chiếm hơn 1/4 lượng thực phẩm được tiêu thụ ở Anh tính theo giá trị.
Có thể bạn quan tâm:
Nghịch lý thiếu lao động nhưng vẫn khó tìm việc tại Nhật Bản
Nguồn CNN
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư