Giữa tuần qua, Mỹ và EU đã tung ra những đòn trừng phạt mới, mạnh mẽ hơn nhắm vào kinh tế Nga, đặc biệt là ngành dầu mỏ và ngân hàng.
Những lệnh trừng phạt mới mà Mỹ và châu Âu ban hành nhắm vào Nga đang khiến nhiều tập đoàn lớn khắp các nước phương Tây hứng chịu những hậu quả không mong đợi, khi lợi nhuận được dự báo giảm khiến giá cổ phiếu lao dốc.
Giữa tuần qua, Mỹ và EU đã tung ra những đòn trừng phạt mới, mạnh mẽ hơn nhắm vào kinh tế Nga, đặc biệt là ngành dầu mỏ và ngân hàng.
Các lệnh cấm vận nhằm mục tiêu gây sức ép để khiến Moscow ngừng hỗ trợ cho phe ly khai tại Đông Ukraine. Dù vậy, các tập đoàn lớn của phương Tây đang phải hứng chịu tổn thất.
“Gã khổng lồ” ngành dầu mỏ Shell của Hà Lan đã phải gác lại dự án khí đốt 10 tỷ USD tại Đông Ukraine. Trong khi đó, tập đoàn BP của Anh, vốn nắm giữ 20% cổ phần trong tập đoàn năng lượng Rosneft của Nga thì cảnh báo rằng hoạt động kinh donah của họ có thể chịu tổn thất.
Giá cổ phiếu khắp thế giới đã có một trong những tuần giảm điểm mạnh nhất trong năm nay, khi tác động tiềm tàng từ các lệnh cấm vận cộng với căng thẳng địa chính trị khắp thế giới khiến giới đầu tư thêm thận trọng.
Chỉ số Dax các cổ phiếu Blue-chip của Đức giảm hơn 5%.
Các ngân hàng Deutsche Bank của Đức và Societe General của Pháp, những nhà băng hoạt động khá mạnh tại Nga, đều đã chứng kiến giá cổ phiếu sụt mạnh trong tuần qua.
Nhưng ngay cả các ngành không bị trực tiếp nhắm tới, tác động tiêu cực từ các lệnh cấm vận cũng thể hiện rõ. “Gã khổng lồ” ngành đồ thể thao Adidas chứng kiến cổ phiếu sụt giảm hơn 15% trong phiên 31/7, sau khi cảnh báo lợi nhuận có thể sụt giảm, và cho biết sẽ đóng cửa nhiều điểm bán hàng tại Nga hơn so với dự báo trước đây.
Một tập đoàn của Đức khác là hãng sản xuất ô tô Volkswagen thì cho biết doanh số tại thị trường Nga đã sụt giảm 8%. Tương tự, tập đoàn siêu thị Metro cho biết doanh số của hãng tại Nga và Ukraine đều đi xuống.
Ở chiều ngược lại, làn sóng các công ty Nga niêm yết tại các sàn chứng khoán châu Âu như London nhiều khả năng sẽ giảm tốc. “Cho tới khi có điều gì đó rõ ràng hơn và một số thông tin tích cực hơn cho thấy sự hiểu biết lẫn nhau, tôi không cho rằng sẽ có công ty Nga nào có thể chào bán trên thị trường”, lãnh đạo một ngân hàng đầu tư chuyên về thị trường Nga khẳng định với tờ Financial Times.
Thiệt hại nhãn tiền
Không chỉ có các công ty cảnh báo về những khó khăn có thể gặp phải do các lệnh cấm vận. Ngay cả các quốc gia láng giềng của Nga cũng đang phải điều chỉnh giảm triển vọng kinh tế.
Thủ tướng Ba Lan cho biết các lệnh cấm vận đối với Nga sẽ khiến tăng trưởng GDP của Ba Lan sụt giảm 0,6% từ nay đến cuối năm. Cùng lúc đó, chỉ số niềm tin doanh nghiệp Ifo của Đức – một chỉ số được theo dõi rất sát sao – đã cho thấy sự sụt giảm mạnh.
Dù vậy, chịu thiệt hại lớn nhất đến nay vẫn là Nga. Tuần qua, Tổng thống Vladimir Putin đã phải công bố một đạo luật thuế mới, để giúp tăng cường nguồn thu bù đắp lại sự sụt giảm trong đóng góp ngân sách của các ngân hàng quốc doanh, cũng như các công ty xuất khẩu vũ khí, đối tượng chịu tác động trực tiếp từ các lệnh trừng phạt.
Và người tiêu dùng Nga sẽ là những người phải chịu tác động tiếp theo, sau khi lạm phát hiện đã ở mức 8% trong khi lãi suất trên thị trường đang tăng. Việc tăng thuế sẽ khó có thể là giải pháp để giúp thúc đẩy một nền kinh tế vốn đang có nguy cơ suy thoái.
Tác dụng của lệnh cấm vận đến đâu?
Hiện có nhiều ý kiến khác nhau về tính hiệu quả của các lệnh cấm vận.
Giới bình luận Mỹ thì lấy thành công của các lệnh cấm vận đối với Iran để bày tỏ tin tưởng vào các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Tuy vậy, hai trường hợp này là khác nhau rất nhiều khi Tehran bị cấm vận dầu mỏ toàn diện, một điều khó có thể được áp dụng với Nga, nước cung cấp 40% khí đốt cho Đức.
Phát biểu với hãng thông tấn Itar-Tass, đại sứ Nga tại EU khẳng định vẫn chưa làm gì để hạ nhiệt căng thẳng tại Ukraine.
Giới lãnh đạo EU thì chịu áp lực phải đi theo sự dẫn dắt của Mỹ, và áp lực này đã gia tăng sau vụ chuyến bay MH17 bị bắn hạ. Nhưng có một điều rõ ràng đó là các lợi ích của EU sẽ bị đe dọa nhiều hơn so với Mỹ, do mối quan hệ thương mại chặt chẽ hơn với Nga.
Và trong bối cảnh đó, những người hưởng lợi cuối cùng trong cuộc đối đầu này có thể là châu Á. Megafon, mạng điện thoại di động lớn thứ hai của Nga vừa qua cho biết đã chuyển đổi 40% lượng tiền mặt mình nắm giữ tại các ngân hàng Trung Quốc sang đô la Hong Kong.
Và sau nhiều thập niên gần gũi hơn bao giờ hết với các đối tác phương Tây, giờ đây Nga có thể sẽ ngày càng hướng sang phía Đông để tìm kiếm đối tác cũng như bạn bè.
Nguồn Dân trí