"Cảng Trung Quốc" ở Thái Bình Dương gây lo ngại
Hồi cuối tháng bảy, một tàu tuần tra 1.900 tấn từ New Zealand đã neo tại bến tàu Vuna (ảnh) ở Nukualofa, thủ đô Tonga. Bến tàu dành cho phà chở khách lớn này được phát triển với sự hỗ trợ đầy đủ từ Trung Quốc, chiều dài khoảng 120m, độ sâu khoảng 20m, đủ lớn cho tàu chiến ra vào.
Tàu quân sự có thể cập cảng
Ở Tonga, hỗ trợ tài chính của Trung Quốc cũng được dùng để sửa chữa đường sá, các khu vực trung tâm thành phố và cả cung điện của vua. Bắc Kinh đã đề nghị một khoản cho vay tổng cộng 62 triệu USD để phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm cả việc tái thiết bến Vuna, từ năm 2009 đến năm 2012. Từ năm 2011 tới 2013, Trung Quốc đã cung cấp khoản vay nữa trị giá khoảng 47 triệu USD để sửa chữa đường bộ, nâng tổng tiền cho nước này vay từ Trung Quốc lên 109 triệu USD.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, các khoản Trung Quốc cho Tonga vay chiếm khoảng 30% GDP của nước này. Một nguồn tin quân sự từ Úc tiết lộ Trung Quốc đang cố chuyển Tongo về phía mình bằng những ủng hộ như vậy, và có thể biến cầu tàu này thành một vị trí chắc chắn cho tàu chiến của họ.
Theo các phương tiện truyền thông, một công ty Trung Quốc đã thắng gói thầu mở rộng một cảng cá ở Madang, đông bắc Papua New Guinea năm 2010. Tại Lae, nam Madang, một công ty Trung Quốc nữa giành được hợp đồng mở rộng một cảng hàng hóa hồi năm ngoái. Năm 2011, Trung Quốc quyết định kéo dài một khoản cho vay lãi suất thấp khoảng 71 triệu USD cho quốc đảo này.
Nhà chức trách tỉnh Papua, đông Indonesia, nói một công ty Trung Quốc đã mua một phần cảng cá ở Merauke trong tỉnh, giáp với Papua New Guinea, và một kế hoạch mở rộng nó đang được thảo luận.
Trung Quốc bắt đầu sử dụng nhiều cảng ở nam Thái Bình Dương. Hồi cuối tháng tám, thứ tưởng Ngoại giao Trung Quốc thông báo Bắc Kinh sẽ cung cấp tổng cộng 3 tỷ nhân dân tệ (khoảng 470 triệu USD) giúp phát triển các cơ sở đánh cá và các thành phố cảng ở các nước ASEAN.
"Chuỗi ngọc trai" thứ hai
Theo một nguồn tin quen thuộc với các công việc của liên minh Nhật - Mỹ, nếu Mỹ và đồng minh của họ chặn các tuyến đường biển quan trọng, Trung Quốc muốn bảo vệ các tuyến đường biển thay thế nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương.
Vào một thời điểm khẩn cấp chống lại Mỹ, Trung Quốc có thể sử dụng nam Thái Bình Dương như một khu vực có khả năng đe dọa quân đội Mỹ.
Trung Quốc đã hỗ trợ xây dựng và tái phát triển nhiều cảng ở Sri Lanka, Pakistan và các quốc gia khác dọc Ấn Độ Dương. Mạng lưới cơ sở hàng hải như vậy của họ đã được gán cho cái tên "Chuỗi ngọc trai", bao quanh Ấn Độ.
Ở thành phố cảng Gwadar của Pakistan, một công ty nhà nước Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát cảng từ tay một công ty Singapore. Một cảng như vậy có thể phục vụ như một tiền đồn hàng hải chiến lược cho hải quân Trung Quốc.
Các nhà quan sát cho rằng dường như Bắc Kinh đã và đang nỗ lực thiết lập "chuỗi ngọc trai" thứ hai ở Thái Bình Dương, nơi Mỹ làm bá chủ.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư