ECB nhận định không thể điều trị tận gốc căn bệnh nợ công
Sau 3 tháng tạm lắng dịu, khủng hoảng nợ công đã trở lại với mức độ nghiêm trọng hơn trong tuần này, khi các thị trường chứng khoán lao dốc, và chi phí vay mượn của Tây Ban Nha và Italy vọt lên trước những nghi ngờ gia tăng về khả năng kiểm soát tình hình tài chính của hai nước này.
Ở Italy, chi phí vay mượn sau khi giảm trong những tháng gần đây đã tăng gấp đôi trong cuộc phát hành trái phiếu ngắn hạn được theo dõi sát sao trong ngày 11/4, trong khi ở Tây Ban Nha, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm ở mức 6%, mức mà nhiều người cho là quá cao.
Tuy nhiên, thành viên hội đồng điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Benoit Coeure cho rằng, việc lãi suất trái phiếu của Tây Ban Nha tăng không xuất phát từ những vấn đề kinh tế của nước này.
Trong khi đó, cả Đức và Pháp cũng đều cho rằng, những lo ngại của thị trường về tình hình tài chính của Tây Ban Nha là "quá mức" bởi nước này đang theo đuổi những cải cách cần thiết.
Với những dấu hiệu mới về sự căng thẳng trên các thị trường, đã có những kêu gọi đối với ECB về các hành động cứu trợ. Ngân hàng trung ương của khu vực này đã đóng vai trò như một người lính cứu hỏa ngay từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng, với một loạt các biện pháp "phi chuẩn" để ngăn chặn sự sụp đổ của liên minh tiền tệ.
Cùng với chính sách tiền tệ thông thường là cắt giảm lãi suất xuống các mức thấp kỷ lục, ECB đã tiến hành mua trái phiếu của các nước đang ngập trong nợ nần.
Gần đây nhất, ngân hàng này đã bơm hơn 1.000 tỷ euro vào hệ thống ngân hàng thông qua hoạt động tái cấp vốn dài hạn, không để xảy ra tình trạng khan hiếm tín dụng. Nhìn chung, các biện pháp của ECB đã giúp phá vỡ vòng luẩn quẩn, khôi phục niềm tin vào hệ thống tài chính của khu vực.
ECB chưa có kế hoạch dừng các biện pháp chống khủng hoảng, song khẳng định các chính phủ có trách nhiệm giải quyết tận gốc cuộc khủng hoảng và ổn định tình hình tài chính của đất nước.
Các nhà phân tích cho rằng, những diễn biến mới trên các thị trường cho thấy những hành động chữa cháy của ECB không phải là liều thuốc bách bệnh đối với cuộc khủng hoảng. Vì thế, chìa khóa cho cuộc khủng hoảng không phải là hành động của ECB mà là ở sự tăng trưởng kinh tế của các nước.
Nguồn Vietnam+
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư