Bức tường che giấu nghèo đói ở Manila
Hồi thập kỷ 70 của thế kỷ trước, Cựu đệ nhất phu nhân Imelda Marcos đã bị chế giễu vì cho dựng những bức tường trắng dọc theo các đường phố của Manila để che giấu đi những khu ổ chuột trước thềm Hoa Hậu Hoàn Vũ. Giờ đây, lãnh đạo thành phố cũng tìm cách che giấu đi con rạch nhỏ đầy rác và bốc mùi bên cạnh sân bay khi các nhà lãnh đạo cấp cao đến đây tham dự hội nghị thường niên của ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
ADB đã có văn phòng đại diện ở thủ đô của Phillipines từ những ngày mới thành lập năm 1966 với sứ mệnh tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và xóa đói giảm nghèo ở khu vực. Thế nhưng, giờ đây Phillipines vẫn là một trong những nước nghèo nhất châu Á.
Renato Reyes, Tổng thư ký của nhóm những nhà hoạt động cánh tả có tên gọi Bayan chỉ trích, ADB đã khiến cho các nước như Philippines rơi vào tình cảnh nợ nần trong khi các nhân viên ADB được miễn thuế và chế độ miễn trừ ngoại giao.
Theo ông, việc dựng lên những bức tường để che giấu các khu ổ chuột của Manila trước mắt các lãnh đạo ADB chính xác là một điều sai lầm đối với một đất nước có khoảng 1/3 dân số sống dưới mức 2 USD một ngày như Phillipines. Riêng ở thủ đô Manila, khoảng 1/3 dân số vẫn sống chen chúc trong các khu ổ chuột chật chội và hôi hám mặc dù chứng khoán được giao dịch ở mức kỷ lục. “Sẽ không có vấn đề gì được giải quyết nếu sự thực bị che giấu,”, ông cho biết thêm.
Những năm gần đây, các nhà tài trợ không còn quan tâm nhiều đến các chuẩn mực đạo đức, đặc biệt là Trung Quốc, khiến cho người dân Phillipines tự hỏi liệu sự tồn tại của ADB có còn là cần thiết.
Quỹ sáng kiến Chiang Mai gồm một số nước Đông Nam Á cùng với Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc cho phép các nước này có thể tìm được các khoản tiền lớn giúp ổn định kinh tế mà không cần đến sự trợ giúp từ các tổ chức như ADB hay IMF. Các nước này cũng vừa thỏa thuận nâng gấp đôi quỹ này lên mức 240 tỷ USD.
Trong khi đó, mùi khó chịu từ con rạch ở gần sân bay Manila không thể bị những bức tường che chắn. Tìm kiếm các biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng cân bằng ở châu Á cùng với phương pháp để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng gia tăng vẫn là những chủ đề chính của hội nghị lần này.
Changyong Rhee, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB ước tính đã có thể có 240 triệu người đã thoát khỏi đói nghèo trong hai thập kỷ qua nếu như các chính phủ tập trung nhiều hơn vào tăng trưởng công bằng thay vì cho phép giàu có chỉ tập trung ở một số ít người.
Nguồn CafeF/Trí thức trẻ
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư