Địa nhiệt: Tương lai năng lượng sạch châu Á
Địa nhiệt có thể đóng vai trò lớn hơn trong sản xuất điện toàn cầu. Ảnh: Nikkei Asia.
Trung Quốc và Ấn Độ được dự báo sẽ dẫn đầu thị trường năng lượng địa nhiệt nhờ công nghệ mới, mở ra cơ hội thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiệt điện than, theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố gần đây.
Hiện nay, năng lượng địa nhiệt tái tạo, sử dụng nguồn nước nóng từ các hồ chứa dưới lòng đất, chỉ đáp ứng 0,3% nhu cầu điện toàn cầu. Việc ứng dụng chủ yếu giới hạn ở các nước sở hữu nguồn tài nguyên dễ tiếp cận như Mỹ, Indonesia và Philippines.
Tuy nhiên, địa nhiệt có thể đóng vai trò lớn hơn trong sản xuất điện toàn cầu, đáp ứng 15% nhu cầu điện tăng thêm toàn cầu từ nay đến năm 2050, theo báo cáo “Tương lai của năng lượng địa nhiệt” của IEA. Cơ quan này cũng cho biết chi phí sản xuất năng lượng địa nhiệt nhờ công nghệ mới có thể giảm tới 80% trong thập kỷ tới nếu được đầu tư đủ mức.
"Công nghệ khoan từng cách mạng hóa ngành dầu khí đá phiến ở Mỹ đang được áp dụng cho địa nhiệt, cho phép khoan sâu hơn dưới lòng đất. Đây có thể là yếu tố thay đổi cuộc chơi", ông Fatih Birol, Giám đốc Điều hành IEA, cho biết. Ông nhấn mạnh với công nghệ thế hệ mới, địa nhiệt có thể cạnh tranh ngang hàng với thủy điện, năng lượng mặt trời và gió trong vòng 10 năm tới.
Theo ông Birol, địa nhiệt là một "ứng viên sáng giá" để thay thế than đá ở châu Á, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng của các trung tâm dữ liệu của những công ty công nghệ lớn như Google và Microsoft. Khác với năng lượng mặt trời hay gió, địa nhiệt cung cấp nguồn điện ổn định bất kể thời tiết, bổ sung hiệu quả cho các nguồn tái tạo khác.
Các nhà máy địa nhiệt truyền thống tạo ra điện bằng cách sử dụng hơi nước từ các hồ nước nóng ngầm để quay tua-bin, từ đó vận hành máy phát điện.
Công nghệ mới, được gọi là hệ thống địa nhiệt tăng cường (EGS), cho phép khai thác hoặc tạo ra nguồn tài nguyên nước nóng mới ở các quốc gia không có điều kiện địa nhiệt truyền thống. Theo IEA, Trung Quốc sở hữu tiềm năng EGS lớn thứ hai thế giới, chiếm 8% tổng tiềm năng toàn cầu, chỉ sau Mỹ (13%). Đông Nam Á đóng góp khoảng 15%, dẫn đầu là Indonesia và Philippines.
Chi phí công nghệ như EGS có thể giảm tới 80% vào năm 2035, giúp địa nhiệt trở nên cạnh tranh, thậm chí rẻ hơn nhiều nguồn năng lượng khác, bao gồm khí đốt và than đá đi kèm thu hồi carbon.
IEA nhận định với sự hỗ trợ chính sách và đầu tư thích đáng, địa nhiệt có thể đóng góp khoảng 20% tăng trưởng sản lượng điện tại Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á và Mỹ vào năm 2050. Ba quốc gia này cũng chiếm 3/4 tiềm năng toàn cầu trong kịch bản chi phí thấp.
Khoảng 80% khoản đầu tư cần thiết cho địa nhiệt liên quan đến kỹ năng và năng lực từ ngành dầu khí, cho thấy tiềm năng tận dụng chuyên môn để giảm chi phí EGS. IEA cũng cho rằng việc chuyển đổi sang địa nhiệt có thể mở ra cơ hội kinh doanh mới cho ngành dầu khí, giảm rủi ro từ sự sụt giảm nhu cầu dầu mỏ trong tương lai.
Tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển địa nhiệt, các chính phủ cần hỗ trợ mạnh mẽ hơn, đặc biệt trong việc cải thiện quy trình cấp phép và phê duyệt. "Thách thức lớn là đảm bảo các quy trình này không kéo dài quá lâu, đồng thời vẫn tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường", ông Birol nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm:
Cuộc đua thâu tóm Seven & i nóng lên
Nguồn Nikkei Asia
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư